Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin tuyên truyền trung ương, địa phương

A+ | A | A-

Khắc phục căn cơ những tồn tại trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Người đăng: dangtin Lượt xem: 9274

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để thống nhất cả về nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, tạo chuyển biến thực sự, khắc phục căn cơ những tồn tại, vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực thi pháp luật, bởi như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, luật ban hành tốt đến mấy mà tổ chức thực thi không nghiêm thì sao có thể kiến tạo sự phát triển.

Thống nhất nhận thức và cách thức thực hiện 

Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. 

Khẳng định sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc tổ chức thực thi pháp luật nói chung và ban hành VBQPPL nói riêng thời gian qua còn nhiều tồn tại. Đơn cử như: tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, tuy có tiến bộ nhưng vẫn là khâu yếu. Tình trạng nghị định hướng dẫn thi hành luật nhưng lại quy định cả những nội dung không được luật giao hoặc quy định vượt ra khỏi khuôn khổ của luật, thậm chí sai với tinh thần của luật vẫn còn.

Bên cạnh đó, vẫn có những văn bản không phải là VBQPPL nhưng lại điều chỉnh như VBQPPL. Tình trạng cơ quan quản lý nhà nước ban hành công văn để điều chỉnh các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật cũng còn khá nhiều. Hay thông tư của các bộ nhưng lại đặt ra những nội dung ngoài luật, “đẻ” ra các thủ tục hành chính dù việc này đã bị cấm, một số thông tư của ngành này làm khó cho các ngành khác...

"Vừa qua, lĩnh vực đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế khiến dư luận xã hội bức xúc nhưng khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), chúng tôi đề nghị chỉ rõ Luật Đấu thầu hiện hành cản trở hoạt động đấu thầu nói chung và đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế ở điều khoản nào thì cơ quan soạn thảo cũng không chỉ ra được cụ thể. Thực tế có phải vướng do luật, hay nghị định đâu mà nằm ở thông tư”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ. 

Từ thực tiễn giám sát ban hành VBQPPL của Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục hiệu quả qua nhiều năm, trong đó, phải kể đến tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật. Tình trạng này đối với các luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách chưa được cải thiện, thậm chí có nội dung đã chậm nhiều năm, như Luật Cạnh tranh năm 2018 giao “Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia" nhưng đến nay nghị định về vấn đề này vẫn chưa có. 

Đúng là tình trạng chậm, nợ văn bản hướng dẫn thi hành các luật vẫn chưa được khắc phục nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, đây mới chỉ là một phần. Đáng lưu ý hơn là tình trạng ban hành sai thẩm quyền hoặc ban hành sai phải hủy bỏ nhưng việc xử lý lại chưa nghiêm, chưa kịp thời. "Dường như chúng ta còn coi nhẹ việc này. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội không đồng tình việc này vì những vi phạm trong lĩnh vực này vừa gây cản trở, ách tắc, vừa gây lãng phí, thất thoát và thậm chí là cả tiêu cực, tham nhũng. Chúng ta phát hiện đã chậm rồi, nhưng xử lý cũng không nghiêm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Cùng với trách nhiệm của các cơ quan tổ chức thi hành pháp luật, để xảy ra thực trạng nêu trên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ có trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội với vai trò là cơ quan giám sát và trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội hướng dẫn điều phối hoạt động các cơ quan của Quốc hội.

"Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định ban hành Nghị quyết số 560 để hướng dẫn hoạt động giám sát VBQPPL của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Chúng ta phải thống nhất cả về nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện giám sát VBQPPL. Cơ quan giám sát cũng phải chịu trách nhiệm nếu không làm tốt nhiệm vụ giám sát. Phải thống nhất nhận thức như thế vì sự phát triển của đất nước. Luật pháp phải kiến tạo sự phát triển, nhưng luật ban hành tốt đến mấy mà tổ chức thực thi không nghiêm thì làm sao kiến tạo phát triển được?”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Tăng tính nghiêm minh, hiệu lực thực hiện kiến nghị, kết luận sau giám sát

Tại Nghị quyết số 560, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục giám sát, thời gian, cách thức tiến hành giám sát VBQPPL, làm cơ sở cho việc tiến hành giám sát bài bản, thường xuyên, thống nhất ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL và thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết cũng như phát hiện kịp thời các văn bản có nội dung trái Hiến pháp, pháp luật; đưa công tác giám sát VBQPPL đi vào nền nếp.

Để thực hiện nghiêm Nghị quyết số 560, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát VBQPPL trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện kế hoạch giám sát VBQPPL năm 2022 cho đến hết ngày 31.12.2022 để tổng hợp kết quả giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 560; xây dựng chương trình giám sát hàng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua Tổng Thư ký Quốc hội và tổ chức thực hiện việc báo cáo kết quả giám sát VBQPPL hàng năm (từ ngày 1.1 đến hết ngày 31.12), bắt đầu từ năm 2023. 

Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm trách nhiệm được quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 560. Cùng với đó, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong ban hành VBQPPL; nâng cao chất lượng xây dựng dự án luật, pháp lệnh, nhất là việc chuẩn bị văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo hồ sơ dự án; chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL và gửi đầy đủ các văn bản tới các cơ quan phụ trách giám sát theo đúng quy định. Tăng cường công tác rà soát, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có sai phạm.

Chia sẻ kinh nghiệm của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, thời gian qua, một Nhóm nghiên cứu trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đã được phân công làm đầu mối tổ chức hoạt động giám sát VBQPPL, có trách nhiệm theo dõi, lập danh mục các văn bản thuộc lĩnh vực do Ủy ban phụ trách theo Công báo của Chính phủ định kỳ hàng tháng làm cơ sở để gửi các Nhóm trong Thường trực Ủy ban theo dõi, rà soát các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách của từng Nhóm, bảo đảm việc giám sát đầy đủ, không bỏ sót văn bản thuộc phạm vi phụ trách của Ủy ban Pháp luật.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu đề cao vai trò của Thường trực các cơ quan của Quốc hội trong việc giúp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát VBQPPL; thực hiện đầy đủ, chặt chẽ quy trình xử lý VBQPPL ban hành chậm, trái pháp luật; tăng cường hiệu quả xử lý kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức hoặc thông qua các phương tiện truyền thông về văn bản có nội dung trái pháp luật trong thời gian tới theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 560. 

Cùng với đó, phải bảo đảm kết quả giám sát được tổng hợp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu giám sát và được công khai theo quy định. Đây cũng là một nội dung quan trọng đã được thể hiện tại Điều 5 và Điều 17 của Nghị quyết số 560. Các cơ quan của Quốc hội chủ động, kịp thời đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát VBQPPL và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát.

"Nghị quyết số 560 đã bước đầu đi vào cuộc sống, được các cơ quan rất hưởng ứng, nhưng để có kết quả cao hơn nữa, đóng góp vào những đổi mới chung của Quốc hội thì còn rất nhiều việc phải làm”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, thời gian tới, cần tăng cường công tác phối hợp ngay trong từng cơ quan của Quốc hội, tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban với nhau và phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan ngoài Quốc hội, giữa cơ quan giám sát và đối tượng chịu sự giám sát.

Với việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Nghị quyết số 560, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng, hoạt động giám sát VBQPPL sẽ chuyển biến mạnh trong thời gian tới, góp phần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao vai trò của Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. "Đây cũng là nền tảng, yêu cầu bắt buộc để hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần thiết thực tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Tác giả: Quỳnh Chi

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website