Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

HĐND / Thông tin kỳ họp

A+ | A | A-

Tổ chức các kỳ họp chuyên để quyết định kịp thời những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 13:54 | 23/09 Lượt xem: 23039

Ngày 17.9.2020, HĐND tỉnh khóa IX tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) và đã hoàn thành chương trình đề ra, thông qua 11 nghị quyết. Từ kỳ họp này có thể rút ra kinh nghiệm trong việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh nhằm quyết định kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề, giảm áp lực kỳ họp thường lệ

Kỳ họp thứ 17, mặc dầu chỉ tổ chức trong một ngày nhưng HĐND tỉnh khóa IX đã xem xét, thảo luận 22 nội dung, chưa kể nội dung về công tác nhân sự và đã ban hành 11 nghị quyết (trong đó có 05 nghị quyết chuyên đề). Tuy thời gian không nhiều nhưng các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, góp ý sâu sát cho các nội dung trình kỳ họp, nhất là các đề án trước khi biểu quyết thông qua.


 
 Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa IX xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng

Từ kỳ họp này có thể rút ra kinh nghiệm để tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh nói chung, kỳ họp chuyên đề nói riêng nhằm quyết định các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Trước hết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Luật số 47/2019/QH14 - điều khoản sửa đổi quy định tại Khoản 3, Điều 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan”. Như vậy, từ ngày 01.7.2020 khi Luật số 47/2019/QH14 có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND các cấp chỉ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được luật giao, không tiếp tục áp dụng các văn bản dưới luật có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND.

Từ quy định của luật, hiện nay các nội dung mà HĐND tỉnh phải xem xét, quyết định tăng lên rất nhiều nhất là trên lĩnh vực đầu tư phát triển, tài chính - ngân sách... Thực tế, các nội dung này phát sinh liên tục, yêu cầu cần phải xem xét, quyết định ngay, nếu chờ đến kỳ họp thường lệ hằng năm (kỳ họp 6 tháng, cuối năm) thì sẽ chậm trễ trong triển khai thực hiện và có thể dẫn đến hiệu quả không đạt như mong muốn.  

Mặt khác, tại các kỳ họp thường lệ trước đây, nội dung trình kỳ họp rất nhiều. Ví dụ: kỳ họp thứ 14, kỳ họp thường lệ cuối năm 2019, HĐND tỉnh phải xem xét, quyết định 41 nội dung và đã ban hành 15  nghị quyết (trong đó có 05 nghị quyết quy phạm pháp luật); kỳ họp thứ 16, kỳ họp thường lệ giữa năm 2020, HĐND tỉnh phải xem xét, quyết định 42 nội dung (chưa kể nội dung về công tác nhân sự) và đã ban hành 19  nghị quyết (trong đó có 04 nghị quyết quy phạm pháp luật). Với dung lượng quá lớn của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết... như vậy đã gây không ít khó khăn cho việc thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, còn đối với các đại biểu kiêm nhiệm việc nghiên cứu, góp ý lại càng phức tạp. Điều đó dễ dẫn đến việc các đại biểu chỉ tập trung vào một số đề án, báo cáo có liên quan trực tiếp đến địa phương, đơn vị mình mà ít quan tâm đến các nội dung khác. Bên cạnh đó, do thời gian tổ chức các kỳ họp thường lệ cách xa nhau, một số đề án tuy chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa được thẩm tra kỹ nhưng do yêu cầu về tiến độ vẫn được "thông cảm" thông qua.

Tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng

Từ phân tích như trên cho thấy việc tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề sẽ giúp HĐND tỉnh xem xét, quyết định kịp thời các nội dung thuộc thẩm quyền và giảm áp lực cho các kỳ họp thường lệ. Do vậy, trong những năm đến cần nghiên cứu tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh một cách phù hợp. Tại các kỳ họp 6 tháng, cuối năm chỉ tập trung xem xét, quyết định các nội dung thường lệ: tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo công tác của HĐND, UBND, các cơ quan tư pháp... Còn các đề án về cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, việc cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, giải quyết các công việc phát sinh giữa hai kỳ họp thường lệ... sẽ được trình tại các kỳ họp chuyên đề. Nếu việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh theo hướng này, cần quan tâm một số vấn đề như sau:

Tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề  (khoảng từ 1 đến 2 tháng tổ chức một lần). Do số lượng các kỳ họp tăng lên đáng kể, thời gian tổ chức các kỳ họp cũng nên rút ngắn từ 1 đến 1,5 ngày. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét hợp lý thành phần mời tham dự các kỳ họp, nhất là các kỳ họp chuyên đề ngoài đại biểu HĐND tỉnh chỉ nên mời đại diện các cơ quan liên quan trực tiếp đến nội dung kỳ họp.

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan tham mưu các nội dung cho UBND trình HĐND tỉnh.

Cũng do tần suất tổ chức kỳ họp tăng lên, các ban của HĐND tỉnh cần nghiên cứu đổi mới phương thức, hình thức giám sát, khảo sát, thẩm tra để đảm bảo về mặt thời gian và chất lượng. Đồng thời đòi hỏi Văn phòng HĐND tỉnh phải nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ để tổ chức thành công các kỳ họp.

Với hình thức tổ chức này, nội dung trình mỗi kỳ họp HĐND tỉnh sẽ không quá nhiều, tạo điều kiện cho các đại biểu, nhất là đại biểu kiêm nhiệm có điều kiện nghiên cứu sâu, tham gia nhiều ý kiến hơn vào các đề án, báo cáo, dự thảo nghị quyết trước khi  HĐND thông qua. Đối với các đề án chuẩn bị chưa đạt yêu cầu về nội dung, quy trình có thể tạm thời chưa xem xét để các cơ quan tham mưu bổ sung, hoàn chỉnh mà không ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện (vì thời gian giữa hai kỳ họp không quá xa).

Như vậy, việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh một cách hợp lý sẽ tăng cường trách nhiệm các cơ quan tham mưu nội dung trình kỳ họp, của đại biểu HĐND qua đó nâng cao chất lượng các quyết định của HĐND tỉnh.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website