Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Đoàn ĐBQH tỉnh / Hoạt động giám sát

A+ | A | A-

Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 11:28 | 23/02 Lượt xem: 323

Giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung đánh giá các nội dung như việc ban hành chính sách, pháp luật; kết quả thực hiện chương trình; hiệu quả trong thực tế và bài học kinh nghiệm. Từ kết quả giám sát, Đoàn cũng kiến nghị nhiều vấn đề có liên quan, nhất là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Báo cáo giám sát số 26/BC-ĐĐBQH ngày 15/02/2023 đánh giá “Qua 03 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã cho thấy sự phù hợp với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; tạo sự chuyển biến bước đầu, căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục phổ thông; khắc phục tình trạng nặng về truyền thụ kiến thức, chuyển sang phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của người học”. Bên cạnh đó, quy trình kiểm tra, đánh giá dựa trên sự tiến bộ của mỗi học sinh cũng giúp học sinh có thêm động lực để vươn lên, đạt sự tiến bộ trong học tập.

Đánh giá về sách giáo khoa và việc xây dựng tài liệu giáo dục của địa phương, Đoàn giám sát nhận định, sách giáo khoa được trình bày khoa học, thẩm mỹ và tính giáo dục cao. Nội dung bài học/chủ đề trong sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp và có những hoạt động học tập thiết thực, giúp học sinh biết cách định hướng để đạt được các mục tiêu; lượng kiến thức truyền thụ phù hợp với học sinh và gắn với cuộc sống.


Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: X.P

Đánh giá các điều kiện bảo đảm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Báo cáo giám sát cho biết, về đội ngũ nhà giáo mặc dù còn thiếu trên 2.000 giáo viên phổ thông so với quy định nhưng tỉnh đã kịp thời thực hiện nhiều giải pháp linh động, phù hợp với điều kiện thực tế; chú trọng rà soát, đào tạo, tuyển dụng, thực hiện việc hợp đồng lao động đối với giáo viên các môn nghệ thuật cấp THPT để đảm bảo nhân lực.

Về cơ sở vật chất, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo rà soát tổng thể, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại tất cả các cơ sở giáo dục, có phương án điều chỉnh, bố trí, sắp xếp các hạng mục công trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu và bố trí kinh phí sửa chữa, xây mới các phòng học, trang thiết bị giáo dục nhất là các thiết bị công nghệ mới cho các lớp 1, 2, 6 được bố trí cơ bản.

Bám sát yêu cầu, mục đích tổ chức giám sát, Đoàn ĐBQH cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 theo từng chủ thể và nhóm vấn đề.

Đối với các cơ quan trung ương, tuy có thời gian dài chuẩn bị nhưng các điều kiện cần thiết cho chương trình chưa được chuẩn bị đầy đủ và toàn diện. Một số vấn đề chưa được quy định, hướng dẫn kịp thời, các tồn tại, hạn chế chậm được sửa đổi, bổ sung gây khó khăn, lúng túng, làm ảnh hưởng nhất định đến quá trình triển khai. Cụ thể, như bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 không có kinh phí do chậm ban hành văn bản hướng dẫn (đến tháng 02.2022 – sau 03 năm học thực hiện chương trình Bộ Tài chính mới hướng dẫn về nội dung, mức chi lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông).

Bên cạnh đó, do thiếu tính dự báo nên giáo viên các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh, Tin học không đáp ứng đủ nhu cầu; việc chưa có kế hoạch đào tạo chuẩn bị nguồn giáo viên dạy các môn học tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở cấp THCS; các môn tích hợp của lớp 10) cũng khiến các địa phương lúng túng khi vừa thực hiện chương trình mới vừa tổ chức bồi dưỡng giáo viên đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả, chất lượng giảng dạy.

Ở địa phương, khó khăn và hạn chế lớn nhất là đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện chương trình. Mặc dù, từ 2017 đến nay tổ chức tỉnh đã tổ chức 09 đợt tuyển dụng viên chức nhưng số tuyển được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; tình trạng thiếu giáo viên tiểu học, thừa – thiếu cục bộ ở cấp THCS, THPT cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình. Đáng lưu ý, giai đoạn 2020-2022 toàn tỉnh có 200 viên chức ngành giáo dục xin nghỉ việc và có xu lương tăng mạnh ở các năm sau, một phần nguyên nhân do các bất cập về chính sách tiền tương, chế độ đãi ngộ chậm được sửa đổi nên dự báo ngắn hạn sẽ tiếp tục thiếu hụt nhân lực.

Về nguồn lực thực hiện chương trình, thống kê tổng kinh phí thực hiện đến năm 2022 là 918 tỷ đồng; tuy nhiên cơ cấu phân bổ kinh phí tập trung chủ yếu vào xây dựng cơ sở vật chất (702/918 tỷ đồng), nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định. Bên cạnh đó, với quy mô, tính chất là một chương trình chiến lược về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhưng nguồn lực thực hiện chủ yếu phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và mức độ quan tâm đầu tư của từng địa phương là một trong những hạn chế của chương trình .

Từ kết quả giám sát, Đoàn ĐBQH kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành chính sách tiền lương phù hợp cho đội ngũ làm công tác giáo dục; có cơ chế đặc thù để thu hút giáo viên dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các trường đại học sư phạm tuyển sinh, đào tạo giáo viên các môn tổ hợp để khắc phục bất cập về đội ngũ giáo viên; đồng thời căn cứ định mức giáo viên/lớp theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát quy định về định mức giáo viên, thống nhất số lượng, tham mưu Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ giao biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu hiện nay của địa phương.

Đối với Bộ GD&ĐT, qua giám sát Đoàn ĐBQH kiến nghị xây dựng kế hoạch tổng thể trong chỉ đạo, phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh để các trường sư phạm đào tạo, đảm bảo nguồn giáo viên cho những năm học tiếp theo, nhất là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, các môn học mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí cấp THCS). Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn trong việc triển khai thực hiện Chương trình, nhất là các quy định về tài chính (đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên, in ấn tài liệu giáo dục địa phương), đảm bảo thống nhất áp dụng trong toàn quốc, tránh tình trạng xảy ra sai phạm do văn bản quy định không rõ ràng hoặc thiếu hướng dẫn./.

Tác giả: Thành Nhân

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:



Liên kết web

select

Liên kết Website