Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

HĐND / Hoạt động giám sát HĐND

A+ | A | A-

Kết quả triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn đạt thấp

Người đăng: banbientap Ngày đăng: 13:33 | 14/09 Lượt xem: 42117

Với diện tích đất lâm nghiệp hơn 770 nghìn ha (chiếm 72,81% diện tích tự nhiên), Quảng Nam là một trong những tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung và việc trồng rừng gỗ lớn nói riêng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn quá thấp so với kế hoạch đề ra.

Ngày 03.01.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020, với tổng diện tích là 10.000 ha, trên địa bàn 12 huyện. Mục tiêu đề ra là tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu; nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, đưa tăng trưởng rừng của Quảng Nam đạt trên 20 m3/ha, doanh thu kinh doanh rừng lên mức khoảng từ 20 – 25 triệu đồng/ha/năm. Kèm theo đó là một số cơ chế hỗ trợ cho việc triển khai trồng rừng gỗ lớn như: Mức hỗ trợ đối với các xã trong khu vực biên giới là 10 triệu đồng/ha, các xã ngoài khu vực biên giới 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng: 300.000 đồng/ha; Hỗ trợ lập, thẩm định dự án trồng rừng sản xuất 100.000 đồng/ha; Hỗ trợ hoàn công và số hóa bản đồ 50.000 đồng/ha; Hỗ trợ chi phí quản lý nghiệm thu 10% tổng mức đầu tư. Đối với mức hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng là 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha với quy mô tối thiểu 100 ha trở lên (cho rừng tự nhiên, rừng trồng). Hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/1 cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô xây dựng mới...


 
 Những cánh rừng trồng hiện nay chủ yếu là các rừng keo

Việc ban hành các chính sách khuyến khích như vậy là hết sức cần thiết, bởi vì ngoài hiệu quả kinh tế, trồng rừng gỗ lớn còn đem lại nhiều lợi ích về bảo vệ môi trường, tạo đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu... Đáng tiếc, kết quả thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn lại rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2019 diện tích trồng rừng gỗ lớn từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện hơn 345 ha, chỉ bằng 29,4% so với kế hoạch năm (mới có 75 hộ tham gia), giải ngân khoảng 2,3 tỉ đồng và có 3/6 huyện không thực hiện kế hoạch. Đối với nguồn ngân sách từ trung ương, diện tích thực hiện gần 423 ha (chỉ đạt 24,8% kế hoạch), có 122 hộ tham gia, giải ngân khoảng 681 triệu đồng và có 6/10 huyện không thực hiện kế hoạch.

Năm 2020, tỉnh đã phân bổ hơn 7,5 tỉ đồng cho công tác trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định 14 với tổng diện tích trồng là gần 1.783 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm 31.8.2020, Sở NN&PTNT mới có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị và công tác triển khai thực hiện mới chỉ dừng ở việc xây dựng, phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán trồng rừng, làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp để hợp đồng mua cây giống phục vụ trồng rừng 2020. Từ thực tế đó có thể dự báo kết quả trồng rừng gỗ lớn năm 2020 sẽ không khả quan hơn năm 2019 là bao.

Nguyên nhân chủ yếu của việc trồng rừng gỗ lớn chưa đạt kế hoạch là do quan niệm sản xuất của người dân hiện nay vẫn ưa chuộng trồng cây keo vì có chu kỳ sinh trưởng ngắn, ít tốn công chăm sóc, nhanh thu hoạch đem lại lợi nhuận. Trong khi đó trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn, thời gian sinh trưởng của cây dài nên có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi của thiên tai, thị trường và quan trọng nhất là người dân không có nguồn thu để trang trải nhu cầu cuộc sống nên chưa muốn chuyển đổi rừng trồng.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các huyện miền núi còn nhiều bất cập, các thủ tục thanh toán, hỗ trợ từ việc mua cây giống, đến nghiệm thu diện tích trồng rừng còn rườm rà cũng khiến họ ngần ngại, không hăng hái tham gia. 

Như đã trình bày ở trên, việc trồng rừng gỗ lớn là một chủ trương rất đúng đắn, đem lại lợi ích về nhiều mặt. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống cần nghiên cứu các giải pháp mang tính khả thi. Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi từ trồng cây lấy gỗ ngắn hạn sang trồng rừng gỗ lớn và đây là nội dung quan trọng nhất. Bởi, chỉ khi người dân nhận thức được, tự nguyện trồng rừng gỗ lớn để hướng đến lợi ích lâu dài thay vì lợi ích trước mắt thì chương trình mới mang tính bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp căn cơ để hỗ trợ sinh kế người dân trong nhiều năm đến khi rừng cho thu hoạch thì họ mới yên tâm sản xuất. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các huyện miền núi, đơn giản hóa các thủ tục để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia chương trình, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết với người dân trong việc trồng và tiêu thụ sản phẩm từ rừng gỗ lớn...

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website