Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh và cuộc chiến Covid - 19

Người đăng: banbientap Ngày đăng: 12:21 | 19/05 Lượt xem: 76798

Đến hôm nay, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh Covid – 19. Có được thành công đó, một trong những nguyên nhân là nhờ Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng đúng đắn tư tưởng “lấy dân làm gốc” và phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Hồ Chí Minh: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho". Đó là tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân, mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng vào các phong trào cách mạng.


 
 "Lấy dân làm gốc" là điểm mấu chốt trong tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh

Quan điểm xuyên suốt của Người để thực hiện công tác dân vận thì trước hết phải lấy dân làm gốc đi liền với phát huy dân chủ. Lực lượng làm công tác dân vận là tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận. Chính quyền của ta là công cụ chủ yếu của nhân dân. Chính quyền không những chỉ phải làm dân vận mà còn có nhiều điều kiện để làm tốt công tác dân vận hơn.

Quy trình làm công tác dân vận của Bác rất chặt chẽ. Trước hết, phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Tiếp đến là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

Người đưa ra phương pháp dân vận rất cô đọng, đầy đủ trong 12 từ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Tinh thần chung nhất của 12 từ đó là: Cán bộ dân vận phải luôn luôn tư duy, dày công tìm tòi suy nghĩ; kết hợp quan sát, biết lắng nghe để kiểm chứng, nhận định bản chất vấn đề, luôn luôn sâu sát cơ sở, không quan liêu, xa dân. Người cán bộ dân vận phải thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm thì dân mới tin mà làm theo.

Công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 của nước ta đã đạt được kết quả ấn tượng, kiểm soát tốt tình hình, và đặc biệt không có người tử vong vì dịch bệnh, uy tín và năng lực phản ứng với dịch bệnh của quốc gia được nâng cao. Có được kết quả này, trước hết là nhờ vào quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta là lấy dân làm gốc, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chính quan điểm này đã đã tập hợp được ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng trong quá trình chống dịch. Và để huy động các lực lượng tham gia chống dịch, chúng ta đã thực hiện quy trình dân vận như lời dạy của Bác.

Trước hết, Chính phủ chỉ đạo nghiêm cấm việc giấu dịch, phải công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh cho các tầng lớp nhân dân và thế giới biết thông qua các kênh thông tin chính thống. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gởi tin nhắn đến từng điện thoại… giúp mỗi người dân tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, kịp thời để hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và cách phòng ngừa. Thông qua nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú, liên tục, thường xuyên, Chính phủ, ngành y tế đã giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bằng những thông điệp giản đơn nhưng gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm như: “ở nhà là yêu nước”, “yêu nước thì phải ở nhà”; “chống giặc thì phải xông pha, chống dịch thì phải ở nhà nghe chưa?”; “chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”; “Hãy đứng im khi Tổ quốc cần”… Cùng với các giải pháp tuyên truyền, vận động, Chính phủ cũng đã thực hiện các biện pháp mạnh để kiểm tra, kiểm soát tình hình như ban hành Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Tại Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết định tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, mua bán; chính quyền các cấp trong tỉnh UBND thành lập nhiều chốt kiểm dịch, các tổ kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng và của UBND tỉnh...

Chính nhờ vận dụng xuyên suốt quan điểm và quy trình dân vận của Hồ Chí Minh, nước ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc để “Chống dịch như chống giặc”. Ở tuyến đầu đã xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu của các y, bác sỹ, quân đội, công an, dân quân tự vệ, tình nguyện viên… ngày đêm hy sinh thầm nặng cho cuộc chiến. Còn ở hậu phương, nhiều cách làm khác nhau để chung tay chống dịch như những bữa ăn khuya, những chiếc khẩu trang, từng lon gạo, bó rau … của các mẹ, các chị, các đoàn thể lần lượt được trao tặng. Hay như Mẹ VNAH và 01 thương binh nặng tại phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) cũng tích cóp số tiền mà nhà nước chi trả hằng tháng mang đến UBND phường để hỗ trợ chống dịch… Còn rất nhiều, rất nhiều những nghĩa cử, việc làm xúc động khiến những người ở đầu chiến tuyến chống dịch cảm thấy ấm lòng hơn, vững vàng hơn.

Nhìn lại việc thực hiện công tác dân vận của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh vừa qua càng cho thấy tính đúng đắn và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng dân vận của Người là chìa khóa vạn năng mở ra mọi thắng lợi đối với công tác quần chúng. 

Tác giả: Hữu Hải

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website