Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Mệnh đề khó nhất?

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 9:20 | 29/03 Lượt xem: 512112

Một kết quả khảo sát, dù được thực hiện trong phạm vi rất hẹp, nhân một Hội thảo thường niên về kinh tế Việt Nam mới đây cho thấy, “liêm chính” đang là mệnh đề khó thực hiện nhất của Chính phủ hiện nay. Tất nhiên, kết quả này không gây bất ngờ. Vì quả thực, trong khi các mệnh đề “hành động”, “kỷ cương”… - dù cũng không dễ dàng - nhưng vẫn có thể thúc ép thực hiện bằng các mệnh lệnh hành chính, bằng việc thiết lập và thực thi kỷ luật nghiêm ngặt từ trên xuống thì “liêm chính” lại không đơn giản như vậy.

Lâu nay, để lý giải cho tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức tham ô, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, người ta thường hay viện dẫn là bởi hệ thống pháp luật vẫn còn những khoảng trống, không minh bạch. Nhưng liệu có một thể chế pháp lý nào hoàn hảo đến mức có thể tính toán và dự báo được hết tất cả mọi tình huống trong hoạt động của cơ quan công quyền, trong mối quan hệ tương tác giữa chính quyền, cán bộ công chức và người dân, doanh nghiệp hay không? Chắc chắn là không.

Một nền hành chính luôn có sự năng động và có một khoảng gọi là “tùy nghi” mà không một hệ thống pháp luật nào có thể quy định chặt chẽ hết được. Ở khoảng tùy nghi này, cán bộ, công chức có thể hành xử thế nào thì về mặt quy định vẫn đúng, không sai, không bắt bẻ hay thậm chí là kỷ luật được. Cái khó của việc thực hiện mệnh đề “liêm chính” cũng nằm ở khoảng tùy nghi này. Nếu cán bộ, công chức liêm chính, có thiện ý sẽ chọn cách hành xử thuận lợi, tốt nhất cho người dân và ngược lại, sẽ vận dụng để nhũng nhiễu, hành dân. Một bộ phận cán bộ, công chức nước ta rất linh hoạt trong việc áp dụng khoảng tùy nghi này và tìm ra các kẽ hở của pháp luật để lách quy định, để vận dụng theo hướng tiêu cực chứ không phải là làm điều tốt nhất cho người dân.

Các báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh nhiều năm nay đều cho thấy, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp cho biết phải có chi phí bôi trơn, quà cáp… cho cán bộ, công chức khi sử dụng các dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ liên quan đến đất đai, việc làm trong khu vực công... vẫn khá ổn định, có chuyển biến nhưng không đáng kể. Trong khi đó, những thiết chế để kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, sự liêm chính của cán bộ, công chức hiện nay dù không ít nhưng hiệu quả rất hạn chế, rất hình thức, nói đến chống tiêu cực, nhũng nhiễu thì ai cũng đồng tình hưởng ứng nhưng soi vào cơ quan, đơn vị, địa phương mình thì đều thấy trong sạch, liêm chính cả. 

Một nguyên nhân khác cũng hay được viện dẫn để lý giải cho tình trạng cán bộ, công chức tham ô, nhũng nhiễu  là bởi, thu nhập của cán bộ, công chức quá thấp, không bảo đảm cuộc sống. Vậy thì tại sao, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để có được một vị trí ở cơ quan công quyền? Câu chuyện vẫn đang “nóng hổi” những ngày qua khi một số giáo viên ở Đắk Lắk tố cáo phải chung chi hàng trăm triệu đồng để có được hợp đồng lao động và mất nhiều hơn nữa nếu muốn có một suất biên chế trong ngành giáo dục. Đấy là chưa kể, thực trạng, ai cũng phàn nàn đồng lương bèo bọt, đời sống khó khăn nhưng nhiều cán bộ công chức không biết lấy tiền đâu ra để mua nhà lầu, xe hơi, cho con đi du học… Có lẽ đó cũng là lý do khiến đề xuất có chế độ dưỡng liêm cho cán bộ ngành tư pháp trước đây đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận xã hội hay “chế độ dưỡng liêm” từng được Đà Nẵng áp dụng với cảnh sát giao thông, mấy năm trước cũng đã phải hủy bỏ.

Một nền công vụ liêm chính phải được xây dựng và vận hành bởi những cán bộ, công chức liêm chính. Nhưng thực tế cũng đã cho thấy, không phải cứ tăng lương, cải thiện thu nhập, đời sống, không phải cứ thanh tra, kiểm tra… là sẽ có ngay một đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính.

Xếp thứ hai trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018, mệnh đề “liêm chính” đang được Chính phủ quyết liệt thực hiện và đã có những chuyển biến nhất định. Nhưng để xây dựng được một nền công vụ liêm chính thực sự phải có thời gian và phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, phải thay đổi thực chất việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm công khai, minh bạch, thực sự trọng dụng người tài. Nếu còn tình trạng phải có quan hệ, phải mất tiền mới có một suất biên chế hay được bổ nhiệm… thì không thể mong có công chức liêm chính vì người phải “chạy chọt” sẽ phải nghĩ cách thu hồi “khoản đầu tư”, người không chạy, không xin sẽ không có động lực để thực thi công vụ với khả năng và trách nhiệm cao nhất. Đồng thời, phải kiên quyết cắt giảm các vị trí dư thừa, những công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu hoặc “đẻ” ra những quy định xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Nếu không tinh gọn được bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ công chức thì mọi đề xuất cải cách chế độ tiền lương hay có chế độ dưỡng liêm cho cán bộ, công chức đều sẽ vừa tốn tiền ngân sách vừa cào bằng, không hiệu quả. Một việc nữa có thể làm ngay là củng cố và mở rộng các cơ chế để người dân thực sự giám sát được cán bộ, công chức và bộ máy nhà nước…


Tác giả: Lam Anh (theo báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=69&ItemId=403525&GroupId=2474

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:



Liên kết web

select

Liên kết Website