Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở - tổ chức lại lực lượng đã có
Người đăng:
dangtin
Ngày đăng:
10:20 | 12/05
Lượt xem:
181
Là 01 trong số 05 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV sắp đến, Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thu hút nhiều sự quan tâm. Tại Hội thảo do Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức mới đây đã làm rõ nhiều vấn đề từ khía cạnh pháp lý và thực tiễn của các chính sách, là căn cứ đề xuất Bộ Công an hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội.
Đáp ứng yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới
Tờ trình của Chính phủ gửi đến Quốc hội đã đề cập đến 07 vấn đề là cơ sở pháp lý, thực tiễn trong việc xây dựng, ban hành Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo đó, mục đích xây dựng Dự án Luật là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ANTT, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác tại địa bàn cơ sở.
Quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật được thực hiện theo quy trình, thủ tục chặt chẽ; tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; kế thừa các quy định pháp luật còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 31 điều. Quy định rõ vị trí, chức năng theo hướng là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ ANTT; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ ANTT trên địa bàn xã, phường, thị trấn; hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, địa phương; trong đó, HĐND cấp tỉnh là cơ quan được giao thẩm quyền quy định về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ BHXH tự nguyện, BHYT và chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ,…
Tổ chức lại lực lượng đã có
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cơ bản thống nhất các cơ sở pháp lý và thực tiễn để xây dựng và ban hành Dự án Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu đã phân tích, làm rõ các vấn đề liên quan như: việc có tăng chi từ ngân sách nhà nước, có phát sinh số lượng người hưởng phụ cấp, hỗ trợ từ NSNN; tính hợp lý của các quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn với quy định về chức năng, nhiệm vụ; tính chất hoạt động; quy định về việc bố trí, bầu các chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT,..
Hồ sơ, văn bản kèm theo Dự án Luật khẳng định “chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay theo quy định của pháp luật thành một lực lượng thống nhất mà không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước”.
Số liệu minh chứng cho khẳng định này được phân tích, so sánh trên cơ sở số lượng người ở 03 lực lượng hiện có (công an bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng) và phương án tổ chức lại. Cụ thể, toàn quốc hiện có 103.568 thôn, tổ dân phố, số người đang tham gia 03 lực lượng hiện tại là 298.688 người. Và theo phương án bố trí, sắp xếp lại thì dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là khoảng 300.000 người.
Đối với tỉnh Quảng Nam, với 1240 thôn, tổ dân phố hiện có, thực hiện theo các nghị định của Chính phủ và 03 nghị quyết của HĐND tỉnh thì toàn tỉnh hiện có 4.492 người ở 03 lực lượng, phương án tổ chức lại theo Dự thảo Luật sẽ chỉ còn 3.720 người (03 người/thôn, tổ dân phố; giảm 772 người). Như vậy có thể thấy việc tổ chức lại lực lượng đã có sẽ không làm tăng số người hưởng phụ cấp, hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và có nơi sẽ giảm.
Tuy nhiên việc khẳng định “không làm tăng chi ngân sách nhà nước” khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Bởi nếu lấy các định mức chi hiện tại để so sánh, tính toán trong khi quy định về chức năng, nhiệm vụ khá nhiều; các quy định trong Dự thảo Luật cũng đề cập nhiều đến việc đảm bảo điều kiện, phương tiện làm việc,.. thì chưa phù hợp. Có đại biểu cho rằng, số người có thể tính toán nhưng các vấn đề khác như mức hỗ trợ hằng tháng, chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ hay định mức chi về điều kiện, phương tiện làm việc, trang thiết bị,… đang còn là “ẩn số” thì việc “không làm tăng chi ngân sách nhà nước” là chưa thuyết phục. Các đại biểu đề nghị điều chỉnh theo hướng có thể làm tăng chi ngân sách nhưng việc tăng chi là cần thiết, hợp lý và lợi ích sẽ lớn hơn chi phí.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn tham gia góp ý về tiêu chuẩn tiêu chuẩn tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đảm bảo tương đồng với các quy định về chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, yêu cầu bảo đảm ANTT của từng vùng miền; khẳng định rõ tính chất hoạt động của đội ngũ này là “tham gia” thay vì “hỗ trợ”. Đồng thời góp ý các điều, khoản quy định về chức năng, nhiệm vụ HĐND các cấp để đảm bảo thống nhất, tương đồng với các Luật khác.
Tác giả:
Thành Nhân
[Trở về]
Các tin mới:
Các tin khác: