Nhiều khó khăn trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Duy Xuyên
Người đăng:
dangtin
Ngày đăng:
14:27 | 13/09
Lượt xem:
56
Trong khuôn khổ chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023”, chiều ngày 12/9, Đoàn giám của Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc tại UBND huyện Duy Xuyên. Đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Ông Nguyễn Thế Đức – PCT UBND huyện báo cáo tại buổi làm việc
Tính từ 01/01/2020 đến 30/6/2023, tổng hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên toàn địa bàn huyện Duy Xuyên là 10.426 hồ sơ, đã giải quyết 10.166 hồ sơ đạt tỷ lệ 97,5%; trong đó, hồ sơ đúng hạn theo quy định là 6.643 hồ sơ đạt tỷ lệ 65,35%; 3.523/10.166 hồ sơ trễ hạn, chiếm tỷ lệ 34,65%. Tổng số hồ sơ đang giải quyết là 260 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 2,49%).
Theo báo cáo của UBND huyện, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn. Quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ rất phức tạp, rối rắm lại thường xuyên được bổ sung, sửa đổi với hệ thống văn bản đồ sộ bao gồm luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Hồ sơ địa chính dạng giấy được lập qua các thời kỳ, qua quá trình sử dụng nhiều năm đến nay bị rách nát, hư hỏng nhiều nhưng chưa được số hóa. Quy trình thủ tục hành chính về hồ sơ đất đai trong việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu, công nhận lại diện tích đất ở, cơ sở pháp lý chưa rõ, đòi hỏi thêm thời gian kiểm tra, xác minh và sao lục hồ sơ lưu trữ trước đây (đã bị rách nát, hư hỏng, thất lạc qua nhiều năm). Thời gian thực hiện trích đo địa chính được lồng ghép trong bộ thủ tục hành chính trong khi ranh giới sử dụng hiện trạng đất của người sử dụng đất qua 30 năm có rất nhiều biến động so với ranh giới hiện trạng của hồ sơ được xác lập theo Nghị định số 64/CP, Nghị định số 60/CP dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai và thời gian trả kết quả cho công dân.
Hiện nay, nhiều trường hợp có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng còn vướng mắc trong quy định của pháp luật nên UBND huyện và cơ quan chức năng chưa thể giải quyết cho người dân. Như đối với các hộ dân thuộc diện di dời xói lở, di chuyển đến nơi ở mới và sinh sống, xây dựng nhà ở ổn định nhưng việc cấp giấy không khả thi vì hồ sơ pháp lý không đảm bảo. Hoặc trường hợp người dân được vận động “hoán đổi đất” để thực hiện các công trình công ích; các trường hợp chỉnh lý biến động về thông tin, biến động về diện tích thửa đất mà xảy ra chồng lấn đều chưa thể giải quyết. Trên địa bàn huyện tồn đọng 41 trường hợp người dân được bố trí tái định cư tại xã Duy Hải, Duy Nghĩa nhưng không thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do còn vướng mắc về nghĩa vụ tài chính; điều đáng nói là tiền sử dụng đất đã được người dân thực hiện đầy đủ, đảm bảo.
Một góc khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana tại xã Duy Hải huyện Duy Xuyên
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Duy Xuyên đều bày tỏ sự lo lắng về công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện bởi lĩnh vực này còn rất nhiều thách thức. Trong khi Duy Xuyên là một trong những địa bàn trọng điểm về đất đai, các điều kiện về con người, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý đất đai nói chung trong đó có công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất hạn chế.
Phòng TN&MT huyện Duy Xuyên hiện có 08 công chức theo dõi thực hiện chuyên môn về đất đai; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện chỉ có 13 viên chức, người lao động (chia làm 02 bộ phận: bộ phận đăng ký 09 người và bộ phận giấy 04 người); tại 13 xã, thị trấn có ít nhất 01 công chức địa chính – xây dựng theo dõi quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản. Hệ thống cung ứng cho dịch vụ trực tuyến chưa ổn định, phần mềm thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chưa tốt. Diện tích kho lưu trữ còn chật hẹp, chưa đảm bảo quy định.
Công tác phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai với Phòng TNMT huyện và địa chính cấp xã chưa thật sự thông suốt, nhịp nhàng. Nhiều vấn đề, thủ tục còn băn khoăn về thẩm quyền và chưa tìm được tiếng nói chung nên phải chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh vai trò của UBND huyện trong việc tổ chức điều hòa, phối hợp hoạt động giữa Phòng TNMT với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và địa chính cấp xã trong việc thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Trưởng Đoàn Giám sát lưu ý địa phương cần phân loại từng vướng mắc cụ thể để đưa ra giải pháp tháo gỡ cho người dân, với những trường hợp vượt quá thẩm quyền của huyện, của tỉnh, Sở TNMT cần chủ động rà soát, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh để kịp thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành trung ương giải quyết.
Tác giả:
Văn Phong
[Trở về]
Các tin mới:
Các tin khác: