Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa tổ chức chuyến công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh vùng Tây Bắc của đất nước. Qua chuyến đi các thành viên trong đoàn đều có chung một cảm nhận sâu sắc rằng vùng đất này đã có những chuyển biến rất tích cực và nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch ở đây có thể áp dụng cho Quảng Nam.
Hiệu quả từ những vùng chuyên canh và mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Tây Bắc là vùng lãnh thổ rộng lớn của nước ta (trên 50,5 nghìn km2), dân số gần 5 triệu người, chiếm khoảng 15,3% diện tích và 4,94% dân số cả nước (Niên giám thống kê Việt Nam năm 2021); có vị trí địa lý quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh quốc gia. Dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai nên đa số người dân đều sống dựa vào nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ chủ trương chuyển đổi cây trồng và áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao nên đã đa dạng được sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng và theo đó thu nhập của bà con nông dân nâng lên, đời sống được cải thiện đáng kể.
Ấn tượng đầu tiên là suốt dọc hành trình qua miền Tây Bắc chúng tôi hầu như không thấy bóng dáng của cây keo - loại cây phổ biến ở các vùng nông thôn, miền núi các tỉnh miền Trung hiện nay; thay vào đó trên các quả đồi, những khoảnh nương ven triền núi là các vườn cây ăn quả đủ các chủng loại từ na, cam đến đào, mận…Tiếp đó là sự ngạc nhiên bởi những giống cây ăn quả ngỡ chỉ có ở miền nhiệt đới Tây Nam bộ, Nam Trung bộ hoặc vùng đồng bằng Bắc bộ cũng đã hiện diện nơi đây như: nho, xoài, nhãn…Còn những mảnh đất nhỏ xung quanh nhà ở, triền sông cũng được phủ xanh bởi các loại rau, quả ngắn ngày như: bí đao, su su, mướp, cà tím…đem đến thêm sự cảm nhận về tính cần cù, siêng năng, biết tận dụng đất đai của bà con nơi đây.
Đi sâu tìm hiểu, được biết rằng hầu hết các tỉnh Tây Bắc đều có chủ trương lập vùng chuyên canh cho các loại cây trồng, từng bước đưa mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào áp dụng và nhân rộng cho các địa phương.
Tại tỉnh Lai Châu, diện tích chè toàn tỉnh hiện nay có 8.800 ha, với hơn 6.000 ha chè kinh doanh, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Chè được phát triển thành vùng tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, với giống chè chủ yếu là chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Các sản phẩm chè Lai Châu đã xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ… trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 33,7%, sản lượng xuất khẩu ủy thác khoảng 60%. Ngoài việc xuất khẩu, các công ty, doanh nghiệp sản xuất chè cũng đang hướng đến kênh tiêu thụ nội địa, đưa vào các chuỗi siêu thị lớn trong nước. Riêng năm 2019, tổng giá trị sản xuất chè của tỉnh thu về hơn 120 tỷ đồng, trong đó đã xuất khẩu gần 2 nghìn tấn chè khô với giá trị thu được hơn 4 triệu USD. Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Đến thăm huyện Tân Uyên, là huyện có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, được các đồng chí lãnh đạo thông tin: hiện nay toàn huyện có 3.156 ha chè, với các giống chủ lực là Tuyết San, Bát Tiên và Thanh Tâm, sản lượng chè búp tươi của toàn huyện hàng năm đạt trên 8.500 tấn. Không chỉ có vậy, ở đây đã áp dụng mô hình trồng cây mắc ca xem lẫn với cây chè đã làm tăng đáng kể giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích (1 ha chè bình quân cho thu nhập hàng năm khoảng 200 triệu, nếu trồng xen canh mắc ca có thể lên đến 250 triệu đồng).
Mô hình trồng cây mắc ca xen canh trong đồi chè ở Tân Uyên, Lai Châu.
Tại Sơn La, từ nhiều năm trước mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đã được triển khai khoảng 60.000 ha trên địa bàn 12 huyện, thành phố, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 82.805 ha. Người dân từng bước cải tạo những vườn cây ăn quả năng suất, chất lượng thấp trở thành vườn cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, sử dụng các giống mới như nhãn chín sớm, xoài Đài Loan…phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Giúp thay đổi nhận thức và nâng cao kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng của bà con nông dân về thâm canh vườn cây ăn quả theo hướng hàng hóa, sản xuất theo quy mô tập trung, áp dụng các biện pháp thâm canh có đầu tư khoa học kỹ thuật; góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho các hộ dân. Đã đưa vào sử dụng giống ghép; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, bón phân hòa tan; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP hoặc GAP khác. Đến nay, diện tích cây ăn quả ghép cải tạo là 13.109 ha; diện tích cây ăn quả áp dụng VietGAP hoặc GAP khác trên 1.500 ha; diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng để phục vụ công tác xuất khẩu là 4.077,23 ha; phát triển được 334 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trồng cây ăn quả; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước: 532,4 ha... Thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh được mở rộng đến các siêu thị lớn, trong và ngoài tỉnh. Đối với xuất khẩu, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, tỉnh đã từng bước mở rộng sang Úc, các nước EU, Mỹ…. Năm 2018, xuất khẩu được 17.501 tấn quả các loại; năm 2021, xuất khẩu được 23.488 tấn.
