Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Chuyển đổi mô hình cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế ở Tiên Hà

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 7:47 | 14/02 Lượt xem: 177705

Tiên Hà là một xã miền núi nằm cách huyện lỵ Tiên Phước gần 20km, với diện tích hơn 3.800ha và trên 4.500 nhân khẩu. Là một xã thuần nông nên hầu hết người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nông nghiệp, đời sống của bà con những năm trước gặp nhiều khó khăn. Diện tích lúa nước của xã rất ít (khoảng 160ha) chỉ đủ đảm bảo lương thực, không thể trở thành hàng hóa.


 
 Vườn trồng cây Cam Giấy của người dân tại xã Tiên Hà (Tiên Phước)

Trong nỗ lực thoát nghèo, Tiên Hà đã dựa vào lợi thế tự nhiên để phát triển lâm nghiệp. Mỗi năm xã khai thác và trồng mới gần 20ha, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt gần 60 triệu đồng/ha. Nhờ trồng rừng nguyên liệu, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, đời sống được cải thiện hơn trước.

Tuy nhiên, người dân cũng đã nhận thấy việc trồng rừng nguyên liệu chưa phải là giải pháp hiệu quả nhất để vươn lên làm giàu. Vài năm gần đây, xã đã phát động phong trào phát triển kinh tế vườn với việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng sang các giống mang lại hiệu quả kinh tế cao như: tiêu Tiên Phước, thanh trà, măng cụt... trong đó cây Cam Giấy là cây chủ lực, đặc trưng nhất đã được xác định tại nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Từ nghị quyết của Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể của xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân; tiến hành rà soát, khoanh vùng, phân loại hiện trạng cây trồng; đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước, hệ thống thủy lợi nhằm đưa vào quy hoạch những diện tích đất phù hợp và khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cam; đồng thời tổ chức quản lý, giám sát việc sử dụng đất đúng mục đích. Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra cây sạch bệnh, lựa chọn các cây đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào nhân giống phục vụ cho phát triển vùng cam.

Qua gần 5 năm thực hiện, việc phục tráng và phát triển cây Cam Giấy Tiên Hà đã đem lại hiệu quả thiết thực, từ trồng tự phát với diện tích nhỏ, manh mún, đến nay đã quy hoạch thành vùng cây ăn quả tập trung, liên vùng theo nhóm hộ.

Diện tích trồng cam hiện nay trên 20ha, trong đó thôn Tiên Tráng chiếm trên 15ha; diện tích cho thu hoạch khoảng 10ha. Bình quân sản lượng quả đạt 18-20 tấn/ha, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, gấp 5 lần sản xuất lúa và các loại hoa màu khác, gấp 10 lần sản xuất keo nguyên liệu. Một số hộ như: Phan Văn Hội, Phan Văn Tam, Nguyễn Thành Nhân... thu nhập hằng năm 50-70 triệu đồng từ cây Cam Giấy; góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Cuối năm 2019, Cam Giấy Tiên Hà đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh.    

Ngoài việc phát triển cây Cam Giấy, một số hộ đã tranh thủ cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư cây ăn quả theo mô hình xem ghép, lấy ngắn nuôi dài như hộ ông Phạm Hồng Sơn trồng chuối cấy mô xen ghép bưởi, tiêu cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Mô hình xen canh của ông Đoàn Thanh Yên thôn Tài Thành cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng...

Tuy nhiên, các mô hình làm kinh tế hiệu quả vẫn chưa nhiều, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn áp lực về giá cả, đầu ra, chưa kết nối theo chuỗi sản phẩm.

Trong những năm đến, xã định hướng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Chuyển đổi một số chân ruộng một vụ, thiếu nước, đất bồi ven sông để trồng cây ăn quả, mở rộng vùng sản xuất Cam Giấy. Đối với diện tích cam hiện đang phát triển tốt, hướng dẫn đầu tư, thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng; hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nhằm ít ảnh hưởng môi trường, đảm bảo chất lượng cam. Vận động nông dân liên kết với hợp tác xã để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Trong chuyến công tác mới đây về xã Tiên Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã bày tỏ sự vui mừng trước sự chuyển đổi mô hình sản xuất đúng hướng đem lại hiệu quả cao của bà con nơi đây. Đồng thời, lưu ý địa phương cần có giải pháp nhân rộng, lan tỏa các mô hình làm kinh tế tốt nhằm nâng cao đời sống người dân, góp phần nhanh chóng đưa Tiên Hà phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website