Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Chưa phân loại / Nghiên cứu – Trao đổi

A+ | A | A-

Phí chống ùn tắc?

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 10:32 | 14/12 Lượt xem: 904663

Hai ngày trước (12.12), Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông. Mục tiêu chính của Đề án là giải quyết ùn tắc giao thông ở khu trung tâm, không nhằm kinh doanh hay tận thu. Theo đó, xe ô tô vào trung tâm sẽ phải nộp phí 30.000 - 50.000 đồng, thông qua 36 cổng thu tự động đặt trên một vành đai. Thế nhưng, nội dung đề xuất đang khiến các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận không khỏi ngờ vực về tính khả thi cũng như hiệu quả Đề án mang lại.

 Cụ thể, theo đánh giá đơn vị nghiên cứu đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ô tô vào khu trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%. Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ cơ sở nào để đơn vị nghiên cứu đưa ra con số trên? Bởi với những người đã có điều kiện mua xe ô tô hàng trăm triệu thì 30.000 - 50.000 đồng/lượt không phải là vấn đề quá lớn. Và rằng Đề án chỉ mới “đánh” vào túi tiền của chủ xe chứ không xuất phát từ các yếu tố xã hội học. Không ai bảo đảm được rằng, thực hiện Đề án này sẽ giảm ùn tắc giao thông hoặc nếu thu phí xong vẫn không hết ùn tắc, phát sinh  những điểm ùn tắc mới thì ai chịu trách nhiệm?

 
 Thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố liệu có phải là giải pháp giảm ùn tắc?

Mặt khác, chưa thể khẳng định được khi thực hiện Đề án thì giao thông khu vực trung tâm giảm ùn tắc, nhưng chắc chắn, người dân bị thu thêm một khoản phí, gọi là phí chống ùn tắc giao thông. Với mức phí 30.000 - 50.000 đồng/xe, dù là xe ô tô cá nhân hay xe taxi, xe tải... thì tất cả những khoản này cuối cùng đều đổ lên vai người dân. Việc thu phí nêu trên sẽ kéo theo giá cả hàng hóa, các loại dịch vụ ở khu trung tâm tăng theo, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các khu vực.

Cũng cần nói thêm rằng, chỉ trong vòng 6 tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã có đến 3 đề xuất: Đề xuất thu phí sử dụng lòng, lề đường; đề xuất thu phí du khách qua đêm tại khách sạn và đề án thu phí xe ô tô vào trung tâm. Trong khi người dân đang gánh chịu rất nhiều khoản phí, thuế được áp dụng chung cho cả nước thì việc đề xuất thêm hàng loạt khoản thu khác nữa khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc liệu TP Hồ Chí Minh có lạm thu?

Thực tế, việc thu phí này chỉ làm tăng áp lực thuế, phí đối với các phương tiện chứ không thể giảm được lượng xe ở khu vực trung tâm. Việc thực hiện Đề án này sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người, vì thế thành phố cần những tính toán hiệu quả chính xác, nhất là trong bối cảnh hầu hết các điểm ùn tắc giao thông của thành phố hiện nay đều không nằm ở trung tâm, thuộc vùng dự kiến thu phí mà là các tuyến đường cửa ngõ. Hơn nữa, các phương tiện sẽ chịu cảnh phí chồng phí mà lại không được hưởng lợi từ số tiền mình bỏ ra.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Đề án sẽ không mang lại hiệu quả chống ùn tắc giao thông và không đạt hiệu quả kinh tế nếu không đưa ra giải pháp đồng bộ là chống ùn tắc giao thông đi liền với tăng lượng người sử dụng giao thông công cộng. Nếu đặt vấn đề trung tâm thành phố ùn tắc do phương tiện nhiều thì phải có số lượng phương tiện vào trung tâm là bao nhiêu, gồm những loại xe nào, thời gian cao điểm, thấp điểm là bao nhiêu xe? Trên cơ sở đó, mới có phân tích con số cụ thể, những xe nào cần hạn chế để giảm lượng xe đi vào trung tâm thành phố.

Tác giả: Chi An (theo báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=399620

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:



Liên kết web

select

Liên kết Website