Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 10:05 | 30/11 Lượt xem: 13654

Phiên họp thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 – những nội dung quan trọng trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2021, với sự tham dự và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh đã thảo luận nhiều định hướng quan trọng với quyết tâm khắc phục cơ bản các hạn chế về tỷ lệ, tiến độ giải ngân vốn; tăng cường vai trò trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công.

Giải ngân chưa như kỳ vọng

Tổng vốn đầu tư công năm 2021 trên toàn tỉnh (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) là 7.307,433 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 sau khi điều chỉnh là 5.015,484 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài 2.291,949 tỷ đồng.


Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình chấp hành pháp luật về đầu tư công vào tháng 6/2020.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện kế hoạch đầu tư công 2021 không tránh khỏi ảnh hưởng. Nhận thức điều đó, ngay từ đầu năm nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thi công, thủ tục thực hiện dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để tăng tỷ lệ giải ngân vốn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm với mục tiêu đến cuối năm giải ngân đạt 95 – 100% kế hoạch vốn.

Minh chứng cho quyết tâm này là hàng loạt giải pháp đã được đề xuất, thực hiện như việc Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 27/8/2021; UBND tỉnh thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước;  HĐND, UBND tỉnh nhiều lần điều chuyển vốn trong nội bộ và giữa các ngành, địa phương với tổng số vốn đã điều chuyển gần 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn năm 2021 chưa đạt như kỳ vọng. Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 19/11/2021, tổng vốn đầu tư công năm 2021 giải ngân hơn 4.754,9 đạt 60,4% (bao gồm các dự án do trung ương quản lý). Trong đó, các dự án do địa phương quản lý  đạt 59,3%; các dự án sử dụng vốn do Trung ương quản lý đạt 60,5%. Theo tiến độ này rất khó đạt mục tiêu giải ngân 95-100% đã đề ra từ đầu năm.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng nỗ lực cắt giảm hay điều chuyển vốn vẫn chưa trở thành giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhiều thủ tục vẫn chưa thực sự được cắt giảm nên công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu có nơi chưa thật sự nghiêm túc, thiếu sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng, xảy ra một số sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng buộc phải hủy kết quả đấu thầu. Cùng với đó những nguyên nhân khách quan khác như giá vật liệu xây dựng tăng cao, dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp,… đã tác động rất lớn tình hình thực hiện dự án và giải ngân vốn.

Một vấn đề khác đáng quan tâm là số nợ đọng xây dựng cơ bản. Đến hết quý III/2021 nợ đọng 1.087,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2020 thì cấp tỉnh tăng 9,8 tỷ đồng, cấp huyện tăng 30,2 tỷ đồng. Một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp huyện lớn hơn 1,5 lần mức phân cấp cân đối ngân sách hằng năm của cấp huyện như: Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Tây Giang. Trong đó, có một số huyện gần như không đảm bảo nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trên địa bàn huyện. Điều này đặt ra yêu cầu phải bố trí nguồn vốn của kế hoạch năm sau để xử lý, tạo ra áp lực đối với ngân sách các cấp.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Dự kiến tổng kế hoạch vốn năm 2022 là 5.604,264 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 4.200,138 tỷ đồng; ngân sách trung ương 1.404,126 tỷ đồng. So với nội dung đã trình HĐND tỉnh cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 vừa qua thì tổng kế hoạch vốn năm 2022 giảm 1.565,069 tỷ đồng (địa phương giảm 520,362 tỷ đồng, trung ương giảm 1.044,707 tỷ đồng).

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, sau khi bố trí vốn dự phòng và đối ứng các dự án ODA, phân bổ cho cấp huyện (theo tiêu chí, định mức và các nghị quyết HĐND tỉnh) có khoảng 1.150,487 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho dự án cấp tỉnh và hỗ trợ cấp huyện theo thứ tự ưu tiên (1) thu hồi các khoản vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có). (2) Bố trí đủ vốn cho các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán hoàn thành. (3) Bố trí đảm bảo vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022 để phát huy hiệu quả đầu tư. (4) Bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ được phê duyệt. (5) Bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ phê duyệt. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ trên, mới bố trí dự án khởi công mới, trong đó ưu tiên cho các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư, được chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai thực hiện (khoảng 408 tỷ đồng bố trí khởi công mới 70 dự án năm 2022).

Đánh giá về nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối vốn nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư năm 2022 thấp hơn dự báo nhưng số dự án các ngành và địa phương đề xuất khá nhiều. Do vậy, kế hoạch đầu tư năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư. Mục tiêu, định hướng đầu tư 2022 phải là dẫn dắt thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Các dự án khởi công mới năm 2022, dự án chuẩn bị đầu tư năm 2023 phải được cân nhắc sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư hợp lý.

Cũng từ thực tế về tiến độ giải ngân năm 2021, để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công 2022 trong điều kiện khả năng cân đối có hạn, nhiều đại biểu đề nghị tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh như không bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án đến ngày 30/11/2021 chưa phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm C, chưa trình HĐND tỉnh đối với dự án nhóm B. Đối với các dự án mà chủ đầu tư không tích cực trong hoàn trả số dư tạm ứng vốn đầu tư công quá hạn thì tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh không bổ sung kế hoạch vốn cho dự án trong năm 2021 và kế hoạch 2022.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát, phân tích, đánh giá, lý giải về khả năng giải ngân vốn đầu công, các kế hoạch, phương án đầu tư công năm 2022 và trung hạn. Trong đó phải làm rõ các hạn chế, vướng mắc trong quản lý điều hành của cơ quan quản lý và các chủ đầu tư. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tối đa nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư, xây dựng các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm. Tiếp tục nâng cao vai trò của các Tổ công tác trong rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại ngành và địa phương. Các sở quản lý chuyên ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, điều chỉnh, bổ sung dự án; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định./.

Tác giả: Trí Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website