Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Tăng cường sự gắn kết trong hoạt động cơ quan dân cử các cấp

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 10:41 | 29/07 Lượt xem: 4337

Dự thảo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp” đang được Ban soạn thảo lấy ý kiến Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố theo hình thức tổ chức hội nghị ở 03 khu vực và lấy ý kiến qua văn bản. Một Đề án rất cần thiết nhằm hướng đến giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra và đã ghi nhiều ý kiến góp ý từ thực tế.

Quang cảnh Hội thảo tại thành phố Đà Nẵng

Đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn


Theo Dự thảo Đề án gửi lấy ý kiến các tỉnh, thành phố, Ban soạn thảo cho biết việc xây dựng Đề án được thực hiện từ những cơ sở chính trị, pháp lý quy định tại Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND,.. các Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với hoạt động của HĐND các cấp. Các quy định pháp luật này đã khẳng định trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH trong hướng dẫn và giám sát HĐND.

Về mặt thực tiễn, với vị trí là những thiết chế trung tâm của bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương, hoạt động của Quốc hội, UBTVQH và HĐND các cấp cũng chịu nhiều tác động trực tiếp, gián tiếp trong bối cảnh chung bởi các cơ quan này có vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc quyết định những cơ chế, chính sách và chương trình, dự án phát triển ở cả quy mô quốc gia và từng địa phương. Nếu không có sự tăng cường, hướng dẫn và giám sát kịp thời của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới thì việc phát huy đầy đủ vai trò của cơ quan dân cử mỗi cấp sẽ gặp vướng mắc.

Cả pháp lý và thực tiễn đã khẳng định bảo đảm và tăng cường sự gắn kết giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND các cấp là một nhu cầu thiết yếu, khách quan, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thông qua Đề án này, UBTVQH sẽ xác định được những phương hướng, giải pháp về mặt thể chế và nguồn lực nhằm giúp cho việc chủ động, kịp thời từ sớm, từ xa của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động chung của hệ thống cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương.

Tăng cường sự gắn kết trong hoạt động dân cử

Trên cơ sở đánh giá thực trạng mối quan hệ phối hợp, hướng dẫn của UBTVQH, các cơ quan Quốc hội với HĐND các cấp, Dự thảo Đề án đề ra 08 mục tiêu cụ thể cần đạt được, trong số đó có thể đề cập đến một số mục tiêu quan trọng như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát HĐND các cấp; trong nhiệm kỳ có ít nhất 30% Thường trực HĐND cấp tỉnh tham gia phiên giải trình trước UBTVQH để báo cáo giải trình việc ban hành nghị quyết để thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH; sửa đổi, bổ sung một số luật điều chỉnh tổ chức, hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp,… 

Để thực hiện các mục tiêu này, Đề án cũng xác định 03 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Nhiện vụ đầu tiên là hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn hoạt động và giám sát hoạt động HĐND các cấp; văn bản bảo đảm sự phối hợp chỉ đạo, điều hòa phối hợp của UBTVQH với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH. Theo đó, sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các Nghị quyết, văn bản hướng dẫn của UBTVQH đã ban hành để hình thành một nghị quyết chung, hợp nhất các nội dung cần hướng dẫn, tránh tản mạn như hiện tại. 

Bên cạnh đó sẽ tổ chức thực hiện thí điểm, hướng tới xây dựng nghị quyết của UBTVQH về thực hiện chế độ báo cáo, giải trình của HĐND cấp tỉnh trước UBTVQH; rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động cơ quan dân cử và đại biểu dân cử.

Ngoài ra, Đề án cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp khác như đa dạng hóa các hoạt động nhằm tăng cường sự gắn kết của cơ quan dân cử; đầu tư, phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê/báo cáo bảo đảm sự liên thông, đồng bộ giữa Quốc hội và HĐND các cấp.

Nhiều góp ý cụ thể

Với mong muốn hoàn thiện Đề án đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng thực tiễn và hướng đến giải quyết đúng những vấn đề thực tiễn đặt ra, Ban soạn thảo Đề án đã đa dạng các hình thức lấy ý kiến qua tổ chức hội nghị và góp ý qua văn bản. Qua theo dõi, nội dung này đã thu hút sự quan tâm của nhiều tỉnh, thành phố với những góp ý rất cụ thể.

Là địa phương đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng đã kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung hướng dẫn cụ thể hoạt động giám sát của HĐND thành phố đối với các đối tượng giám sát, nhất là đối với UBND quận, phường khi thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND quận, phường) …

Cạnh đó, một số địa phương kiến nghị ngoài nhiệm vụ hoàn thiện Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng và ban hành quy định về trình tự, thủ tục thực hiện cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND theo khoản 4 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 bởi mặc dù đã có quy định của Luật nhưng việc thực hiện còn nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Đối với nội dung xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh bằng những tiêu chí cụ thể là cần thiết. Tuy nhiên, HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Hơn ai hết, Nhân dân là chủ thể đánh giá đầy đủ, xác thực nhất (thay vì các tiêu chí có thể lượng hóa được). Do đó, trong quá trình xác định, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh, đề nghị quan tâm nội dung này để có “thước đo” đánh giá phù hợp.

Tham gia góp ý nội dung thí điểm việc tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh trước UBTVQH, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam khẳng định đây là nội dung rất mới, khẳng định chế độ trách nhiệm của HĐND tỉnh trước UBTVQH; tuy nhiên, nếu thực hiện theo dự thảo Đề án đề cập:  “Trên cơ sở kết quả rà soát, phát hiện hoặc tập hợp kiến nghị của các Bộ, ngành, cử tri và Nhân dân về nghị quyết của HĐND cấp tỉnh không phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung so với quy định của Quốc hội và Pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, Ban Công tác đại biểu trình UBTVQH tổ chức phiên giải trình để Thường trực HĐND một số tỉnh, thành phố báo cáo, giải trình trước UBTVQH” thì số lượng, nội dung đề nghị giải trình sẽ khá nhiều. Do đó, trong nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị trường hợp phát hiện HĐND tỉnh chậm ban hành nghị quyết hay nghị quyết không phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội thì Ban Công tác đại biểu đề nghị Thường trực HĐND cấp tỉnh báo cáo cụ thể, trường hợp còn vấn đề chưa rõ thì Ban Công tác đại biểu tham mưu UBTVQH tổ chức việc giải trình.

Một vấn đề khác cũng được nhiều địa phương góp ý là lộ trình, thời hạn hoàn thành nhiệm vụ tham mưu ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số chế độ, chi tiêu và điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND các cấp. Từ thực tế hoạt động các địa phương cũng kiến nghị UBTVQH xem xét ban hành quy định cụ thể về nội dung, định mức chi tiêu, trách nhiệm đảm bảo kinh phí của HĐND các cấp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước; tránh tình trạng tùy thuộc vào khả năng ngân sách dẫn đến mỗi nơi mỗi kiểu như hiện nay./.

Tác giả: Thanh Hiền

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website