Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

HĐND / Chương trình hoạt động HĐND

A+ | A | A-

Tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 8:42 | 16/05 Lượt xem: 52775

Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sắp tới đây sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến. Trong đó, các quy định liên quan đến việc giảm số lượng lãnh đạo HĐND, các cơ quan của HĐND đồng nghĩa với việc giảm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Dự thảo luật quy định HĐND tỉnh chỉ có 01 Phó Chủ tịch, ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các ủy viên. Trưởng ban của HĐND tỉnh có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (luật hiện hành), dự thảo luật quy định “cứng” một Phó Trưởng ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, trong khi Trưởng ban có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Việc quy định “cứng” một Phó Trưởng ban HĐND tỉnh chỉ phù hợp và cần thiết trong điều kiện Trưởng ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách.

Qua thực tiễn hoạt động của HĐND cho thấy, Trưởng ban kiêm nhiệm sẽ khó đảm bảo cho hoạt động của ban được thuận lợi. Về phần mình, Trưởng ban không có thời gian nghiên cứu đề án, tài liệu và không thể tham gia đầy đủ các hoạt động của ban. Do vậy, vai trò cá nhân của Trưởng ban trong việc tham gia vào các báo cáo, đề án do ban phụ trách sẽ dừng ở mức độ nhất định. Việc xây dựng đề cương, kế hoạch giám sát, khảo sát đến việc xác định thời gian họp ban để thông qua các báo cáo thẩm tra phải trao đổi, xin ý kiến Trưởng ban nên thường bị động, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ của ban, nhất là vào thời gian cận kề các ký họp.

 Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là một trong các kinh nghiệm quý. Ban của HĐND là cơ quan duy nhất có quyền thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp và chịu trách nhiệm trước HĐND về toàn bộ hoạt động của mình. Như đã phân tích ở trên, Trưởng ban kiêm nhiệm khó có điều kiện để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Trong khi đó, hoạt động thẩm tra, giám sát cần có tư duy phản biện khách quan, độc lập. Do vậy, nếu vai trò, trách nhiệm của Trưởng ban không được phát huy, không được “tròn vai” thì cho dù có ba hay bốn phó ban chuyên trách chăng nữa vẫn khó đảm bảo hiệu quả hoạt động.  

Thử hình dung nếu các Trưởng ban HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm và Chánh Văn phòng chung (Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND như đang thực hiện thí điểm) thì hoạt động của Thường trực HĐND sẽ như thế nào? Luật hiện hành quy định Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các ban và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh phải thường xuyên tổ chức các hoạt động giao ban, giải trình, khảo sát trước khi cho ý kiến xử lý các công việc phát sinh,... Do đó, để phát huy trí tuệ và chế độ làm việc tập thể của cơ quan thường trực này đòi hỏi các thành viên phải có thời gian nghiên cứu và tham gia đầy đủ vào hoạt động của Thường trực HĐND và ban mình phụ trách.  
 

Đại biểu chuyên trách đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị
và tham gia quyết định nội dung các kỳ họp HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động HĐND là đảm bảo số lượng đại biểu chuyên trách ở một tỷ lệ hợp lý. Đây là cơ sở đảm bảo cho hoạt động của HĐND khi thực hiện việc giảm số lượng đại biểu theo chủ trương chung. Hay nói cách khác, việc giảm số lượng đại biểu HĐND không chỉ “nhằm vào” đại biểu chuyên trách. Nếu không sẽ đi ngược lại với tinh thần xây dựng thiết chế đại diện cho quyền lực của Nhân dân hướng đến chuyên trách, chuyên nghiệp.  

Trong khi đó, theo giải trình về đề xuất giảm số lượng Phó Chủ tịch, giảm số lượng phó ban chuyên trách và quy định Trưởng ban HĐND tỉnh có thể kiêm nhiệm thì Bộ Nội vụ cho rằng để "thực hiện tinh giảm theo chủ trương của Đảng" là chưa thỏa đáng (số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh lại không giảm).

Nếu lấy mục tiêu vì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND làm trọng thì thay vì đề xuất như Bộ Nội vụ cần phải giữ nguyên số lượng Phó Chủ tịch HĐND như hiện nay, quy định “cứng” Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu cơ cấu từ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho các ban HĐND tỉnh (có thể là Ủy viên chuyên trách của các ban). Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi và nâng hiệu quả hoạt động của HĐND, đảm bảo làm tốt vai trò "là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân" (khoản 1, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015).  

Tác giả: Cẩm Sa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website