Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Bài 3: Để phát triển các cụm công nghiệp theo hướng bền vững

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 16:03 | 11/01 Lượt xem: 524

THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Bài 3: Để phát triển các cụm công nghiệp theo hướng bền vững

Những năm qua tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và các địa phương cấp huyện đã có sự quan tâm chỉ đạo để tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát  triển các cụm công nghiệp. Trong thời gian đến việc phát triển các cụm công nghiệp cần theo hướng bền vững không chỉ để tăng tỉ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh mà còn đáp ứng nhiều mục tiêu: bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng Nông thôn mới…  

Hoàn thiện khung pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp

Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật là điều kiện tiên quyết trong phát triển các cụm công nghiệp trong thời gian đến.
Trước tiên cần là thống nhất mô hình quản lý, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết thủ tục về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp; phân cấp, phân quyền cho địa phương để chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát thực hiện các quy định về an toàn, xử lý vi phạm tại các cụm công nghiệp. Kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ UBND huyện sang doanh nghiệp, vì hiện nay chưa có cơ chế pháp lý, nhất là đối với những cụm công nghiệp do UBND huyện quản lý, diện tích hẹp, được thành lập trước khi có Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, nhưng đến nay không thể mở rộng.

Đổng thời rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, thống nhất mô hình chủ đầu tư; đưa ra khỏi quy hoạch và xây dựng lộ trình chuyển đổi các cụm công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cụm công nghiệp có hiệu quả đầu tư thấp sang mục đích phát triển lĩnh vực, ngành nghề khác có hiệu quả cao hơn; kêu gọi doanh nghiệp có năng lực làm chủ đầu tư các CCN nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư CCN.

Tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề vào cụm công nghiệp, nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đồng thời, ưu tiên phát triển các ngành nghề phát huy được lợi thế cạnh tranh của địa phương nhằm phát triển cụm công nghiệp một cách ổn định, góp phần giảm bớt sự lệ thuộc của công nghiệp tỉnh nhà vào các dự án FDI.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng

Để phát triển bền vững theo xu hướng chung toàn cầu thì vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường của các cụm công nghiệp cần phải quan tâm đặc biệt. Với định hướng đó, các dự án đầu tư phải bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường, không tiếp nhận các loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm. Yêu cầu các các địa phương, các đơn vị quản lý phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương; xây dựng và triển khai chính sách về bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh truyền thống, công nghệ cũ, nguy cơ gây ô nhiễm sang lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững. Di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất tập trung trong CCN. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các CCN, nhất là vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ…cần được quan tâm chỉ đạo. Ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết các CCN phải chú trọng việc phát triển công nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường, bố trí các khu chức năng để xây dựng các công trình hạ tầng, như: trạm xử lý chất thải rắn, nước thải, hệ thống cây xanh tập trung, cây xanh cách ly và cây xanh phân tán dọc theo các tuyến đường giao thông; qua đó tạo vẻ đẹp cảnh quan và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các cụm công nghiệp phải đảm bảo việc xử lý triệt để nước thải nhằm bảo vệ môi trường

Cùng với việc quan tâm bảo vệ môi trường, các địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng; bởi, đây là một trong nhưng "điểm nghẽn" lớn nhất ảnh hưởng đến việc phát triển các cụm công nghiệp và hiệu quả việc thu hút đầu tư hiện nay. Theo thống kê, hiện còn hơn 90% diện tích của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. 

Do vậy, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban ngành liên quan, địa phương và các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thường xuyên rà soát, đẩy nhanh và kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung. Trong quá trình thực hiện  nếu phát sinh các vướng mắc khó khăn cần có kiến nghị kịp thời đối với cấp có thẩm quyền, từng sở quản lý chuyên ngành, lĩnh vực để thống nhất xử lý. 

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: