Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân Quảng Nam trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước ộng hòa XHCN Việt Nam tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X.
Thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh và Quý vị khách mời,
Thưa toàn thể cử tri và Nhân dân tỉnh Quảng Nam,
Tôi rất vui mừng và vinh dự khi về dự kỳ họp thứ chín - kỳ họp định kỳ giữa năm 2022 của HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, cùng toàn thể quý vị luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công; chúc kỳ họp thành công tốt đẹp.
Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
Đây là kỳ họp quan trọng để đánh giá những thành tựu đạt được 6 tháng đầu năm, nhìn nhận những khó khăn, thách thức để có giải pháp hoàn thành toàn diện mọi mặt các mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và hội đồng nhân dân tỉnh đặt ra cho năm 2022.
Qua theo dõi và qua các báo cáo trình HĐND tại kỳ họp, đặc biệt là phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho thấy 6 tháng đầu năm tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm khá cả nước; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp đi vào thực chất; GRDP tăng 12,8% đứng thứ 4 của cả nước, thứ 2 trong vùng Bắc trung bộ và duyên hải Miền trung, cao nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm Miền trung; tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng duy trì phát triển, phục hồi mạnh mẽ; khu vực dịch vụ phục hồi, khách du lịch tăng cao; thu ngân sách đạt 79% dự toán và tăng 43% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 53% so với cùng kỳ; chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo tiếp tục đạt kết quả nhất định; văn hóa, giáo dục, công tác an sinh xã hội, y tế, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quan tâm; công tác nội chính, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường; Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Nam triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh Khóa X. Ảnh: ĐT
Kết quả nổi bật nêu trên có đóng góp tích cực, rất quan trọng của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh đã cùng với Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN và các cơ quan, đơn vị liên quan nỗ lực phấn đấu, có nhiều đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. HĐND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, trong đó có những chính sách phạm vi rộng, nhiều đối tượng thụ hưởng, tác động lớn đến phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; tạo nên những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Thưa các quý vị đại biểu,
Thành tựu 6 tháng đầu năm 2022 là cơ bản, nhưng cũng còn những bất cập, khó khăn, thách thức các đồng chí đã nêu trong các báo cáo như khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại – dịch vụ dư địa còn lớn nhưng tăng trưởng chưa đạt mục tiêu; nguồn thu trong trung hạn, nhất là nguồn thu từ đất còn nhiều rủi ro, giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quy hoạch nhất là lập quy hoạch tỉnh còn chậm; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương… Đời sống của đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, hậu quả thiên tai còn phải khắc phục trong nhiều năm.
Tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát, suy giảm kinh tế tiềm ẩn ở nhiều nền kinh tế lớn; bối cảnh trong nước có nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước nhưng giá cả hàng hóa, vật tư chiến lược, xăng, dầu, phân bón và nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tăng cao, tăng trưởng, lạm phát, thu, chi ngân sách, bội chi, nợ công còn nhiều rủi ro, thách thức. Đây là bối cảnh cần quan tâm để có quyết sách đúng đắn, phát triển tỉnh Quảng Nam bền vững.
Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Tôi tán thành với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2022 đã nêu trong các báo cáo và đề nghị HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, kiểm soát tốt dịch Covid-19 để tạo tiền đề cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII để cụ thể hóa vào Nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm sát với thực tiễn, dễ thực hiện, dễ kiểm tra giám sát, thực hiện tốt, vượt mức các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2022, khẳng định hơn nữa vai trò của HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Hai là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các công trình trọng điểm; khẳng định và phát huy vai trò trụ cột của khu vực công nghiệp – xây dựng trong tăng trưởng kinh tế; triển khai hiệu quả Chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Nam; tiếp tục phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu; triển khai kịp thời, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương hoàn thành các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; tập trung nguồn lực để khắc phục dứt điểm hậu quả thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên, môi trường, khoáng sản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, tăng tỷ trọng nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí.
Ba là, các cấp, các ngành cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn trong thực hiện cải cách hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả, thiết thực; nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Bốn là, HĐND cần phát huy vai trò của Đảng đoàn HĐND trong việc chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất với cấp ủy cho ý kiến về định hướng chương trình hoạt động của HĐND của cả nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhất là chương trình ban hành nghị quyết của HĐND nhằm tạo sự chủ động “từ sớm, từ xa” thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định lâu dài, giải quyết tốt các vấn đề cần thiết, cấp bách và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đòi hỏi của cuộc sống.
Năm là, Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sớ