Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Nhiều ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 16:39 | 06/04 Lượt xem: 7420

Từ kết quả đánh giá 06 năm (2016-2021) triển khai thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh về hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích. Ngày 30.3.2022, UBND tỉnh có Tờ trình 1878/TTr-UBND trình kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa X ban hành quy định mới về hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích giai đoạn 2022-2025. Phiên họp thẩm tra nội dung này của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do Trưởng Ban Trần Thị Bích Thu chủ trì đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý nội dung dự thảo nghị quyết. 

Đề xuất đầu tư phù hợp nguồn lực 

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  Nguyễn Thanh Hồng cho biết, sau 6 năm thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích theo Nghị quyết 161/2016/NQ-HĐND và các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung của HĐND tỉnh, công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã có 15 di tích quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo và 73 di tích được dựng bia. Qua đó, kịp thời ngăn chặn tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, bảo vệ nguyên vẹn hệ thống di tích hiện có và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ, gìn giữ di tích.

Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tại Di tích Chiến thắng Cấm Dơi

Lũy kế tổng số vốn đầu tư thực hiện cơ chế hỗ trợ là 133,6 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 87,4 tỷ đồng, hỗ trợ từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2,1 tỷ đồng, hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng 8 tỷ đồng, đối ứng của các địa phương và xã hội hoá 36,1 tỷ đồng.

Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, các ngành, địa phương liên quan đã đề xuất các di tích cần phải đầu tư tu bổ giai đoạn 2022-2025 gồm: 02/04 di tích quốc gia đặc biệt đang xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo và xây dựng nhà bia (tỷ lệ 50%). Đối với 63 di tích quốc gia, đề xuất tu bổ 08 di tích hiện đang xuống cấp (tỷ lệ 12,7%) và 03 di tích xây dựng nhà bia (tỷ lệ 4,8%). Đối với 374 di tích cấp tỉnh, đề xuất tu bổ, tôn tạo 28 di tích (tỷ lệ 7,5%) và dựng nhà bia 39 di tích (tỷ lệ 10,4%). 

Theo Sở VH,TT và DL thực tế nhu cầu của các địa phương khá lớn; tuy nhiên trên cơ sở khả năng đảm bảo nguồn lực, Sở đề xuất tập trung hỗ trợ đối với các di tích bức thiết. Các di tích, hạng mục đề xuất đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp với các hạng mục di tích đã được hỗ trợ đầu tư tại các Nghị quyết trước đây của HĐND tỉnh. Và không bao gồm các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh có quy mô đầu tư tổng thể với kinh phí lớn cần được xây dựng và phê duyệt tại các dự án đầu tư riêng theo quy định của Luật Đầu tư công.

Báo cáo về nguồn lực thực hiện cơ chế hỗ trợ, Sở cho biết qua các lần dự thảo đã đề xuất 03 phương án khác nhau. Sau khi cân nhắc về tính bức thiết và khả năng cân đối nguồn lực, Sở đã hoàn thiện theo phương án tối ưu nhất với kinh phí là 90,9 tỷ đồng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đầu tư tu tổ, tôn tạo các di tích bị xuống cấp.

Đóng góp nhiều ý kiến thiết thực

Tham gia ý kiến tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu đều đánh giá cao công tác chuẩn bị đề án, dự thảo nghị quyết của Sở VH,TT và DL. Đồng thời, trao đổi, góp ý nhiều nội dung hoàn thiện dự thảo nghị quyết nhằm tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện và khắc phục các bất cập, hạn chế của giai đoạn trước.

Thống nhất cao việc đề nghị bố trí 90,9 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích như đề xuất của Sở. Tuy nhiên, đối chiếu với kế hoạch bố trí vốn trung hạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 70/NQ-HĐND năm 2021, đại biểu đề nghị trao đổi, làm rõ thêm vì kế hoạch trung hạn chỉ mới dự nguồn 60 tỷ để thực hiện cơ chế, vẫn còn thiếu 30,9 tỷ so với đề xuất của Sở. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở KH và ĐT, Sở VH,TT và DL cho biết trên cơ sở tính toán, cân đối các nguồn vượt thu, tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2021 sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng tăng nguồn vốn đề thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích. 

Đối với việc phân kỳ đầu tư, xác định cụ thể hạng mục đầu tư theo từng năm (bắt đầu từ 2023), đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định mở (điều chỉnh thứ tự, số lượng di tích từng loại hình nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư tu bổ di tích hàng năm) để tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện. 

Về định mức hỗ trợ đầu tư, thống nhất việc đề xuất tăng hơn so với giai đoạn 2016-2021 để bù đắp trượt giá, phù hợp thực tế các địa phương đã triển khai, đại biểu đề nghị cần được quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo nghị quyết theo từng loại hình, hạng mục và xác định rõ đây là định mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách tỉnh; trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư cao hơn thì bổ sung từ kinh phí địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Từ thực tế quá trình triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích giai đoạn 2016-2021 khi một số di tích chưa được quan tâm đúng mức việc xác lập hồ sơ pháp lý về đất đai dẫn đến trở ngại khi triển khai đầu tư tu tổ, tôn tạo. Hay việc một số di tích sau đầu tư, tu bổ chưa chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thiếu các hoạt động gắn kết con người với di tích, ít quan tâm bảo dưỡng nên nhanh chóng bị xuống cấp trở lại, … đại biểu kiến nghị chính quyền các địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn. Cạnh đó, HĐND tỉnh có định hướng, chủ trương hỗ trợ kinh phí thực hiện đo đạc, xác lập hồ sơ pháp lý về đất đai, kinh phí thực hiện các hoạt động thường xuyên tại di tích để phát huy giá trị các di tích sau đầu tư, tu bổ./.

Tác giả: Thanh Thanh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website