Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Bảo đảm vị trí chính trị và độc lập trong hoạt động

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 10:40 | 04/07 Lượt xem: 11676

Đại biểu HĐND ở đâu khi xảy ra các vụ việc sai phạm ở cơ sở?

Bài 4: Bảo đảm vị trí chính trị và độc lập trong hoạt động

Hoạt động giám sát của HĐND vẫn còn nhiều khó khăn và lúng túng, nhất là quy trình kiến nghị giải quyết vấn đề vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng né tránh khi đứng trước sự lựa chọn thực hiện quyền lực Nhân dân. Để cơ quan dân cử ở địa phương khẳng định vai trò, vị thế của mình, ngoài có vị trí chính trị tương xứng thì độc lập trong hoạt động chính là “chìa khóa”.

Bảo đảm vị trí chính trị tương xứng

Trước hết là về người đứng đầu cơ quan dân cử. Thực hiện Bí thư cấp ủy làm Chủ tịch HĐND, những nơi không đủ điều kiện thực hiện thì cơ cấu Phó Bí thư Thường trực cấp ủy làm Chủ tịch HĐND. Có như vậy mới bảo đảm vị thế quan trọng của cơ quan dân cử khi người đứng đầu là lãnh đạo cao nhất của cấp ủy Đảng ở địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam giám sát tại địa phương

“Thực hiện Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao vị thế cũng như hiệu quả hoạt động của HĐND, nhất là những vấn đề HĐND đặt ra qua giám sát được chỉ đạo giải quyết đến nơi, đến chốn” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực nhấn mạnh. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn: Địa phương nào được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, xuyên suốt, có sự động viên, ủng hộ của cấp ủy thì hoạt động của cơ quan dân cử rất nổi trội và hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong một số hoạt động của đại biểu, cơ quan dân cử còn hình thức, ngoài do nặng về cơ cấu, thiếu các cơ chế cụ thể thì gốc của vấn đề đó chính là cấp ủy một số nơi vẫn đang can thiệp không đúng vào hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (thường ở cấp huyện và xã). Các nội dung trước khi trình HĐND đều phải qua Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành cấp ủy họp, quyết định và cho ý kiến cụ thể. Sau đó, HĐND mới họp. Từ cơ chế này dẫn đến trong thực tiễn, có những nơi, những nội dung nguyện vọng của cử tri và Nhân dân chưa được thể hiện sâu sắc, đầy đủ trong các quyết định của cấp ủy. Muốn thể hiện bản lĩnh nhưng đại đa số đại biểu là đảng viên, quyết định theo đa số nên một số ý kiến tâm huyết, có phân tích cơ sở pháp lý, thực tiễn rõ ràng mà cấp ủy không xem xét thì cũng… đành chịu?!

Đó là lý do tại sao nên cơ cấu Chủ tịch HĐND là Bí thư cấp ủy cùng cấp. Nếu người đứng đầu cấp ủy đồng thời đứng đầu HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước sẽ mạnh hơn - đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, để Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND thực hiện tròn vai thì giải pháp ở đây là Chủ tịch HĐND phải dành thời gian, tâm lực cho hoạt động của HĐND và phân định rõ vai trò, chức năng lãnh đạo trên cương vị Bí thư cấp ủy và Chủ tịch HĐND. Đối với Phó Chủ tịch HĐND và Trưởng các ban của HĐND cùng cấp, cần xem xét có vị trí chính trị tương xứng. Trong đó, có việc cơ cấu Trưởng ban HĐND chuyên trách là ủy viên Ban chấp hành.

Tại các Hội nghị Tổng kết hoạt động của HĐND năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cũng như các hội nghị giao ban khu vực 6 tháng đầu năm 2022, nhiều địa phương đã kiến nghị việc quan tâm cơ cấu Trưởng ban của HĐND chuyên trách tham gia cấp ủy để tạo thuận lợi cho các hoạt động của ban, nhất là khi giám sát. Theo nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng: Cần quán triệt sâu sắc hơn nữa bản chất nhà nước của dân, do dân để luôn quan tâm kiện toàn củng cố bộ máy làm việc trong cơ quan dân cử phải thực sự có tâm, có tầm, chuyên trách, chuyên nghiệp, trong đó có các ban của HĐND. Trên thực tế, lực lượng cán bộ Trưởng, Phó trưởng ban chuyên trách trở lên chính là “bộ tham mưu” chiến lược cần có đủ và dành toàn bộ thời gian, tâm sức cũng như vị thế chính trị tương xứng để nâng cao vai trò, vị thế các ban của HĐND.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực cũng cho rằng: Trưởng ban HĐND chuyên trách được quan tâm cơ cấu tham gia cấp ủy sẽ có cả vị trí chính trị và chuyên tâm cho hoạt động dân cử. Đây là vấn đề cần chuẩn bị dài hơi cho công tác bầu cử nhiệm kỳ tới. Để bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất cũng như cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương cần có sự chỉ đạo về việc cơ cấu trong cấp ủy của địa phương phải dành tỷ lệ bao nhiêu phần trăm vị trí trong cấp ủy cho HĐND, trong đó phải 2 - 3 lãnh đạo ban HĐND chuyên trách có vị trí trong cấp ủy.

Không thể có tư tưởng ai làm không tốt mới… đưa về HĐND

Cùng với bảo đảm vị trí chính trị tương xứng, vần đề “mấu chốt” nữa là phải lựa chọn được những đại biểu HĐND chuyên trách, nhất là trong Thường trực HĐND thực sự tâm huyết, trách nhiệm. Lý giải nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng minh chứng: Như để khắc phục tình trạng cấp ủy can thiệp quá sâu vào hoạt động, HĐND phải tham mưu, báo cáo cụ thể, phải có chính kiến, mạnh dạn thể hiện quan điểm và có cơ sở vững chắc bảo vệ quan điểm đó. Hay câu chuyện quan tâm để Trưởng các ban của HĐND được bố trí tham gia cấp ủy đương nhiên sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho hoạt động của các ban của HĐND. Tuy nhiên, trường hợp chưa bố trí được thì mấu chốt là phải lựa chọn được những đại biểu chuyên trách thực sự tâm huyết, trách nhiệm.

Đồng quan điểm, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh cho rằng: Các cấp ủy đảng phải lãnh đạo tốt công tác lựa chọn nhân sự để giới thiệu bầu làm đại biểu HĐND các cấp, không quá nặng vào cơ cấu và độ tuổi mà phải lựa chọn được đại biểu có năng lực, trình độ, kỹ năng, bản lĩnh và tâm huyết với hoạt động HĐND. Đặc biệt, cần quan tâm bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ chuyên trách. Có thể mở rộng độ tuổi, thành phần để mời các chuyên gia đầu ngành, công dân ưu tú, có tiếng nói và uy tín tại cộng đồng vào cơ quan dân cử, đại diện cho tiếng nói của cử tri và Nhân dân.

Về lâu dài, công tác chuẩn bị, quy hoạch cho các chức danh chuyên trách của HĐND cần được sự quan tâm hơn từ cấp ủy đến Thường trực HĐND đương nhiệm. HĐND hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm, không có bộ máy theo dõi công tác tổ chức, cán bộ riêng mà chỉ phối hợp với cơ quan tham mưu của Đảng đối với Đảng đoàn HĐND hoặc với cơ quan tham mưu của chính quyền đối với Thường trực HĐND nên thường không chủ động, thường xuyên chăm lo việc tổ chức và bố trí, đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch và sử dụng cán bộ, chưa có cơ chế rõ ràng về luân chuyển cán bộ giữa HĐND, UBND, thu hút cán bộ chuyên trách HĐND. Đây là một bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng, thậm chí có trường hợp bố trí những người sắp nghỉ hưu, hoặc không biết sắp xếp vào đâu, hoặc là những người dĩ hòa vi quý, dễ bảo vào cơ quan chuyên trách của HĐND.

Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, nỗ lực của các đại biểu thực sự tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu, nhất là lan tỏa tinh thần đổi mới, quyết tâm hành động, đặt cử tri và Nhân dân vào trung tâm của mọi hoạt động của Quốc hội, HĐND, hoạt động của cơ quan dân cử ngày càng thực quyền và hiệu quả, khẳng định vị thế của một thiết chế quan trọng bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân. “Do đó, tham gia Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban của HĐND phải là những người thực sự có năng lực, bản lĩnh, mạnh dạn thể hiện chính kiến, không thể có tư tưởng ai làm không tốt, không được, không sâu mới… đưa về HĐND - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng nhấn mạnh.

Không phải lệ thuộc vào chủ tài khoản của UBND

Vấn đề nữa để bảo đảm độc lập trong hoạt động là trả lời cho câu hỏi “tiền đâu?”. Đó chính là bảo đảm về mặt tài chính phục vụ hoạt động của cơ quan dân cử. Ở cấp tỉnh, huyện, HĐND được bảo đảm kinh phí hoạt động theo luật định và nghị quyết của HĐND tỉnh về các điều kiện bảo đảm hoạt động cho HĐND các cấp. Tuy nhiên, ở cấp xã độc lập về kinh phí hoạt động đang là vấn đề “khó nói”, bởi mặc dù HĐND thông qua nghị quyết phân bổ ngân sách hằng năm cũng như điều chỉnh việc thực thi nghị quyết theo luật định, thế nhưng trong quá trình thực thi, hoạt động của HĐND lại phụ thuộc vào sự điều hành của UBND mà trực tiếp là chủ tài khoản Chủ tịch UBND cấp xã. (Nghị quyết là về mặt chủ trương, còn để ra kinh phí thì phải có sự xét duyệt của Chủ tịch UBND).

Qua khảo sát cho thấy, một số khoản phục vụ hoạt động đặc thù của cơ quan dân cử như chi cho lấy ý kiến vào văn bản, chế độ họp bình thường, hỗ trợ TXCT, tài liệu sách báo, thẩm tra… hầu như không có nguồn để bố trí do phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương. Khắc phục tình trạng này, ngay từ khi lập dự toán, Thường trực HĐND phải bày tỏ rõ quan điểm về bảo đảm kinh phí cho HĐND, trong đó ưu tiên cho các hoạt động chính phải bảo đảm là giám sát và thẩm tra; ghi rõ trong nghị quyết và quyết định, để HĐND có sự độc lập về mặt tài chính bảo đảm hoạt động, không phải lệ thuộc vào chủ tài khoản của UBND.

Tác giả: PHƯƠNG NGUYÊN - BÌNH NGUYÊN

Nguồn tin: https://daibieunhandan.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website