Nhờ quy hoạch vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng kỹ thuật cao và quan tâm đầu ra cho nông sản nên đã tăng hiệu quả kinh tế đáng kể trên một đơn vị diện tích canh tác như: chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu/ha/năm, xoài ghép 500 triệu/ha/năm, nhãn ghép 360 triệu/ha/năm, na hoàng hậu ghép 1 tỷ đồng/ha...
Mô hình trồng nho không hạt, giá trị thu hoạch có thể lên đến hàng
chục tỉ đồng/ha/năm (giá nho thu hoạch tại vườn khoảng 300.000 đồng/kg).
Cùng với việc nhân rộng các vùng chuyên canh cây ăn quả, Sơn La cũng đã triển khai một số mô hình trồng rau an toàn, tổng diện tích 8.431 ha. Trong đó đã lựa chọn các giống rau có khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có gần 890 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương, 62 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rau an toàn. Nhiều diện tích trồng rau đã mang lại hiệu quả kinh tế cao: su su 150 triệu/ha/năm; cà chua 200 triệu/ha/năm; cải mèo 180 triệu/ha/năm; xà lách cuộn 220 triệu đồng/ha….góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Điểm qua một số mô hình sản xuất cho thấy, kinh tế nông nghiệp vùng Tây Bắc đang phát triển theo định hướng khai thác tốt tiềm năng lợi thế của của điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng; tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các giống mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh, tăng cường sử dụng các giống mới, thâm canh theo hướng bền vững, tăng năng suất mang lại hiệu quả cao. Qua đó, diện mạo nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.
Dựa vào lợi thế tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch
Vùng đất Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Nói đến Tây Bắc, người ta nghĩ ngay đến một vùng núi non hùng vĩ, tiêu biểu là dãy Hoàng Liên Sơn trải dài 180 km, rộng 30 km, với đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; với những con đèo giữa chập chùng mây núi, vô cùng hiểm trở nhưng cũng tạo nên cảnh sắc ngoạn mục, thu hút khách du lịch gần xa: đèo Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng…; với Sa Pa – Thị xã trong mây, khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; Hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên hoang sơ, thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa đặc trưng ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào…
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh,…Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố…góp phần tạo nên một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm.
Bên cạnh lợi thế tự nhiên và nét đẹp văn hóa truyền thống là những giá trị lịch sử thiêng liêng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ minh chứng của một thời "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ghi lại chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Khu di tích lịch sử Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ - nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ; Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…
Những năm gần đây, khách du lịch đến với Tây Bắc ngày một tăng, năm 2018, tổng số khách du lịch đến toàn vùng Tây Bắc đạt 20,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt, doanh thu đạt gần 23 nghìn tỷ đồng. Gần đây, khách nội địa đến từ các thị trường xa như các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng. Trong các mô hình phát triển du lịch hiện có trên địa bàn, mô hình phát triển du lịch cộng đồng và mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hai mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng đã được phát triển từ lâu, còn mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được hình thành những năm gần đây. Đặc điểm của hai mô hình du lịch này là gắn bó mật thiết với cộng đồng địa phương, mang lại nhiều lợi ích trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và cải thiện nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc bản địa, mang lại lợi ích trực tiếp và bền vững cho người dân địa phương; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương.
Mô hình du lịch cộng đồng phát triển thể hiện qua việc gia tăng các cơ sở cung cấp dịch vụ homestay trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Tính đến đầu năm 2020, Lào Cai có 348 hộ kinh doanh dịch vụ homestay (riêng thị xã Sapa chiếm 85%); Lai Châu có 30 hộ, Yên Bái có trên 150... Ngoài dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt các loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách như khám phá văn hóa, khám phá tự nhiên, du lịch mạo hiểm…Trong đó, hấp dẫn du khách nhất và có ý nghĩa nhất đối với cộng đồng là các dịch vụ được khai thác trên cơ sở phát huy văn hóa bản địa: đồng bào dân tộc Dao Đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) khai thác vốn tri thức dân gian trong việc chữa bệnh và đã phát triển thành thương hiệu thuốc lá tắm của dân tộc Dao Đỏ Tả Phìn; đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Lự… khai thác truyền thống thêu, trang trí trên trang phục của mình tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay rất độc đáo…
Các điệu múa dân gian của các dân tộc luôn là điểm nhấn thu hút du khách.
Mô hình du lịch nông nghiệp đang trong giai đoạn đầu phát triển, trong khuôn khổ các đề án kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch ở các địa phương đã giúp đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc và bảo vệ môi trường. Tuy còn mới mẻ, cần có sự nghiên cứu, đầu tư và có các chính sách, cơ chế phù hợp để có thể phát triển một cách bài bản, hiệu quả hơn nhưng đây cũng là một định hướng phát triến du lịch đúng đắn theo xu thế hiện nay./.