Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Bài 2: Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 15:37 | 06/11 Lượt xem: 311

TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Bài 2: Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Những thành tựu, kết quả đã đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW là đáng phấn khởi. Song, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhận diện, chỉ rõ nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp khắc phục để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nhận diện tồn tại, hạn chế

Trước hết có thể thấy chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực. Chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia tương đối cao nhưng chưa thật bền vững. 

Ngành, nghề đào tạo của Trường Đại học Quảng Nam chưa đa dạng. Tỉ lệ tiến sĩ/sinh viên còn thấp; chưa đủ nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết để mở thêm các mã ngành mà xã hội có nhu cầu cao, nên những năm gần đây số lượng tuyển sinh chính quy không đạt chỉ tiêu được giao. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn bất cập. Mối quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp sử dụng lao động của trường có lúc chưa thật chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. 

Trường đại học Quảng Nam

Trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ và kỹ năng tay nghề còn thấp; hiệu quả đào tạo nghề lao động nông thôn chưa cao. Quy mô tuyển sinh trung cấp, cao đẳng đạt tỉ lệ thấp so với quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm. Năng lực các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn lao động có kỹ năng nghề cao, nhất là các ngành, nghề mới phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh trong bối cảnh tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỉ lệ sinh viên, học sinh ra trường chưa có việc làm vẫn còn cao. 
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện phân cấp quản lý giáo dục hiện nay chưa thật hiệu quả và chưa có sự thống nhất giữa các địa phương; công tác xây dựng xã hội học tập còn lúng túng, đa số trung tâm học tập cộng đồng cấp xã hoạt động chưa thật hiệu quả. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm còn vướng mắc, khó khăn nhất định; công tác quản lý giáo dục ngoài công lập ngoài còn hạn chế.

Mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học nhất là ở các huyện miền núi còn thiếu thốn; học sinh còn thiếu các điều kiện để học trực tuyến theo yêu cầu đổi mới giáo dục và vẫn còn tình trạng phòng học tạm, lớp học ghép tại các điểm trường ở các thôn, xã vùng cao. 

Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học ở các huyện miền núi còn thiếu thốn.

Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển giáo dục đào tạo chưa hiệu quả. Việc thu hút sinh viên giỏi, giáo viên giỏi về giảng dạy kết quả còn khiêm tốn. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là khu vực miền núi của tỉnh hiện thiếu khoảng 873 giáo viên các cấp. Đội ngũ nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, tỉ lệ đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn thấp; chương trình, giáo trình đào tạo chưa cập nhật kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật; cơ sở vật chất và trang thiết bị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế (thiếu tính đồng bộ, tầng suất sử dụng thiếu ổn định). Ngành nghề đào tạo chưa thật trọng tâm, trọng điểm, chưa phát huy được thế mạnh ở mỗi cơ sở; một số nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động. Công tác kiểm định chất lượng đối với nhà trường và các chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm chưa được cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm thực hiện tốt. 

Nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhiều năm chưa đạt tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách tỉnh (năm 2017: 16%; năm 2018: 15%; năm 2019: 15%; năm 2020: 14%; năm 2021: 21%, năm 2022: 21%). Công tác xã hội hóa, hợp tác quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo. Kinh phí đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phục vụ cho công tác bồi dưỡng nhà giáo, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn nhất định. 

Qua tổng kết cũng cho thấy có 05/29 chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TU về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Nam đề ra đến năm 2025 khó hoàn thành. 

Nguyên nhân

Những hạn chế, tồn tại nêu trên có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, có thể nhận thấy rằng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo là nhiệm vụ quan trọng chịu tác động bởi nhiều chính sách, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội liên quan, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi các chương trình, dự án của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành đầy đủ. Quảng Nam nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, những năm gần đây đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục - đào tạo. Địa bàn các huyện miền núi rộng, địa hình phức tạp, học sinh phải phân tán tại  nhiều điểm trường nên việc đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu dạy và học cần nguồn lực đáng kể, trong khi ngân sách chưa có khả năng đáp ứng…    

Về nguyên nhân chủ quan, thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 29, nhưng vẫn có cấp ủy, chính quyền ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, sâu sát; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan chưa chặt chẽ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư chưa được phát huy đúng mức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức quán triệt, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 11-NQ/TU ở vài nơi chưa được quan tâm thỏa đáng. 

Công tác tham mưu, quản lý nhà nước, quản lý ngành, quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và cơ chế, chính sách còn một số bất cập. Sự phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, đào tạo chưa mạnh mẽ; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng; công tác tổ chức triển khai thực hiện còn chậm, thiếu quyết liệt; công tác đề xuất, tham mưu, dự báo chưa sát với tình hình thực tế; thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở miền núi là do chưa có các chính sách thu hút, hỗ trợ phù hợp. 

Ngân sách địa phương có hạn, trong khi công tác xã hội hóa huy động nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế để thu hút, bổ sung nguồn lực thực hiện công tác giáo dục, đào tạo ở nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục còn quá khiêm tốn, trong 10 năm qua chỉ huy động được khoảng 405 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 1,16% tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: