Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

“Chậm lớn” vì khó tiếp cận vốn vay

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 19:55 | 25/03 Lượt xem: 115555

“Cách đây 7 năm, chúng tôi bắt đầu tham gia làm nông nghiệp. Đến giờ chúng tôi đã xuất khẩu cà rốt sang Dubai, Hàn Quốc, trà hoa thảo mộc sang Pháp… nhưng chưa được tiếp cận bất cứ một khoản vay nào từ ngân hàng”. Thừa nhận này của doanh nghiệp phần nào cắt nghĩa lý do chưa thể phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

7 năm không vay được một đồng vốn ngân hàng

Tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, một lần nữa chủ đề “doanh nghiệp tư nhân không thể lớn” lại được đặt ra, đầy nhức nhối.

“Cách đây 7 năm, chúng tôi bắt đầu tham gia làm nông nghiệp. Hiện, đã xuất khẩu một số mặt hàng như cà rốt đang Dubai, Hàn Quốc, trà hoa thảo mộc sang Pháp… nhưng đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa được tiếp cận bất cứ một khoản vay nào từ ngân hàng. Có người bảo chúng tôi giỏi quá, nhưng thực ra chúng tôi thấy buồn vì không được tiếp cận vốn ngân hàng”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietrap Đầu tư và thương mại Vũ Thị Vân Phương chia sẻ.

Lý giải điều này, bà Phương cho rằng do sản xuất nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, tác động bất lợi của biến đối khí hậu (chiếm tới 70%); trong khi đó, thị trường sản phẩm không ổn định, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi. Mặc dù vốn đầu tư khá lớn, chẳng hạn xây dựng nhà màng, nhà lưới tối thiểu cần khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/ha nhưng các tài sản này lại không được ngân hàng chấp nhận; chưa kể đất đi thuê, không phải sở hữu riêng nên càng khó đi vay ngân hàng. Thêm vào đó, với doanh nghiệp trồng cây dược liệu có chu kỳ thu hoạch của sản phẩm quá dài, từ 5 - 7 năm cũng khiến ngân hàng e ngại. Điều này đã phần nào lý giải việc vì sao doanh nghiệp tư nhân không thể lớn.


Khó tiếp cận về vốn vay ngân hàng là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chậm phát triển

“Chưa có chiến lược phát triển đúng nghĩa”

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sở dĩ khu vực kinh tế tư nhân chưa thể lớn là do “chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt đúng nghĩa. Cùng lắm, chúng ta mới quan tâm đến việc thành lập nhiều doanh nghiệp chứ chưa có cách tiếp cận phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt”. Theo ông, đây là hậu quả của cách tư duy về phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường nhưng không hiểu đúng và không tôn trọng các nguyên lý nền tảng, cốt lõi của kinh tế thị trường. “Điển hình là chủ trương phát triển kinh tế thị trường nhưng không chú trọng, quan tâm phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường các nguồn lực; không coi trọng phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân đúng kiểu thị trường”, ông nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng chỉ ra, trong số rất nhiều nguyên nhân giải thích thực trạng yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân, nguyên nhân chính vẫn là thiếu vắng một hệ thống chính sách nhất quán phù hợp. Sự méo mó các thiết chế nhà nước, cải cách kinh tế diễn ra theo hướng không tôn trọng các quy tắc của kinh tế thị trường, vận hành nền kinh tế chủ yếu dựa trên nền tảng quan hệ thân hữu, tham nhũng, hàm nghĩa doanh nghiệp tư nhân không có môi trường tốt để phát triển. Minh chứng cho điều này, ông Thiên dẫn số liệu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2006 - 2014 cho thấy, có tới 51 - 70% doanh nghiệp phải trả các khoản chi phí không chính thức khi tiếp cận các dịch vụ công của chính quyền các cấp!

Thêm vào đó là việc tồn tại lâu dài tình trạng Nhà nước thiếu niềm tin vào khu vực kinh tế tư nhân, hệ quả là có sự phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân trong nước, tình trạng bất đình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư. “Phần lớn cho ngân sách nhà nước (khoảng 90%) dành cho doanh nghiệp nhà nước thông qua việc cấp tín dụng trực tiếp để tăng vốn hằng năm, trong khi doanh nghiệp tư nhân - số lượng lớn hơn nhiều doanh nghiệp nhà nước - phải tự cạnh tranh nhau trong tiếp cận tài chính trên hệ thống ngân hàng”, ông nói.

Chủ động chen chân vào chuỗi giá trị

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là tính bất định, không thể lường trước, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, cơ hội để khu vực kinh tế tư nhân phát triển rất lớn. “Trước đây, có rất nhiều điều chúng ta không biết thì thế giới biết, hoặc chúng ta biết ít thì thế giới biết nhiều hơn chúng ta, do vậy chúng ta thua. Nhưng bây giờ, có rất nhiều điều mà không chỉ chúng ta, ngay cả thế giới cũng chưa biết, như về Uber, Grab hiện chưa có thông lệ tốt nhất. Đó là cái hay để chúng ta có thể vươn lên, đòi hỏi chúng ta phải hướng tới cái mới để không chỉ bắt kịp mà còn có cơ hội đi cùng thế giới”, ông Thành nói.

Muốn vậy, theo ông, cần xoay chuyển từ cách nghĩ đến cách làm. “Kinh tế tư nhân là khoảng 700.000 doanh nghiệp, là hàng triệu hộ kinh doanh cá thể - tức là chính chúng ta, do vậy phải coi phát triển kinh tế tư nhân là cho chính chúng ta”, ông nhấn mạnh.

TS.Võ Trí Thành khuyến cáo, với doanh nghiệp “đừng bao giờ có tư duy mình có cái gì thì đặt mục tiêu như thế”. Sâu xa vẫn phải bắt đầu từ câu chuyện nguồn lực, doanh nghiệp phải trả lời được câu hỏi có đủ khả năng để giữ nguồn lực thực hiện mục tiêu của mình hay không? Thêm nữa, trong hội nhập phải bảo đảm “chơi thật”, tức là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế để bán hàng ra thế giới, chỉ khi đó mới chứng minh được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ bởi hội nhập là phải cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp “thắng” nhờ ưu đãi thì không thể coi là phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng phải tìm cách chen chân vào chuỗi giá trị, bởi nếu kết nối, chơi được với chủ chuỗi giá trị - người khổng lồ thì chúng ta mới có thể học và tạo dựng niềm tin. “Bài toán bây giờ đối với doanh nghiệp là sự linh hoạt, chấp nhận rủi ro, chấp nhận sai lầm”, ông Thành nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Thị Vân Phương cho rằng, để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp phát triển phải được bảo đảm tiếp cận vốn vay hiệu quả. Muốn vậy, trước hết, doanh nghiệp cần hiểu rõ vấn đề cốt lõi của các rào cản. Từ đó, doanh nghiệp có các giải pháp hiệu quả như phải minh bạch trong hoạt động kinh doanh, chuẩn bị và làm quen với điều kiện ngân hàng về sự đồng nhất, chuẩn chỉnh của số liệu tài chính. Song, về phía Nhà nước và ngân hàng cũng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, trực tiếp là về vốn, tránh để tình trạng doanh nghiệp “bơ vơ” dù có nhiều chính sách cũng như nguồn tín dụng cho doanh nghiệp. 

Tác giả: Đan Thanh (thoe báo đại biểu nhân dân)

Nguồn tin: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=418234

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website