Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin tuyên truyền trung ương, địa phương

A+ | A | A-

Không chỉ khỏa lấp “khoảng trống” chất vấn

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 22:14 | 24/08 Lượt xem: 9052

Trên thực tế, việc chọn kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp HĐND để tiếp tục chất vấn tại kỳ họp đó sẽ hóa giải các câu hỏi: Chất vấn ai, chất vấn vấn đề gì và ai chất vấn. Việc chất vấn vào chính kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp còn giúp làm sâu sắc và sinh động thêm, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nội dung giám sát chuyên đề đó.

Để không còn “khoảng trống” chất vấn

Kỳ họp HĐND mà không có hoạt động chất vấn thì như thiếu một cái gì đó. Nhưng sợ nhất là thiếu lâu ngày quá thành quen, người ta không còn cảm thấy thiếu nữa. Vậy thì chẳng phải kỳ họp mất đi một nội dung rất quan trọng đó sao?

Chất vấn ai? Chất vấn vấn đề gì? Ai chất vấn?... Đó là những câu hỏi thường đặt ra trước mỗi kỳ họp HĐND. Để không có “khoảng trống” chất vấn trong chương trình nghị sự, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND phải ban hành văn bản đề nghị các đại biểu HĐND tham gia và gửi nội dung đề nghị chất vấn. Thế nhưng kết quả mang lại không được như mong đợi; hoặc có đăng ký chất vấn nhưng nội dung rời rạc, không thể tổ chức thành phiên chất vấn hoàn chỉnh mà chỉ có thể thực hiện chất vấn bằng văn bản. Có nhiều lý do để đại biểu ít chất vấn trực tiếp tại mỗi kỳ họp, trong đó phải kể đến vai trò của Thường trực HĐND trong việc chỉ đạo, định hướng nội dung, đối tượng chất vấn, thậm chí còn là cách thức thực hiện việc chất vấn.


Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ họp thứ 10, dự kiến các nội dung trình Kỳ họp thứ 11

Giám sát chuyên đề là hoạt động rất quan trọng, chiếm nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của đại biểu. Chương trình giám sát chuyên đề hàng năm được chính HĐND ban hành nghị quyết để thực hiện trên cơ sở lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Do vậy, nội dung giám sát chuyên đề trở thành vấn đề cần được chất vấn, dễ dàng tổ chức thành nhóm vấn đề chất vấn vì nội hàm của nội dung giám sát thường khá rộng.

Nội hàm của nội dung giám sát chuyên đề cũng bao hàm trong đó đối tượng liên quan cần chất vấn. Như vậy, đối tượng cần chất vấn cũng đã được dễ dàng khu biệt trên cơ sở chủ thể chất vấn lựa chọn chất vấn vấn đề gì. Và cuối cùng chủ thể chất vấn là ai? Đó chính là chủ thể, đại biểu tham gia vào hoạt động giám sát chuyên đề đó. Bởi lẽ, họ là người nắm chắc vấn đề, đã tìm hiểu kĩ vấn đề và có được một lượng thông tin khá lớn về vấn đề trong suốt quá trình giám sát. Nói cách khác, họ là người “nói có sách, mách có chứng”. Do vậy, Thường trực HĐND cần giao cho chủ thể, người thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề thực hiện việc chất vấn.

Như vậy, việc chọn kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp để tiếp tục chất vấn tại kỳ họp đó sẽ hóa giải các câu hỏi: Chất vấn ai, chất vấn vấn đề gì và ai chất vấn. Điều này còn làm cho việc tổ chức phiên chất vấn dễ dàng hơn, chủ động hơn. Nhóm vấn đề chất vấn, chủ thể chất vấn, những ai cần chất vấn đều đã được xác định trước. Đại biểu HĐND trong quá trình tham gia giám sát chuyên đề đã am hiểu và có được lượng thông tin cần thiết, giúp họ tự tin khi chất vấn; mà nếu không chọn nội dung được giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp để chất vấn thì đại biểu cũng phải thực hiện quá trình thu thập thông tin tương tự như khi giám sát chuyên đề.

Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề

Thực tế, việc chất vấn vào chính kết quả giám sát chuyên đề trình kỳ họp còn giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của việc giám sát chuyên đề đó. Một báo cáo giám sát luôn cố gắng chuyển tải đầy đủ nhất những vấn đề nổi lên qua giám sát, nhất là những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục. Nhưng việc làm rõ trách nhiệm đến cùng của các chủ thể liên quan thì hình thức chất vấn trực tiếp vẫn có ưu thế hơn. Bên cạnh các nội dung đã được báo cáo giám sát đề cập, các đại biểu có thể chất vấn thêm những vấn đề liên quan mà báo cáo chưa đề cập hết hoặc đại biểu muốn “truy” trách nhiệm đến cùng trong việc giải quyết các vấn đề tại nghị trường kỳ họp.

Nếu như báo cáo kết quả giám sát chỉ được trình bày trước kỳ họp, sau đó đại biểu có dành thời gian nghiên cứu đánh giá hay không là điều khó đoán định. Theo đó, thái độ của mỗi đại biểu HĐND và của cơ quan chịu sự giám sát phản ứng như thế nào trước kết quả giám sát cũng là điều chưa thể xác định được. Trong khi đó, điều mà cử tri cũng như chủ thể giám sát cần nhất là tinh thần cầu thị, tiếp thu, trách nhiệm giải trình và tổ chức thực hiện kiến nghị giám sát của chính người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giám sát thể hiện như thế nào.

Như vậy, việc chất vấn này sẽ làm sâu sắc và sinh động thêm kết quả giám sát chuyên đề. Theo quy định, đoàn giám sát báo cáo HĐND kết quả giám sát; đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo giải trình; HĐND thảo luận và xem xét ra nghị quyết về vấn đề được giám sát. Tuy nhiên trong thực tế, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề sau khi được trình bày xong thường dễ bị “vùi” trong “núi” nội dung trình kỳ họp giữa lúc thời gian tổ chức kỳ họp không nhiều, đại biểu khó mà lưu tâm bàn bạc, thảo luận thêm. Do đó, việc tổ chức chất vấn đối với chính nội dung giám sát chuyên đề đồng thời trình kỳ họp sẽ khắc phục được hạn chế này.

Nhiệm kỳ HĐND 2016 - 2021 đã về chặng cuối, không phải nội dung giám sát chuyên đề nào cũng cần được chất vấn tại kỳ họp HĐND. Tuy nhiên, trong nhiều thời điểm và điều kiện nhất định ở mỗi địa phương, đây vẫn là giải pháp quan trọng để đổi mới và nâng cao chất lượng các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn.

Tác giả: Hữu Hải (theo báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=424283

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website