Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp - tạo điều điện để người dân phát triển kinh tế

Người đăng: banbientap Ngày đăng: 9:01 | 08/01 Lượt xem: 15412

Xuất phát từ thực trạng trong công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, cũng như nhu cầu thực tiễn về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp ở khu vực miền núi hiện nay, tại kỳ họp thứ 21 sắp diễn ra, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận và quyết định chủ trương về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh. Nếu được thông qua thì đây sẽ là chính sách có tầm quan trọng đối với sự phát triển ở khu vực miền núi, đảm bảo tính pháp lý đối với diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng; đồng thời, tạo điều kiện để người dân được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống.


 
 Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho khu vực miền núi là vấn đề cấp bách hiện nay

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường – Cơ quan chủ trì soạn thảo đề án cho biết, năm 2007, Quảng Nam cũng đã thực hiện dự án thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 và hồ sơ địa chính cấp GCNQSD đất lâm nghiệp từ tư liệu bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1/10.000 tỉnh Quảng Nam (theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 25.4.2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án thành lập bản đồ địa chính bằng ảnh hàng không phục vụ cho lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp), dự án kết thúc vào năm 2011. Sản phẩm của dự án đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho chính quyền cấp huyện quản lý, khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, do phương pháp đo vẽ, công nghệ đo đạc trước đây có sai số lớn nên nhiều địa phương không giao bìa đỏ cho người dân. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng giải thích do người dân chưa có nhu cầu cấp bìa đỏ và trong quá trình quản lý, sử dụng sản phẩm chưa được UBND huyện chỉnh lý biến động kịp thời, dẫn đến hồ sơ địa chính dự án đất lâm nghiệp ngày càng không còn phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất của địa phương.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Sơn cho biết, đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp trình HĐND tỉnh lần này chỉ tập trung vào nhóm đối tượng là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại địa phương, trực tiếp sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh; còn phần diện tích đất lâm nghiệp hiện do các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình, cá nhân đầu cơ, chuyển nhượng, tích tụ đất thì không thuộc đối tượng hỗ trợ của đề án này.

Ngoài ra, theo ông Sơn, các dự án trước đây Sở TN&MT sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư, nhưng đối với dự án này Sở chỉ thực hiện công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật – dự toán tổng thể của cấp huyện và phối hợp tham mưu phân bổ kinh phí hằng năm. Còn trách nhiệm chính thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất sẽ thuộc UBND các huyện, từ việc lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – tự toán, xây dựng phương án kỹ thuật, lựa chọn công nghệ đo đạc tiên tiến để áp dụng đến tổ chức thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu hoặc đặt hàng đơn vị thực hiện theo quy định.

Thời gian thực hiện đề án trong 6 năm, từ năm 2021 đến năm 2026, nội dung thực hiện bao gồm đo đạc bổ sung, đo vẽ lại bản đồ địa chính; đo đạc, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính. Kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu là 50.919 giấy; kê khai, đăng ký, cấp đổi là 16.540 giấy. Kỹ thuật đo sẽ sử dụng công nghệ GPS-RTK có độ chính xác (sai số vị trí điểm bất kỳ trên ranh giới thửa đất) nằm trong hạn sai cho phép (≤ 300 cm). Tổng kinh phí đầu tư thực hiện hơn 114 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cân đối bố trí thực hiện.

Tại buổi làm việc giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh với Sở TN&MT mới đây, nhiều đại biểu dự họp nhận định công tác quản lý nhà nước về đất đai hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, tình trạng lấn chiếm diện tích rừng tự nhiên, tranh chấp đất lâm nghiệp trong nhân dân còn khá phổ biến, do đó, việc trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp 09 huyện miền núi là vấn đề cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, đa số các đại biểu cũng cho rằng việc triển khai thực hiện mới là khâu quan trọng và thực sự không dễ dàng, cần nhận diện một cách đầy đủ những khó khăn, vướng mắc để tập trung giải quyết, tháo gỡ như: việc cắm mốc đối với quy hoạch 3 loại rừng vẫn chưa được triển khai trên thực địa, công tác quy chủ, quản lý hiện trạng đất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất giữa các hộ gia đình, cá nhân phức tạp…, cũng như cần tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm dự án 1/10.000 và dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vùng Đông trước đây, làm cơ sở thực hiện cho vùng Tây để làm sao đạt được những kết quả chất lượng, đảm bảo khả thi sau khi dự án hoàn thành, chênh lệch về độ sai số trên giấy và ngoài thực địa phải ở mức thấp nhất, người dân có thể chấp nhận kết quả đo đạc và sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp...

Liên quan đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở TN&MT cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, cần có quy chế ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn… trong quá trình thực hiện, tránh xảy ra sai phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.

Chính quyền các cấp ở cơ sở cần xác định rõ tầm quan trọng của công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý để tập trung chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả cao nhất. Trong đó chú trọng đến khâu lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán, xây dựng phương án thực hiện, cách thức và quy trình triển khai đảm bảo chặt chẽ, theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Tác giả: Hồng Quân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website