Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa phải tạo động lực thu hút đầu tư

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 16:51 | 13/11 Lượt xem: 12433


Từ kết quả đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa (XHH) trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường giai đoạn 2008-2020; tiềm năng, nhu cầu, định hướng thu hút đầu tư XHH trong giai đoạn đến, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp đến Đề án quy định về cơ chế khuyến khích đẩy mạnh XHH. Nội dung dự thảo đã thu hút sự quan tâm, góp ý của nhiều ngành tại cuộc họp lấy ý kiến do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hôm 11.11.2021 vừa qua.

 
 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: A.N (baoquangnam.vn)

Bất cập từ quy định, chính sách
Theo đánh giá, các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa quy định tại Nghị định số 69/2008 và Nghị định số 59/2014 của Chính phủ, Quyết định 29/2017 của UBND tỉnh đã tương đối đầy đủ và cơ bản phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư của xã hội tham gia cung cấp các dịch vụ công, đáp ứng một phần nhu cầu của xã hội với chất lượng và số lượng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên các quy định này cũng đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý khiến công tác thu hút các dự án đầu tư theo hình thức XHH chưa đạt mục tiêu và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. 
Cụ thể, việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa đầy đủ, đồng bộ và theo kịp với tình hình phát triển; các cơ sở sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa lại không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi theo Nghị định 69/2008.
Các cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Quy định miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian hoạt động của dự án đối với tất cả các địa bàn nông thôn và đô thị đã dẫn đến việc các cơ sở thực hiện xã hội hóa đầu tư tập trung ở các khu vực đô thị, đồng bằng có điều kiện kinh tế phát triển, điều kiện giao thông - hạ tầng thuận lợi. 
Cạnh đó, khó khăn, vướng mắc nhiều nhất của các cơ sở thực hiện xã hội hóa chủ yếu liên quan đến đất đai như: thiếu quy hoạch sử dụng đất đai, chưa quy hoạch sẵn quỹ đất công cho mục tiêu kêu gọi dự án đầu tư xã hội hóa; chính sách về hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giao đất “sạch” cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa về cơ bản đã được thể chế hóa đầy đủ thành những quy định cụ thể tại Nghị định số 59/2014 nhưng chưa được thực hiện đầy đủ và phát sinh nhiều vướng mắc. Các địa phương vẫn chưa chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, 5 năm cho mục tiêu xã hội hóa; chưa chủ động đề xuất danh mục dự án xã hội hóa để thu hút đầu tư. Đa số các dự án xã hội hóa đều do nhà đầu tư tự đề xuất địa điểm, trường hợp vị trí thực hiện dự án không phù hợp với quy hoạch thì nhà đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch; điều này đã tạo ra phản ứng của người dân trong vùng dự án, dư luận xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.   

Tập trung phần lớn khu vực thuận lợi và lĩnh vực giáo dục
Thống kế số lượng và địa bàn thực hiện dự án đầu tư theo hình thức XHH giai đoạn 2008 - 2020 cho thấy toàn tỉnh đã triển khai, thu hút 43 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.325 tỷ đồng. Ngoài 06 dự án qua kiểm tra không đủ điều kiện thực hiện thì 37 dự án còn lại đa phần tập trung ở lĩnh vực giáo dục (14 dự  án), y tế (10 dự án), dạy nghề (7 dự án), thể thao, môi trường mỗi lĩnh vực 03 dự án. 
Phân theo địa bàn đầu tư thì những khu vực đô thị như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn có 23 dự án, với tổng vốn đầu tư 1.778 tỷ đồng, chiếm 62,2% số lượng dự án xã hội hóa và 39,3% tổng vốn đầu tư các dự án xã hội hóa toàn tỉnh. Khu vực các huyện đồng bằng (Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn và Phú Ninh) có 13 dự án, với tổng vốn đầu tư 2.650 tỷ đồng, chiếm 35,1% số lượng dự án và 58,6% vốn đầu tư các dự án xã hội hóa. Đáng lưu ý, khu vực các huyện miền núi chỉ có 01 dự án (Tiên Phước), với vốn đầu tư 96 tỷ đồng, chiếm 2,7% số lượng dự án và 2,1% tổng vốn đầu tư các dự án xã hội hóa.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2018 - 2020 khi áp dụng Quyết định số 29/2017 của UBND tỉnh về quy định miễn tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp sử dụng đất tại các đô thị trên địa bàn tỉnh thì khu vực thành phố, thị xã triển khai 09 dự án, với tổng vốn đầu tư 974,6 tỷ đồng, chiếm 52,9% số lượng dự án xã hội hóa và 28,6% tổng vốn đầu tư các dự án xã hội hóa toàn tỉnh. 
Ngoài ra, trong nội bộ từng lĩnh vực thì các dự án đầu tư theo hình thức XHH cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Như lĩnh vực giáo dục tập trung vào các dự án giáo dục mầm non, còn ít các dự án đầu tư vào các cấp học khác; đối với lĩnh vực y tế, chỉ mới có các dự án bệnh viện đa khoa, chưa có các dự án bệnh viện chuyên khoa kỹ thuật cao, Bệnh viện lão khoa, Viện dưỡng lão...; đối với lĩnh vực thể thao, đa số chỉ tập trung vào các dự án quy mô nhỏ và chủ yếu là loại hình sân bóng đá mini, chưa có dự án quy mô lớn.

