Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

HĐND / Chương trình hoạt động HĐND

A+ | A | A-

Cần thống nhất trong áp dụng quy định về người hoạt động không chuyên trách

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 16:23 | 06/11 Lượt xem: 57183

Triển khai thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP là một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp. Tuy nhiên với những quy định mới về số lượng, chế độ chính sách có phần ngặt nghèo hơn, dự báo sẽ có những tác động không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Một chính sách hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tế, có tác động tích cực với đối tượng điều chỉnh là một yêu cầu đối với các chủ thể tham gia xây dựng chính sách.

Người hoạt động không chuyên trách gồm những ai?

          Quy định cụ thể về chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (viết tắt NHĐKCT) là một nội dung thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, hệ thống lại các quy định và tham khảo nghị quyết của nhiều tỉnh thì chưa thống nhất câu trả lời về vấn đề “Người hoạt động không chuyên trách gồm những ai?”. Công an viên thường trực cấp xã (nơi chưa bố trí công an chính quy) theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 12/2010/TT-BCA của Bộ Công an về hướng đẫn thực hiện Nghị định 73/2009/NĐ-CP thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Bên cạnh đó, theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành, đối với nơi có bố trí công an chính quy còn có thêm Ban bảo vệ dân phố, thành viên Ban bảo vệ dân phố được chi trả phụ cấp hằng tháng, mức phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quyết định. Hiện nay, một số tỉnh đã quy định chức danh NHĐKCT cấp xã bao gồm cả công an viên cấp xã và Trưởng ban, Phó trưởng Ban bảo vệ dân phố. Tuy nhiên, cũng có tỉnh không quy định chức danh NHĐKCT đối với các đối tượng này và như vậy tổng số NHĐKCT trên thực tế sẽ lớn hơn định mức theo loại xã như quy định tại Nghị định 34.

 

Chức danh cụ thể ở mỗi địa phương sẽ không giống nhau nhưng tuân thủ đầy đủ và thống nhất áp dụng các quy định hiện hành của Trung ương để quy định cụ thể chức danh là yêu cầu chung. Do vậy, để thuận lợi trong việc thực hiện Nghị định 34 và các quy định khác liên quan bố trí cán bộ cơ sở trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy, thiết nghĩ các cơ quan trung ương cần sớm có hướng dẫn hoặc sửa đổi quy định theo hướng nêu rõ “chức danh NHĐKCT ở cấp xã bao gồm các chức danh được bố trí theo quy định pháp luật chuyên ngành”.

Áp dụng quy định về khoán phụ cấp

Thực hiện chủ trương tinh gọn biên chế, tổ chức, bộ máy không nằm ngoài mục đích giảm số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước từ đó tạo điều kiện, nguồn lực cải cách chính sách tiền lương. Nếu so sánh quy định số lượng người NHĐKCT tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, quy định về mức khoán quỹ phụ cấp tại Nghị định 29/2013/NĐ-CP thì các quy định tại Nghị định 34/2019 đã giảm cả về số người và mức khoán chi trả phụ cấp.

Cụ thể, nếu áp dụng các quy định trước đây, với xã loại 1 được bố trí tối đa 22 người tương ứng 22 chức danh, mỗi chức danh sẽ được phụ cấp hằng tháng 1,0; trường hợp 01 người kiêm nhiệm 02 chức danh thì tổng phụ cấp 1,5 mức lương cơ sở; ngoài ra còn được hỗ trợ đóng BHXH, BHYT. Cũng là xã loại 1 nhưng nay chỉ được bố trí tối đa 14 người, tổng mức khoán chi trả phụ cấp và cả BHYT, BHXH là 16 lần mức lương cơ sở, tính bình quân mỗi chức danh chưa được 1,15 mức lương cơ sở, nếu trừ đi số nộp BHXH, BHYT thì mức thực nhận khoản 0,95 mức lương cơ sở. Như vậy, trong bối cảnh thực hiện yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, vừa giảm số người vừa giảm về mức khoán phụ cấp thì có hợp lý?.

Vấn đề khác cũng cần được xem xét, đó là sự phù hợp, đồng bộ về phụ cấp NHĐKCT ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố (gọi chung là thôn). Theo Nghị định 34, mỗi thôn có 03 chức danh NHĐKCT được hưởng phụ cấp với mức khoán đối với thôn trên 350 hộ là 5,0 mức lương cơ sở, tính bình quân mỗi chức danh 1,66 mức lương cơ sở, trường hợp 01 người kiêm nhiệm 02 chức danh thì có thể hưởng phụ cấp gần 2,5 mức lương cơ sở; so với cấp xã như cách tính bình quân trên thì khoảng cách khá xa.

Thực tế, việc quy định cụ thể về mức phụ cấp đối với NHĐKCT tại nhiều địa phương có sự khác nhau khá rõ. Bên cạnh các tỉnh quy định mức phụ cấp chức danh không vượt tổng mức khoán theo loại xã thì vẫn có những tỉnh quy định theo hướng ngoài mức khoán từ ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh vẫn hỗ trợ thêm 01 khoản nhất định để tăng mức phụ cấp đối với NHĐKCT cấp xã. Sự không thống nhất nêu trên, một phần xuất phát từ cách hiểu việc thực hiện khoán quỹ phụ cấp. Có quan điểm cho rằng, đã là khoán thì chỉ quy định trong khung, tổng mức phụ cấp các chức danh không được vượt mức khoán theo từng loại xã. Quan điểm ngược lại cho rằng, mức khoán nêu trên là cơ sở để  ngân sách trung ương bố trí kinh phí thực hiện, địa phương có thể thực hiện thẩm quyền theo khoản 3 Điều 21 Nghị định 163/2016/NĐ-CP[1] để quyết định tăng mức phụ cấp đối với NHĐKCT cấp xã; mặt khác, Nghị định 34 cũng đã nêu rõ việc quyết định mức phụ cấp NHĐKCT căn cứ vào các yếu tố: (i) mức khoán quỹ phụ cấp, (ii) đặc thù của từng cấp xã, (iii) tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và (iiii) nguồn kinh phí chi cho cải cách chính sách tiền lương.

Các vấn đề nêu trên cần sớm được hướng dẫn, giải thích, tạo thuận lợi các địa phương trong ban hành quy định đảm bảo các yêu cầu: hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình thực tế, có tác động tích cực với đối tượng điều chỉnh.



[1] Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Tác giả: Thanh Hiền

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: