Bài 3: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh
Người đăng:
dangtin
Ngày đăng:
8:30 | 08/11
Lượt xem:
54
TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Bài 3: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh
Để Quảng Nam tiếp tục chặng đường phát triển nhanh và bền vững trước hết phải xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh.
Quan điểm và định hướng
Quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết 29 nêu rõ: "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội". Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.
Tỉnh ủy Quảng Nam cũng chỉ đạo các nội dung trọng tâm cần tập trung trong thời gian đến để thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh như sau:
Tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về sự cần thiết, nội dung, yêu cầu, vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, nề nếp, kỷ cương; tập trung các nguồn lực nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đối với giáo dục mầm non: triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên nhân cách của trẻ; tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiến đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.
Đối với giáo dục phổ thông: tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.
Đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp: tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động.
Tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động.
Về giáo dục đại học: tập trung đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.
Bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống.
Nhiệm vụ và giải pháp
Từ quan điểm và định hướng như trên, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo Nghị quyết số 11-NQ/TU.
Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý của chính quyền, sự tham mưu, phối hợp của các ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ hai: Thực hiện quy hoạch phát triển giáo dục đến năm 2030 để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển tỉnh Quảng Nam trong bối cảnh tác động mạnh mẽ, nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập khu vực, quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiếp tục thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học, trung học cơ sở vào học nghề.
Thứ ba: Nghiên cứu xây dựng và thực hiện đề án phát triển các Trường Đại học Quảng Nam, Trường Cao đẳng Quảng Nam, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo, thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên khu vực miền núi; đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các bậc học và đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học cho giáo dục miền núi.
Khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật
Thứ tư: Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện. Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Phân cấp, phát huy vai trò tự chủ của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong quản lý tài chính - ngân sách. Khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục, đào tạo với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên đào tạo nhân lực theo nhu cầu của xã hội, của tỉnh.
Thứ năm: Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với vị trí việc làm, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng giữa các cấp học, giữa các vùng, miền và bố trí đủ số lượng giáo viên các cấp học, cơ sở dạy nghề. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ sáu: Tiếp tục đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục miền núi, giáo dục dân tộc và vùng khó khăn; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách tỉnh, địa phương; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút nguồn lực góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Tác giả:
Nguyễn Nhật Hòa
[Trở về]
Các tin mới:
Các tin khác: