Khai mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6
Người đăng:
dangtin
Ngày đăng:
15:20 | 06/11
Lượt xem:
73
Khai mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6: TÁI GIÁM SÁT CÁC VẤN ĐỀ ĐÃ GIÁM SÁT, CHẤT VẤN
Sáng ngày 6.11, Quốc hội khai mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ nội dung chương trình kỳ họp thứ 6, phiên họp được tổ chức trong thời gian 2,5 ngày (từ ngày 6.11 đến hết buổi sáng ngày 8.11). Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn. Nội dung chất vấn lần này tương đối rộng, liên quan đến khoản 10 Nghị quyết, 21 lĩnh vực và được chia thành 4 nhóm: (1) kinh tế tổng hợp, (2) kinh tế ngành, (3) nội chính và tư pháp, (4) văn hóa – xã hội. Tất cả các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Tổng kiểm toán Nhà nước sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội và Nhân dân.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình chất vấn tại kỳ họp thứ 5
Theo thống kê trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XV, đã có 923 lượt đại biểu tham gia chất vấn tại 04 kỳ họp Quốc hội và 04 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này cho thấy, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến các hoạt động chất vấn; nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, bức xúc về kinh tế - xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra, trong đó, đã kịp thời điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt và cả những vấn đề có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài, tiếp tục kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật; nhờ vậy, nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực, góp phần vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cũng thông qua hoạt động chất vấn, nhiều vị Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội giải trình minh bạch các thể chế, chính sách, nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, không ngừng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc khắc phục hạn chế, tồn tại. Cũng trong phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định “chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.”
Tại nhiều phiên chất vấn trước đây, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng rất tích cực, thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề mà cử tri và Nhân dân tỉnh nhà bức xúc thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành trung ương. Bên cạnh nhiều vụ việc được ghi nhận, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có sự chuyển biến tích cực thì vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, cử tri chưa hài lòng và tiếp tục bức xúc như: tình trạng “quy hoạch treo” Làng Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hơn 26 năm chưa được triển khai, giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, làm ảnh hưởng rất lớn quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch. Trong khi đó, tại Nghị quyết số 61/2022/QH-15 ngày 16/6/2022 về công tác quy hoạch, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện ngay một số nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc “khắc phục căn bản tình trạng các dự án treo do quy hoạch có nguyên nhân chủ quan; xử lý các tồn tại, bất cập do ảnh hưởng của quy hoạch treo, bảo đảm các quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài”. Tuy nhiên, đến nay, dự án Làng Đại học Đà Nẵng – phần nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có chuyển biến, người dân vẫn chật vật với cuộc sống trong vùng quy hoạch treo. Hay như tình trạng tai nạn giao thông vẫn xảy ra thường xuyên, gây ra nhiều cái chết oan uổng, thương tâm cho người tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn từ huyện Duy Xuyên đến huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) do mặt đường chật hẹp, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, chưa có làn đường dành cho xe thô sơ, xe máy, gây bức xúc trong Nhân dân. Vấn đề này đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khóa XIV và khóa XV kiến nghị nhiều lần đến diễn đàn Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng, mà chỉ nhận được câu trả lời của Bộ là ghi nhận, nghiên cứu phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để báo cáo Chính phủ và Quốc hội xem xét quyết định.
Cử tri và Nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đang rất chờ đợi những chuyển biến sau phiên họp chất vấn tại kỳ họp thứ 6 lần này với mong muốn các Bộ trưởng, trưởng ngành trách nhiệm hơn với “lời hứa” của mình trước Quốc hội và Nhân dân.
Tác giả:
Nho Tuấn
[Trở về]
Các tin mới:
Các tin khác: