Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Tăng cường công tác đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 11:24 | 21/03 Lượt xem: 122

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ quan điểm phát  triển của tỉnh trong những năm đến là :"Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế trên nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị của toàn cầu". Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu đề ra là tăng cường công tác đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao. 

Yêu cầu từ thực tiễn


Quảng Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nên tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động khá lớn (khoảng 55%)1 ; trong đó, lực lượng lao động trẻ (nhóm tuổi 20 - 39) chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 32%. Đây là nguồn lực góp phần quan trọng cho sự phát  triển nhanh và bền vững của tỉnh. Về cơ cấu lao động thì lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ lệ  32,6%, công nghiệp và xây dựng: 34,01%, thương mại và dịch vụ 33,39%; lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) là 26,66%.  

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng khoảng 9 - 9,5% trong GRDP, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5 - 37,8%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36 - 37,0% trong GRDP; năng suất lao động tăng bình quân 6,5 - 7%/năm; tỉ lệ người lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; giải quyết việc làm mới tăng thêm mỗi năm 15.000 lao động. 

Dự báo những năm đến nhu cầu về lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật sẽ tăng cao

Theo xu hướng phát triển chung của tỉnh, dự báo cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch từ các ngành nông nghiệp và công nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang các ngành dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2030, hai ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm 69,8% lực lượng lao động; trong khi nông nghiệp sẽ giảm tỷ trọng từ 39,6% năm 2020 xuống còn 30,2% năm 2030.

Như vậy, có thể thấy rằng nhu cầu lao động trong khu vực nông lâm thủy sản sẽ giảm tương đối so với khu vực phi nông nghiệp và đây là cơ hội để nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn, đồng thời chuyển đổi nhanh cơ cấu lao động thông qua phát triển nhanh kinh tế công nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu lao động sang các ngành nghề mới liên quan tới công nghiệp chế biến và kinh tế dịch vụ (trọng tâm là du lịch và các dịch vụ bán buôn, bán lẻ, dịch vụ vận tải và logistics). Đồng thời, để hoàn thành chỉ tiêu về lao động qua đào tạo, tăng năng suất cũng như chỉ tiêu giải quyết việc làm mới tăng thêm hằng năm; việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao phục vụ các khu công nghiệp, ngành chủ lực của tỉnh thời gian đến là nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đến, ngoài việc đảm bảo nguồn cung lao động phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Quảng Nam còn phải chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng những xu thế, yêu cầu mới phát sinh từ quá trình chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế. Do vậy, tỉnh cần phát triển nhanh về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành nghề ưu tiên trong thời gian tới thông qua việc tăng cường công tác đào tạo nghề.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp 

Theo đánh giá, hiện nay công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đa phần lao động chỉ được đào tạo ngắn ngày (dưới 7 ngày). Lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ cũng ở cấp độ từ 3 tháng đến sơ cấp. Đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỉ trọng thấp trong tổng số lao động được đào tạo, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp không đạt kế hoạch. Bởi, việc giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với đầu ra, giải quyết việc làm, tạo thu nhập. Các nghề phục vụ cho sự phát triển của vùng, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao để đón đầu phục vụ cho yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được đầu tư đúng mức...

Trường Cao đẳng nghề Trường Hải, điểm sáng trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Do vậy, trong những năm đến cần có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới chương trình đào, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên. Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ, nhằm đảm bảo cho người lao động đào tạo ra được sử dụng đúng với chương trình đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. 

Thường xuyên mở các lớp đào tạo, cập nhật kiến thức và thông tin thị trường, hội nhập để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, khả năng tiếp cận và ra nhập thị trường cho nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đổi mới công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng và tác phong công nghiệp cho người lao động; xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực từ bên ngoài, các nguồn tài trợ để tăng cường công tác đào tạo nghề.

Theo Quy hoạch tỉnh, trong thời gian đến sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiệm cận chất lượng đào tạo, trình độ các nước Asean - 4, có kỹ năng nghề phù hợp tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ phát triển các ngành nghề trọng điểm của tỉnh và vùng động lực miền Trung. Xây dựng mới 2 khu giáo dục, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp ở phía nam và phía bắc của tỉnh, xây dựng mới các trung tâm đào tạo nghề ở các địa phương chưa có cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, nâng cấp 11 trường cao đẳng, trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp khác.

 1 Niên giám thống kê Quảng Nam 2022

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: