Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

HĐND / Thông tin kỳ họp

A+ | A | A-

Quyết định nhiều biện pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân

Người đăng: Administrator Account Lượt xem: 42

HĐND tỉnh vừa tổ chức thành công kỳ họp thứ 26 (kỳ họp chuyên đề), thông qua 17 nghị quyết (có 07 nghị quyết quy phạm pháp luật), ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó còn quyết định nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch.
   
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là nguồn vốn đầu tư công

Một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt của tỉnh hiện nay là đấy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu từ công. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Nam là hơn 8.884,4 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư công năm 2024 là 7.056,8 tỷ đồng và vốn kéo dài năm 2023 gần 1.827,6 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch vốn năm 2024 đã phân bổ chi tiết cho các ngành và địa phương là 6.612,9 tỷ đồng, đạt 94%; kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 443,9 tỷ đồng. 

Từ đầu năm đến nay, công tác chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm được quyết liệt triển khai. Riêng trong tháng 8/2024, UBND tỉnh đã thành lập 05 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm tại huyện Núi Thành.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến hết ngày 31/8/2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) mới bằng 36,48% kế hoạch, ngay cả vốn 2023 cũng chỉ mới giải ngân được 40,30% kế hoạch. 

Nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thi công, giải ngân chậm tiến độ

Trước tình hình đó, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát, tổng hợp các dự án chậm giải ngân để trình HĐND tỉnh quyết định điều chuyển sang dự án có tiến độ giải ngân tốt nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Căn cứ tình hình giải ngân, nhu cầu vốn của một số nhiệm vụ, nghị quyết, dự án, tình hình nguồn thu tiền sử dụng đất…HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2024 với số tiền hơn 133 tỉ đồng và bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với số tiền hơn 1.507 tỉ đồng, 
 
Cùng với  nguồn vốn đầu tư, HĐND tỉnh cũng quyết định điều chỉnh kinh phí sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, điều chỉnh giảm hơn 8,2 tỉ đồng đã phân bổ cho huyện Duy Xuyên và tăng 29,67 tỉ đồng cho các huyện thực hiện các Dự án; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới: điều chỉnh giảm gần 540 triệu đồng đã phân bổ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung cho huyện Tiên Phước và điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư ngân sách tỉnh năm 2024 trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ địa phương không có khả năng giải ngân hết nguồn kinh phí được giao sang địa phương khác có nhu cầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Bên cạnh đó, HĐND cũng đã quyết định điều chỉnh dự toán Ngân sách nhà nước năm 2024 để bố trí triển khai các nhiệm vụ phát sinh theo chủ trương của tỉnh. Theo đó, các đơn vị dự toán cấp tỉnh đã triển khai phân bổ dự toán ngân sách và tổ chức thực hiện dự toán theo đúng quy định; tuy nhiên, đến nay một số sở, ngành phát sinh nhiều nhiệm vụ mới, cần thiết phải bố trí thêm nguồn kinh phí tương ứng để triển khai thực hiện. Do vây, đã điều chỉnh tăng dự toán ngân sách cấp tỉnh 38,3 tỉ đồng để  đảm bảo nguồn chi hoạt động quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể và các nội dung chi trên lĩnh vực y tế.

Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc giải ngân

Cùng với việc quyết định nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân, HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm của các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc đề xuất danh mục, nội dung các dự án thành phần không phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tiễn tại địa phương; chậm phân bổ, giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ thấp. Các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đúng quy định, đảm bảo giải ngân hết nguồn kinh phí được điều chỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm tham mưu phân bổ nguồn kinh phí còn lại sau điều chỉnh với số tiền hơn 108 tỉ đồng đồng; trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 107 tỉ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 1 tỉ đồng. Tiếp tục rà soát tình hình phân bổ, sử dụng vốn của các chương trình, nghị quyết, dự án từ nguồn thu tiền sử dụng đất, khả năng giải ngân của các dự án sử dụng nguồn vốn khác để tiếp tục báo cáo HĐND tỉnh phù hợp với thực tế. 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 26

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các tiêu chí này là cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị, và cá nhân liên quan đến việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị và dự án khu dân cư nông thôn. Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng yêu cầu trong quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư phải thực hiện công khai, đúng trình tự, thủ tục theo đúng quy định, đảm bảo thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và các quy định pháp luật có liên quan; ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo tiêu chí, có năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website