Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Văn phòng HĐND tỉnh / Hoạt động Đảng, đoàn thể

A+ | A | A-

Chi bộ Văn xã - Dân tộc tổ chức sinh hoạt chuyên đề dã ngoại, về nguồn

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 9:11 | 28/04 Lượt xem: 1227

Thực hiện Chương trình công tác năm 2023, nhân kỷ niệm Ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), Chi bộ Văn xã – Dân tộc thuộc Đảng bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chuyên đề dã ngoại, về nguồn tìm hiểu giá trị di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một tại phường Tân An, thành phố Hội An vào chiều ngày 27/4/2023. Tham gia sinh hoạt chuyên đề về nguồn có đồng chí Nguyễn Công Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Dân tộc HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và toàn thể đảng viên Chi bộ Văn xã - Dân tộc. Đoàn đã thành kính dâng hoa, viếng hương tưởng nhớ các vị tiền bối cách mạng của tỉnh nhà.

Chi bộ Văn xã – Dân tộc dâng hoa, viếng hương ở khu di tích lịch sử cách mạng Cây Thông Một

Cách đây vừa tròn 90 năm, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam chính thức được thành lập. Dấu mốc quan trọng này diễn ra tại di tích lịch sử Cây Thông Một tại khối phố Tân Thanh, phường Tân An, thành phố Hội An.

Trở lại bối cánh những thập niên đầu thế kỷ XX, nhằm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến đến thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, Bác Hồ đã lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào tháng 6/1925, tiến hành mở các lớp huấn luyện, viết tác phẩm Đường Kách mệnh để truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự phát triển của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên dẫn đến sự phân hóa của tổ chức này trong những năm 1929 - 1930, cụ thể là sự ra đời của 3 tổ chức Cộng sản, gồm: Đông Dương Cộng sản đảng vào tháng 6/1929, An Nam Cộng sản đảng vào tháng 9/1929 và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào tháng 01/1930. Mặc dù có những điểm tích cực nhưng sự hoạt động của 3 tổ chức Cộng sản này gây khó khăn cho sự phát triển chung của phong trào cách mạng cả nước. Vì thế, ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản này.

Cùng với sự vận động của phong trào cách mạng chung của cả nước, ở Quảng Nam, những tiền đề, điều kiện cần thiết để thành lập tổ chức Đảng ở địa phương cũng được tích cực chuẩn bị. Vào tháng 9/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Quảng Nam được thành lập. Cuối tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - đại diện Xứ ủy Trung kỳ vào truyền đạt thông tin về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và theo gợi ý của Xứ ủy, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản đảng Quảng Nam nhất trí thực hiện chủ trương hợp nhất của Trung ương Đảng, quyết định ngày làm lễ chính thức đổi tên Đảng của mình.

Tối ngày 28/3/1930, tại địa điểm Cây Thông Một đã diễn ra Hội nghị có ý nghĩa lịch sử mở ra chặng đường đấu tranh mới cho phong trào cách mạng của tỉnh, đó là thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, bầu Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư, đồng chí Phạm Thâm làm phó Bí thư.

Như vậy từ đây, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Quảng Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và thống nhất với phong trào đấu tranh của cả nước dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hồi ký của mình, đồng chí Phan Văn Định kể rằng “giờ phút thiêng liêng ấy làm nhiều đồng chí xúc động. Tôi lúc ấy cũng bùi ngùi không tả nổi… Hôm nay tôi đã được đứng vào hàng ngũ của những người Cộng sản, có sức mạnh đoàn kết. Việc thống nhất lại các Đảng cho tôi hiểu, Đảng của mình sắp sửa bước vào cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù”.

Thực tế lịch sử cho thấy trên chặng đường lịch sử 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã không ngừng trưởng thành, phát triển, khẳng định vai trò lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà đấu tranh giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến cứu nước và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay. Địa điểm Cây Thông Một trở thành địa chỉ đỏ, mãi mãi khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn trên chặn đường 90 năm đã qua cũng như chặng đường đi lên phía trước của Đảng bộ tỉnh nhà.

Cũng chính tại đây, tờ báo Lưỡi Cày - Tiếng nói của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra số đầu tiên vào ngày 1/5/1930, góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Chuyến sinh hoạt ngoại khóa của Chi bộ Văn xã - Dân tộc nhân kỷ niệm Ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động có ý nghĩa sâu sắc, là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, tạo động lực cho đảng viên chi bộ phấn đấu và rèn luyện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; đồng thời, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ.

Tác giả: Lê Hương

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: