Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

HĐND / Hoạt động giám sát HĐND

A+ | A | A-

Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Phước Sơn

Người đăng: Administrator Account Lượt xem: 8144

Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh và Kế hoạch số 23/KH-HĐND của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, vào chiều ngày 7/5/2024, Phó Chủ tịch HĐBND tỉnh Nguyễn Công Thanh đã chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Phước Sơn về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2023/NQHĐND ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025 và Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các Ủy viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh. 


Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND huyện Phước Sơn, giai đoạn 2023 - 2025, tổng số nhà ở dự kiến hỗ trợ là 1.799 nhà (xây mới 903 nhà và sửa chữa 896 nhà) với kinh phí khoảng 81 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng: 270 nhà với kinh phí 11.880 triệu đồng, đạt 99,8 % kế hoạch (xây mới: 126 nhà, sửa chữa: 144 nhà, chưa triển khai thực hiện: 01 nhà sửa chữa (xã Phước Hiệp). Theo kế hoạch, năm 2024 hỗ trợ 400 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (xây mới 186 nhà, sửa chữa 214 nhà) với kinh phí hơn 17,5 tỷ đồng. Số hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở là 16 nhà sửa chữa với kinh phí 480 triệu đồng.

Đoàn khảo sát tại xã Phước Xuân

Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, sau khi được tỉnh cấp trồng di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh. UBND huyện Phước Sơn đã giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn trồng 500 cây, trong đó 453 cây sống, phát triển; giao 4 hộ dân ở xã Phước Lộc trồng 500 cây, tỷ lệ sống đạt hơn 50%. Từ năm 2022 đến nay, người dân cũng tự mua trồng 1.380 cây sâm Ngọc Linh và đang phát triển tốt. Đối với cây dược liệu khác, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn quản lý 7,5ha các loại cây dược liệu tại xã Phước Kim và lập chủ trương đầu tư khu bảo tồn, phát triển cây ba kích với diện tích 500ha tại xã này. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Phước Sơn quản lý 2ha đẳng sâm tại xã Phước Lộc; đồng thời, thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu xen cây ăn quả với diện tích 6,5ha tại khu 48 (xã Phước Chánh) gồm cây ba kích, sâm bố chính, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Ngoài ra, UBND xã Phước Năng xây dựng phương án trồng cây ba kích theo nhóm hộ, gồm 19 hộ đăng ký trồng 5,75ha. Phương án đã được phê duyệt song chưa triển khai do chưa có kinh phí.

Đoàn khảo sát tại vườn dược liệu xã Phước Kim

Liên quan nội dung hỗ trợ nhà ở, đại diện UBND huyện Phước Sơn kiến nghị với Trung ương, tỉnh bổ sung nguồn vốn, chỉ tiêu thực hiện hằng năm để địa phương thực hiện đảm bảo đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu theo đề án đã được phê duyệt. Đồng thời thông báo chỉ tiêu và nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở các năm tiếp theo để địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo theo yêu cầu đề ra; phê duyệt bổ sung số hộ nghèo, cận nghèo phát sinh ngoài Đề án đã được phê duyệt (122 hộ); phân bổ kinh phí thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND năm 2024…

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND, địa phương kiến nghị cần xem xét điều chỉnh một số nội dung như: ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% giá mua cây giống; bổ sung chi phí quản lý dự án để khảo sát, lập phương án, chi phí đầu thầu, đấu giá theo quy định; bổ sung cơ chế hỗ trợ giống dược liệu cho Hợp tác xã…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh biểu dương và đánh giá cao sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền huyện Phước Sơn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 và Nghị quyết của 09 của HĐND tỉnh, đồng thời, yêu cầu, thời gian tới huyện Phước Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về thực hiện các nghị quyết nói trên. Tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp của toàn hệ thống chính trị để lồng ghép các chương trình phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chương trình đạt hiệu quả. Thực hiện thanh quyết toán đảm bảo đúng quy trình quy định. 

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cũng cần có cơ chế ghi nhận và biểu dương khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xóa nhà tạm; chú trọng quá trình rà soát, phê duyệt danh sách hỗ trợ, kết quả triển khai thực hiện, vấn đề kiểm tra, giám sát, giải ngân kinh phí hỗ trợ, những mặt làm được cũng như các vấn đề còn vướng mắc, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và có các kiến nghị, đề xuất với Trung ương, với tỉnh để các gia đình có chỗ ở ổn định, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Tác giả: Thị Hạnh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website