Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND: Nhiều kiến nghị của địa phương chưa được tiếp thu.

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 16:17 | 27/04 Lượt xem: 472879

Ngày 17.4, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND (Quy chế). Đại biểu các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBHQ, Thường trực HĐND của 30 tỉnh, thành phố tham dự. Dự thảo Quy chế (gồm 3 chương, 60 điều, 28 trang) đã quy định rõ hơn một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản liên quan.

Những nội dung có sự đồng thuận cao

Điều 3 là quy định về phiên họp trù bị kỳ họp HĐND. Đây là một điểm mới và cần thiết, nhất là đối với kỳ họp thứ nhất của HĐND. Bởi, tại kỳ họp có nhiều đại biểu lần đầu tham gia HĐND, có những bỡ ngỡ nhất định, do vậy phiên họp trù bị sẽ giúp đại biểu làm quen với hoạt động của HĐND và giúp kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh thuận lợi, đúng quy định.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 5 có quy định cụ thể đại biểu không phát biểu quá hai lần về cùng một vấn đề và giới hạn thời gian phát biểu không quá 7 phút.

Điều 19 quy định trường hợp HĐND không bầu được các chức danh của HĐND, UBND tại kỳ họp thứ nhất. Theo đó, khi không bầu được các chức danh Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND thì Chủ tọa kỳ họp có thể đề nghị tạm dừng kỳ họp để thực hiện công tác nhân sự. Thời gian tạm dừng kỳ họp thứ nhất không quá 5 ngày làm việc. Đây là điểm mới giúp tháo gỡ vướng mắc trong việc bầu các chức danh tại kỳ họp thứ nhất vì thực tế đã xảy ra trường hợp này và các địa phương rất lúng túng trong xử lý bởi không có quy định cụ thể.


Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị.

Một vướng mắc từ thực tế lâu nay đã được Quy chế hướng dẫn thực hiện là việc sử dụng con dấu của Tổ đại biểu HĐND. Tại khoản 2, Điều 25 quy định: "Tổ đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của HĐND hoặc Thường trực HĐND thì được sử dụng con dấu của HĐND".

Khoản 2, Điều 28 có quy định mới: "Trường hợp đại biểu HĐND chuyển công tác ra khỏi địa phương nơi đại biểu được bầu nhưng vẫn cư trú tại địa phương thì vẫn tiếp tục được làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tại đơn vị đó, trừ khi đại biểu HĐND có đơn đề nghị xin thôi làm đại biểu HĐND".

Một điểm rất đáng quan tâm là dự thảo Quy chế đã dành trọn chương 3 với 30/60 điều và 15/28 trang để hướng dẫn khá chi tiết về hoạt động giám sát của HĐND.

Trước hết là hoạt động chất vấn. Quy chế quy định rõ (khoản 2, Điều 39) phải đảm bảo số lượng thời gian họp chất vấn không dưới 1/3 tổng số thời gian của kỳ họp HĐND.

Cũng có ý kiến băn khoăn là nếu quy định cứng như vậy thì khó thực hiện, lãng phí thời gian trong trường hợp không có hoặc ít nội dung chất vấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nội dung chất vấn không bao giờ thiếu, chỉ có đại biểu chất vấn hay không mà thôi. Việc quy định thời gian sẽ buộc các đại biểu có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện quyền chất vấn và qua đó thể hiện trách nhiệm đối với cử tri.

Khoản 4 điều này cũng có quy định: "Bộ máy giúp việc HĐND các cấp trình bày báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước, tình hình trả lời chất vấn đối với những chất vấn được HĐND cùng cấp cho trả lời bằng văn bản; tổng hợp tình hình trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND". Đây là một quy định rất hay, giúp HĐND giám sát chặt chẽ việc trả lời chất vấn, hạn chế tình trạng trả lời qua loa hoặc hứa nhưng không thực hiện.

Điều 40 cũng quy định Thường trực HĐND phải tổ chức phiên họp chất vấn với thời gian ít nhất là 01 ngày đối với  cấp tỉnh, huyện, 1/2 ngày đối với cấp xã và ít nhất 2 lần/năm.

Khoản 1, Điều 40 quy định chậm nhất 5 ngày sau khi bế mạc kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND, bộ máy giúp việc tổng hợp những nội dung đã hứa tại kỳ họp và gửi đến người trả lời chất vấn đã hứa tại kỳ họp. Đồng thời 3 ngày trước kỳ họp phải tổng hợp, báo cáo việc thực hiện nghị quyết HĐND về chất vấn, các vấn đề đã hứa gửi cho đại biểu HĐND.

Dự thảo Quy chế cũng dành 6 điều (từ Điều 55 đến Điều 60) để hướng dẫn việc giám sát của Tổ đại biểu HĐND, một vấn để còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện thời gian qua.

Những nội dung còn có ý kiến khác nhau

Điều 2 của Quy chế quy định về Hội nghị liên tịch để chuẩn bị cho kỳ họp của HĐND. Theo một số đại biểu, điều này là không cần thiết, bởi Điều 106 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định phiên họp thường kỳ hằng tháng của Thường trực HĐND, nội dung chuẩn bị cho kỳ họp có thể đưa vào các phiên họp thường kỳ này.

Điều 6 quy định về công tác thư ký của kỳ họp HĐND. Theo đó Thường trực HĐND quyết định việc thành lập Tổ thư ký để phục vụ kỳ họp HĐND bao gồm Chánh Văn phòng và một số công chức của Văn phòng. Nội dung này phù hợp với Hướng dẫn 1138/HD-UBTVQH13, ngày 03.6.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng ngoài Chánh Văn phòng, thành viên Tổ thư ký cũng phải là đại biểu HĐND, công chức Văn phòng chỉ đóng vai trò giúp việc.

Khoản 8, Điều 9 quy định về trình tự bầu Ủy viên UBND. Ban soạn thảo đưa ra hai phương án:

Phương án 1: Sau khi được bầu là Ủy viên UBND, người trúng cử mới được công nhận là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND, Ủy viên phụ trách Quân sự, Ủy viên phụ trách Công an.

Phương án 2: Trước khi bầu Ủy viên UBND, người được giới thiệu bầu phải là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách Công an.

Theo nhiều đại biểu nên chọn Phương án 1 (nhưng trừ Công an và Quân sự), bởi nó thể hiện được vai trò của HĐND và tham chiếu với Điều 9 của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ có điểm tương đồng (Quốc hội phê chuẩn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ). Ai được sự tín nhiệm của HĐND thì mới được bổ nhiệm vị trí đứng đầu cơ quan chuyên môn.

Thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc giải quyết những nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp được nhiều đại biểu quan tâm nhất, nhưng đáng tiếc dự thảo Quy chế lại không đáp ứng như mong đợi. Tại điều 21, dự thảo Quy chế ghi :"Các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp của HĐND thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND thì Thường trực HĐND trao đổi, thống nhất với UBND để giải quyết và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để xem xét".  Hầu hết đại biểu không đồng tình với nội dung: "Thường trực HĐND trao đổi, thống nhất với UBND để giải quyết".

Một nội dung nữa mà hầu hết đại biểu dự hội nghị không đồng tình là quy định thành lập nhóm đại biểu HĐND xã. Theo đại diện ban soạn thảo, do Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định thành lập Tổ đại biểu HĐND ở cấp xã, nhưng thực tế nhiều địa phương có kiến nghị nên phải quy định như vậy. Tuy nhiên theo đại biểu nhiều tỉnh, nếu thấy việc thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã là cần thiết thì phải sửa Luật, còn quy định như dự thảo không có ý nghĩa về mặt pháp lý cũng như trong hoạt động thực tiễn.

Một số nội dung các tỉnh có kiến nghị nhưng chưa thể hiện trong dự thảo

Ngoài các nội dung nêu trên, các tỉnh, thành phố cũng kiến nghị nhiều nội dung nhưng chưa được đưa vào dự thảo lần này:

- Nên thành lập các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng theo hướng chuyên sâu của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu).

- Kiến nghị quyết định chương trình giám sát hằng năm tại kỳ họp cuối năm để phù hợp với tình hình thực tế thay vì giữa năm như hiện nay.

- Đề nghị quy định Chính phủ chỉ hướng dẫn HĐND thực hiện các văn bản của của cơ quan nhà nước cấp trên; hướng dẫn HĐND các tỉnh thực hiện nghị quyết, quyết định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương. Còn đối với những nội dung như hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng hoạt động của đại biểu thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Bình Dương)

- Đề nghị khi các nghị định, thông tư có quy định về mức chi hoạt động thì nên giao thẩm quyền quy định chi tiết cho Thường trực HĐND tỉnh thay vì HĐND tỉnh để đảm bảo tính kịp thời và hạn chế tình trạng có quá nhiều đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Bên cạnh đó cũng cần quy định cụ thể về trách nhiệm, thời hạn của các bộ có văn bản trả lời khi tỉnh đề nghị có ý kiến về các dự thảo chính sách thuộc khoản 3, Điều 21, Nghị định 136/2016/NĐ-CP; đồng thời có hướng dẫn xử lý trong trường hợp các bộ có ý kiến khác nhau trong cùng một nội dung đề nghị cho ý kiến. (Quảng Nam)

Cần quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ trịch và Trưởng các Ban HĐND cấp xã. Quy định thống nhất tên loại văn bản tại phiên họp thường kỳ hằng tháng của Thường trực HĐND (thông báo, nghị quyết....) và hướng dẫn cụ thể hơn việc xây dựng, ban hành nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn vì hoạt động này diễn ra ngay trong kỳ họp, không thể chuẩn bị trước dung dự thảo nghị quyết và nghị quyết được thông qua ngay sau phiên chất vấn nên không có thời gian chuẩn bị. (Cà Mau)

Ngoài ra, rất nhiều tỉnh, thành phố kiến nghị chỉ nên sáp nhập Văn phòng HĐND với Văn phòng Đoàn ĐBQH, không nên sáp nhập với Văn phòng UBND tỉnh vì chủ thể để tham mưu, giúp việc khác nhau./.

 

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:



Liên kết web

select

Liên kết Website