Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Giải cứu tư duy để giải cứu thị trường

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 9:05 | 12/05 Lượt xem: 87168

Năm 2017 khép lại với một con số ấn tượng của ngành nông nghiệp: giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính trong năm ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhưng niềm vui ấy chưa kéo dài được bao lâu thì trên các mặt báo, trang mạng lại tràn ngập những lời kêu gọi "giải cứu" cho hàng rau quả, nông sản: đầu tháng 3.2018 là củ cải ở các tỉnh phía Bắc, bây giờ là dưa hấu ở các tỉnh miền Trung.

Không phải chỉ năm nay, điệp khúc "giải cứu" nông sản đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều mặt hàng, từ thanh long, chôm chôm, cà phê, hoa, cá tra, thịt lợn...mỗi khi được mùa(!) 

Với nông dân, khi vụ mùa bội thu lẽ ra phải là niềm vui lớn. Vậy mà thay vì hân hoan, khuôn mặt khắc khổ ấy lại hằn nỗi buồn chất chứa vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Một nghịch lý khác, trong khi hoa quả, nông sản trong nước phải "giải cứu" thì sản phẩm tương tự từ Trung Quốc, Thái Lan vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam. Có thể thấy rõ điều đó khi dạo quanh các chợ từ thành thị đến nông thôn và ngay cả trong các siêu thị, nông sản ngoại nhập vẫn hiện diện với số lượng lớn. Hẳn mọi người vẫn chưa quên có lúc gạo từ Thái Lan được bản ở khắp nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước ta.

Một thực tế cũng đáng suy ngẫm là đôi khi người nông dân phải bán sản phẩm với giá rẻ thì người tiêu dùng vẫn phải sử dụng với giá đắt. Đơn cử ngay ở Quảng Nam hiện nay, khi nông dân bán dưa tại ruộng với giá khoảng 1.000 - 2000 đồng/kg thì vào một quán giải khát nào đó nếu uống một ly nước ép dưa hấu sẽ có giá không dưới 10.000 đồng và nếu vào các khách sạn, nhà hàng sang trọng thì giá sẽ đội lên gấp vài lần nữa.

Rõ ràng đầu ra sản phẩm nông nghiệp là một bài toán lớn mà chưa có một lời giải căn cơ. Một nền nông nghiệp phát triển bền vững không thể dựa vào "giải cứu" và lòng trắc ẩn của người tiêu dùng. Thực trạng đã rõ, nhưng bao năm qua chúng ta vẫn loay hoay khi xác định nguyên nhân và nhất là tìm kiếm giải pháp khắc phục.

Trong xu hướng hiện nay, nông nghiệp muốn phát triển thì việc "liên kết 4 nhà": nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp là tất yếu. Sự liên kết này phải chặt chẽ, đồng bộ đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên thì mới đưa được sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Với vai trò quản lý của mình, nhà nước phải đưa ra ra các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phù hợp. Đồng thời quy hoạch các vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường một vài nước như hiện nay. Không can thiệp một cách thô bạo vào quy luật cung - cầu, nhưng nhà nước phải tạo ra một hành lang pháp lý để điều phối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến dư thừa sản phẩm.

Đối với nhà nông, chủ thể chính của nền nông nghiệp cần phải thay đổi một cách căn bản tư duy sản xuất, mạnh dạn loại bỏ tư duy sản xuất tiểu nông. Thẳng thắn nhìn nhận rằng tình trạng "giải cứu" nông sản những năm qua có trách nhiệm của chính người nông dân. Với thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chậm ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ít quan tâm đến thông tin thị trường nên nhiều người sản xuất theo cách "cầu may": thấy con gì, cây gì được giá thì ồ ạt nuôi, trồng; mất giá một năm thì ồ ạt phá, bỏ. Cũng do tư duy tiểu nông nên nhiều người xem nhẹ các quy hoạch vùng nguyên liệu, các quy trình kỹ thuật trong sản xuất dẫn đến sản xuất tràn lan làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và giảm chất lượng sản phẩm không thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính được. Bên cạnh đó, vì lợi ích trước mắt người dân sẵn sàng bỏ qua các khuyến cáo mà tiêu thụ nông sản một cách rất cực đoan để rồi phải gánh chịu hậu quả nặng nề: việc bán móng trâu, bò nhiều năm trước và bán rễ hồ tiêu bây giờ là những minh chứng cụ thể.  Trong cuộc canh tranh thị trường hiện nay, người nông dân cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt "luật chơi" của thị trường thế giới mới mong mở rộng đầu ra cho sản phẩm của mình, nếu không người chịu thiệt hại trước nhất là chính bản thân họ. Việc Liên minh châu Âu (EU) công bố phạt thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này do tình trạng đánh bắt bất hợp pháp không được báo cáo, không được quản lý và có thể chúng ta sẽ phải nhận thẻ đỏ là lời cảnh báo nghiêm khắc cho ngành thủy sản Việt Nam nói riêng, cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung.

 

Với nhà khoa học việc nghiên cứu các loại giống mới, nghiên cứu các quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng nông sản sẽ giúp người nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm và sản xuất bền vững. Nghiên cứu khoa học phải vì mục tiêu sản xuất và ngược lại những thách thức đặt ra cho nông nghiệp phải trở thành đơn đặt hàng cho nhà khoa học nghiên cứu tìm ra giải pháp khắc phục. Có như vậy lợi ích hai bên mới hài hòa và sự gắn kết mới bền chặt.
 
 Không thể “giải cứu” thị trường bằng lòng trắc ẩn. 
Ảnh: Thu hoạch dưa hấu tại Phú Ninh, Quảng Nam. 

 Còn doanh nghiệp phải là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp còn có vai trò định hướng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, hỗ trợ người dân trong sản xuất những sản phẩm mà thị trường đòi hỏi. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận không cao so với đầu tư vào các ngành kinh tế khác nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà. Và ở đây nhà nước có vai trò quan trong để kêu gọi, khuyến kích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi.

Về mặt vĩ mô sự "liên kết 4 nhà" đã được triển khai thực hiện trên thực tế, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Do vậy, thời gian đến cần tìm ra giải pháp phù hợp hơn để thắt chặt mối liên kết này và nhà nước phải đóng vai trò "nhạc trưởng" để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, để không còn điệp khúc "giải cứu" như lâu nay.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website