Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Phản biện xã hội dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính: Những ý kiến từ thực tiễn

Người đăng: Administrator Account Lượt xem: 1231

Sáng nay 24/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là dự thảo đề án).

dsc_0843.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ANH ĐOAN

Cần đánh giá rõ những tác động

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội nghị là nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện; những kiến nghị, đề xuất của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan góp phần bảo đảm sự cần thiết, phù hợp của dự thảo đề án với quy định pháp luật hiện hành, nghị quyết của Đảng về sắp xếp ĐVHC và thực tiễn ở cơ sở; bảo đảm tính khoa học, khả thi của đề án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo gợi ý của chủ trì hội nghị, các ý kiến góp ý, phản biện tập trung vào các nội dung về phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã; đánh giá tác động, thuận lợi, khó khăn và tổ chức thực hiện. Đặc biệt là việc đánh giá tác động khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Đây là phần nội dung quan trọng của đề án nhưng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đánh giá toàn diện, đầy đủ về tác động tiêu cực khi sắp xếp.

Ông Nguyễn Phi Hùng nhìn nhận, trong 4 lĩnh vực tác động khi sắp xếp ĐVHC thì tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân là rất quan trọng nhưng trong dự thảo đề án chưa thấy phương án, giải pháp cụ thể để khắc phục nội dung này phù hợp với quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị.

Cần giải quyết tốt vấn đề con người

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ dôi dư do sắp xếp ĐVHC nhận được nhiều ý kiến quan tâm tại hội nghị phản biện.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đề nghị, cần coi trọng việc rà soát, sàng lọc, cơ cấu, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo vị trí việc làm, phù hợp khả năng, trình độ chuyên môn, khả năng thích nghi môi trường làm việc mới; tránh làm “phép cộng cơ học” trong công tác cán bộ.

dsc_0833.jpg
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh phát biểu ý kiến. Ảnh: PV

Ông Lê Tấn Trung - nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho rằng dự thảo đề án về phương án, lộ trình sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp ĐVHC chưa thật sự cụ thể, có nội dung khó thực hiện.

Ông Trung kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó đề nghị, đối với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp ĐVHC mới, phải có sự tham gia vào cuộc, điều phối của 2 cơ quan tổ chức cấp tỉnh là Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ.

Ông Châu Anh Khiêm - Khối phố trưởng khối phố 1, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ đề nghị, sắp xếp ĐVHC cần đặc biệt chú ý vấn đề con người. Con người ở đây không chỉ cán bộ, công chức, viên chức mà là nhân dân các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp do sáp nhập.

Ông Lê Đức Thắng - Trưởng thôn Phú Trà, xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình đề nghị, sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ phải có tâm, có tầm, không cục bộ địa phương để làm sao bộ máy ĐVHC mới tốt hơn khi chưa sáp nhập.

Chính sách hỗ trợ người dân phải cụ thể

Gợi ý nội dung phản biện, ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, Nghị quyết 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị nêu rõ giải pháp: “Chính quyền địa phương các cấp triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan nhân thân hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC”. Tuy nhiên, dự thảo đề án chưa đề cập đến giải pháp này.

dsc_0835.jpg
Bà Cao Thị Thanh Nga - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Mỹ (Quế Sơn) phát biểu. Ảnh: PV

Nội dung này cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện. Cụ thể, về thay đổi giấy tờ tùy thân, hồ sơ đất đai, tài sản, thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức, các ý kiến quan tâm đến lộ trình, kế hoạch thực hiện như thế nào để tránh phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Bà Cao Thị Thanh Nga - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Mỹ (Quế Sơn) đề xuất đưa vào dự thảo đề án giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân chuyển đổi giấy tờ hành chính. Bởi như trước đây, khi thành lập xã Quế Mỹ trên cơ sở sáp nhập xã Quế Cường và xã Phú Thọ, người dân được tuyên truyền sẽ được hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi giấy tờ hành chính, nhưng từ năm 2020 đến nay vẫn chưa không được hỗ trợ. Điều này đã gây khó khăn và hệ lụy trong thực hiện các chủ trương của Nhà nước nói chung và sắp xếp ĐVHC nói riêng.

Tổng hợp các ý kiến góp ý, phản biện, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan, trong đó có giải pháp khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Theo ông Hùng, phần giải pháp trong dự thảo đề án mang nặng "phương hướng" (nêu lại quan điểm lãnh đạo của Đảng) mà chưa có những giải pháp cụ thể tương ứng để giải quyết, khắc phục những tác động tiêu cực và những khó khăn, vướng mắc. Đây mới là nội dung quan trọng, vì khi đọc đề án sẽ dễ dàng thấy rõ những khó khăn, tác động tiêu cực sẽ được giải quyết tốt… đem lại sự yên tâm, ủng hộ cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức.

Nguồn tin: baoquangnam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website