Đề xuất cơ chế theo khu vực và loại hình dự án
Trên cơ sở các quy định pháp luật về xã hội hóa, tình hình thực tế, Sở Kế hoạch & Đầu tư – cơ quan tham mưu Đề án đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh để đẩy mạnh XHH trong giai đoạn tới theo hướng có sự khác biệt theo từng địa bàn đầu tư (đô thị, nông thôn, miền núi) và khác biệt về mức ưu đãi theo từng loại hình dự án trong cùng một lĩnh vực.
Theo đó, về địa bàn áp dụng cơ chế ưu đãi đề nghị phân thành 03 khu vực. Khu vực đô thị được xác định là các  phường thuộc thành phố Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện Bàn; khu vực nông thôn miền núi là địa bàn các huyện miền núi của tỉnh; khu vực nông thôn đồng bằng là địa bàn các huyện, thị xã, thành phố còn lại của tỉnh, trừ các phường thuộc khu vực đô thị nêu trên. 
Về cơ chế hỗ trợ, khu vực nông thôn được đề xuất miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời gian thuê đối với tất cả các dự án thuộc các lĩnh vực xã hội hóa; khu vực đô thị được phân 03 mức miễn tiền thuê đất (100%, 80%, 50% và chỉ áp dụng trong những năm đầu của thời gian thuê đất), mức cụ thể phụ thuộc vào loại hình dự án trong từng lĩnh vực. Đồng thời, ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho cơ sở thực hiện dự án xã hội hóa đủ điều kiện theo hướng Dự án thực hiện trên địa bàn khu vực nông thôn miền núi thì ngân sách tỉnh bố trí 100%; Dự án thực hiện trên địa bàn khu vực nông thôn đồng bằng thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, nhà đầu tư đóng góp 50%.
Ngoài ra, các cơ sở thực hiện XHH còn được hưởng cơ chế ưu đãi về tín dụng; được ưu tiên thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa để cung cấp các sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực xã hội hóa bằng giá thuê tối thiểu theo quy định (trong trường hợp không đấu giá cho thuê tài sản); trường hợp thực hiện đấu giá cho thuê tài sản, giá khởi điểm đấu được xác định bằng giá thuê tối thiểu theo quy định. Được hưởng các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về lệ phí trước bạ; chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng; chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo các quy định pháp luật hiện hành.
Đóng góp vào dự thảo Đề án, nhiều ý kiến cho rằng các thị trấn, nhất là thị trấn thuộc khu vực đồng bằng có nhiều thuận lợi và tiềm năng trong thu hút các dự án XHH, nhưng lại được phân vùng trong khu vực nông thôn là chưa hợp lý. Đối với khu vực miền núi, việc phân vùng như dự thảo chưa đề cập đến các xã miền núi của huyện đồng bằng. Do đó, đề nghị điều chỉnh theo hướng khu vực đô thị gồm các phường và thị trấn thuộc huyện đồng bằng; khu vực miền núi bao gồm các xã miền núi thuộc huyện đồng bằng.
Về lĩnh vực và loại hình dự án theo từng lĩnh vực, một số ý kiến đề nghị cần tăng mức ưu đãi, hỗ trợ đối với một số loại hình đặc thù có mức đầu tư lớn như lĩnh vực văn hóa; bổ sung một số loại hình dự án thuộc lĩnh vực môi trường;...
Về nội dung chính sách hỗ trợ, một số ý kiến đề nghị cần lưu ý đảm bảo tính khả thi và đồng bộ để thuận lợi trong tổ chức thực hiện; chính sách miễn tiền thuê đất theo các mức 80%, 50% cần có phương thức thực hiện theo từng loại hình nộp tiền thuê đất  (nộp một lần cho cả thời gian thuê và nộp hằng năm). 
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan tham mưu tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn chỉnh nội dung Đề án để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2021, nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện các dự án XHH từ đầu năm sau – năm 2022 và nội dung các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích XHH phải khắc phục được các bất cập trong thời gian qua, tạo động lực quan trọng trong thu hút đầu tư, giảm gánh nặng đầu tư công.

Tác giả: Thanh Hiền

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website