HĐND tỉnh Quảng Nam giám sát chuyên đề sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố:
Bài 3: Kiến nghị nhiều giải pháp
Nhận diện rõ những bất cập, hạn chế cả về khách quan lẫn chủ quan sau 4 năm sắp xếp thôn, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị nhiều vấn đề trong tổ chức thực hiện các quy định hiện hành và cả chủ trương, định hướng về sắp xếp thôn, sửa đổi các quy định về tổ chức, hoạt động thôn, tổ dân phố trong thời gian đến.
Sớm điều chỉnh Nghị định 34/2019/NĐ-CP
Trong Báo cáo số 157/BC-HĐND ngày 02/12/2022 gửi đến HĐND tỉnh, Đoàn giám sát chỉ rõ “quá trình thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó có bất cập về quy định khoán quỹ phụ cấp đối với NHĐKCT cấp xã và thôn nhất là khi hiện nay các địa phương đã và đang tiếp tục triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy”. Do vậy, Đoàm giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh quá trình rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung phù hợp, tăng cường phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định mức phụ cấp, chế độ bồi dưỡng đối với NHĐKCT phù hợp thực tiễn địa phương; quy định mức khoán quỹ phụ cấp các chức danh ở thôn thống nhất và đồng bộ, không tạo chênh lệch lớn với mức khoán quỹ phụ cấp NHĐKCT ở cấp xã.
Bên cạnh đó, ngoài Nghị định số 34/2019/NĐ-CP các địa phương triển khai thực hiện một số văn bản khác do Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương ban hành có quy định về tổ chức, chế độ chính sách đối với các chức danh hoạt động ở thôn (như Nghị định số 38/2006/NĐ-CP quy định về bảo vệ dân phố; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định về đội dân phòng; Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định về thôn đội trưởng; Nghi định số 73/2009/ND-CP quy định về công an viên thôn; Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản…) dẫn đến thực trạng ở thôn có nhiều chức danh hưởng phụ cấp, bồi dưỡng, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, chưa đảm bảo theo chủ trương nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định có liên quan đến tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách ở thôn để xây dựng văn bản thống nhất với chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Giữ ổn định các thôn
Dự báo sẽ có nhiều thay đổi từ trung ương về chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, Đoàn giám sát đề xuất trong thời gian Chính phủ chưa sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh chỉ đạo không xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định liên quan đến tổ chức, chế độ chính sách các chức danh ở thôn, tổ dân phố, nhất là khi từ ngày 01/7/2023 thực hiện theo mức lương cơ sở mới sẽ tạo độ vênh nhất định giữa các chức danh hưởng phụ cấp, bồi dưỡng theo hệ số với các chức danh hưởng chế độ theo số tiền tuyệt đối.
Trong trường hợp Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP nhưng vẫn giữ nguyên quy định khoán quỹ phụ cấp các chức danh ở thôn, tổ dân phố theo 02 mức khoán (5,0 và 3,0) như hiện nay, kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh cho NHĐKCT ở các tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình gấp 1,5 đến 02 lần so với quy định để tương đồng mức phụ cấp giữa các chức danh và phù hợp với khối lượng công việc ở những tổ dân phố đông dân.
Về chủ trương, lộ trình sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo, Đoàn giám sát kiến nghị để đồng bộ với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, kiến nghị Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương giữ ổn định các thôn, tổ dân phố như hiện nay.
Về một số vấn đề liên quan quy mô thôn sau sắp xếp, Đoàn giám sát kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh, các đơn vị liên quan đánh giá việc thực hiện sắp xếp thôn; rà soát đối chiếu quy định về quy mô số hộ gia đình ở các thôn, các trường hợp nằm tách biệt, điều kiện đi lại khó khăn, phức tạp, những nơi có nhu cầu bức thiết trong việc đổi tên thôn… báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù hợp với Thông tư số 14/2018/TT-BNV và tình hình thực tiễn của địa phương.
Rõ nhiệm vụ từng cấp
Kiến nghị giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm các chức danh ở cơ sở, đồng thời rõ trách nhiệm từng cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Đoàm giám sát đề nghị rà soát, phân định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã, NHĐKCT xã với NHĐKCT thôn phù hợp với chức năng thôn là một tổ chức tự quản, tránh việc “hành chính hóa” hoạt động ở thôn.
Theo đó, UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo bố trí, quản lý NHĐKCT và các chức danh khác thôn theo đúng quy định; khuyến khích bố trí kiêm nhiệm các chức danh đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Chỉ đạo thôn xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp và phân giao nhiệm vụ cụ thể phát huy vai trò, trách nhiệm các chi hội đoàn thể ở thôn, tổ dân phố. Kịp thời trao đổi, phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên để hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí hoạt động tạo điều kiện các thôn, tổ dân phố đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động và quản lý sử dụng theo đúng quy định pháp luật./.
Báo cáo giám sát và dự thảo nghị quyết xử lý kết quả giám sát sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét theo đúng quy trình Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND./.