Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

HĐND / Hoạt động giám sát HĐND

A+ | A | A-

Bất cập trong quản lý và sử dụng biên chế

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 10:09 | 19/08 Lượt xem: 98429

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng biên chế công chức, viên chức là yêu cầu trong tiến trình thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Các vướng mắc bất cập trong công tác này cần được nhận diện khách quan và đầy đủ, từ đó thực hiện các giải pháp khắc phục là việc làm cần thiết.

Nhận diện các bất cập

Báo cáo giám sát chuyên đề Ban Pháp chế HĐND tỉnh về trình tại kỳ họp thứ 10 đã đề cập khá chi tiết các bất cập trong công tác quản lý, sử dụng biên chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2018 từ khâu xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu đến tổ chức thực hiện và quản lý, sử dụng công chức, viên chức.

Bất cập chung nhất là giao biên chế công chức chưa theo tiêu chí cụ thể, dẫn đến tình trạng giao biên chế mang tính bình quân, chưa sát thực tế. Đối với biên chế sự nghiệp giáo dục, ngoài các bất hợp lý khi cắt giảm 10% trên số hiện có, thiếu kịp thời dẫn đến việc cắt giảm giáo viên thì việc giao tổng số người làm việc trong ngành giáo dục theo từng địa phương mặc dù có ưu điểm là địa phương chủ động điều chỉnh nội bộ giữa các cấp học nhưng lại không đúng quy định và dẫn đến tình trạng khó kiểm soát hay xác định chính xác nhu cầu theo từng cấp học.

Trong sử dụng, tình trạng chung là chưa sử dụng đúng chỉ tiêu được giao, số biên chế chưa tuyển dụng còn nhiều nhưng vẫn tồn tại một lượng lớn người làm việc theo chế độ hợp đồng. Chủ trương không tuyển mới hợp đồng chuyên môn từ 1/1/2016 chưa được tuân thủ nghiêm túc. Bên cạnh các đơn vị khá “thỏa mái” về chỉ tiêu biên chế, thời gian dài chỉ sử dụng khoảng 70-80% biên chế được giao thì lại có những đơn vị khá chật vật, mặc dù được được tăng chức năng, nhiệm vụ hoặc tính chất, nội dung công việc phức tạp hơn nhưng việc bổ sung biên chế chưa kịp thời.

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức mặc dù được thực hiện bằng nhiều hình thức nhưng việc tổ chức thi tuyển còn chậm, số hợp đồng trong chỉ tiêu khá lớn nhưng việc đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng còn thấp; tuyển dụng công chức bằng hình thức thi tuyển tại một số nơi chưa kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm; có tình trạng đăng ký chỉ tiêu, tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí hợp đồng chuyên môn đã có. Xét chuyển viên chức thành công chức nhiều trường hợp còn chậm, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét chuyển chưa được hướng dẫn thống nhất, chưa đơn giản hóa quy trình xét chuyển viên chức sang công chức.

Trong tuyển dụng viên chức, cả  giai đoạn 2016 - 2018 chưa tổ chức tuyển dụng đối với biên chế sự nghiệp văn hóa - thông tin - thể thao và sự nghiệp khác, dẫn đến nhiều trường hợp hợp đồng lâu năm trong chỉ tiêu nhưng chưa được tuyển dụng. Cạnh đó, việc tổ chức thi vẫn chú trọng nhiều đến kiến thức quản lý nhà nước, chưa có khâu sát hạch về kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn.

Xây dựng và thẩm định đề án vị trí việc làm chưa đảm bảo thực chất; xây dựng đề án vị trí việc làm để bảo toàn số biên chế hiện có là thực trạng chung tại nhiều cơ quan. Việc triển khai áp dụng hình thức quản lý mới chuyển từ chỉ tiêu biên chế sang vị trí việc làm chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Vị trí việc làm chưa thực sự trở thành cơ sở quan trọng để thực hiện việc giao biên chế, tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm.

 Nguyên nhân

Các bất cập nêu trên không đơn thuần nảy sinh từ khâu tổ chức thực hiện các quy định hay cách thức quản lý. Về khách quan đó là tính thiếu đồng bộ, ổn định các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng biên chế. Thực tế là các quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương trong quản lý biên chế chưa đồng bộ, còn phụ thuộc vào cơ quan quản lý chuyên ngành ở Trung ương; mặc dù các cơ quan Trung ương đã quy định khá rõ về định mức, số lượng người làm việc nhưng việc quyết định tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải có bước thẩm định của Bộ Nội vụ khiến quy trình xây dựng kế hoạch kéo dài, không kịp thời bổ sung đối với các trường hợp còn thiếu, nhất là biên chế ngành giáo dục và y tế. Công tác tổ chức sắp xếp bộ máy được triển khai trong bối cảnh các cơ quan Trung ương chưa kịp thời ban hành quy định mới về tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện cũng là nguyên nhân khiến công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều đơn vị được sắp xếp nhưng chưa đồng thời với việc tinh giản biên chế.

Về chủ quan của các đơn vị, cá nhân tham gia công tác quản lý, sử dụng biên chế là việc thiếu chặt chẽ trong phối hợp, chỉ đạo xây dựng đề án vị trí việc làm, định mức biên chế công chức, viên chức. Tại nhiều nơi trách nhiệm của người đứng đầu chưa thể hiện đầy đủ, thiếu quyết liệt, còn tâm lý giữ chỉ tiêu biên chế. Bên cạnh đó,  cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tổ chức, bộ máy, biên chế cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế nên chưa kịp thời trong công tác tham mưu thẩm định kế hoạch biên chế. Việc thẩm định vị trí việc làm để xác định đúng nhu cầu biên chế đòi hỏi am hiểu chuyên sâu theo từng ngành, lĩnh vực nhưng việc xây dựng đề án vị trí việc làm chưa thực chất, năng lực các chủ thể tham gia thẩm định chưa bao quát nên chưa xác định đúng nhu cầu biên chế ở từng đơn vị, địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế, nhất là việc kiểm tra quản lý, sử dụng viên chức sự nghiệp giáo dục ở cấp huyện sau phân cấp chưa được tiến hành thường xuyên.

Để thuận lợi trong việc giao biên chế, Chính phủ cần ban hành quyết định giao biên chế hằng năm trước tháng 12 để tạo điều kiện cho địa phương giao biên chế đúng quy định. Tiếp tục phân cấp hoàn toàn để chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo định mức hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Các quy định mới về số lượng, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định về số lượng cấp phó cần sớm ban hành để các địa phương có cơ sở xây dựng, quyết định chỉ tiêu và sử dụng biên chế đảm bảo quy định.

Về phía tỉnh, HĐND tỉnh đã giao UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu biên chế sự nghiệp, bổ sung biên chế công chức đối với các cơ quan có nhu cầu bức thiết; phê duyệt số người làm việc trong các cơ sở giáo dục theo từng cấp học; quyết định biên chế sự nghiệp y tế theo vị trí việc làm; sửa đổi quy định về định mức hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở giao biên chế công chức cho các đơn vị địa phương theo quy định. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát nhu cầu để đăng ký thi tuyển công chức, viên chức, nhất là các trường hợp hợp đồng chuyên môn. Sau khi có kết quả thi tuyển chấm dứt sử dụng hợp đồng chuyên môn theo đúng quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP; đối với các cơ quan, đơn vị chưa có kế hoạch sử dụng hết số biên chế được giao thì cắt giảm phù hợp; từ năm 2020 không cấp kinh phí chi trả lương cho hợp đồng chuyên môn không đúng quy định.

Tác giả: Thanh Hiền

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website