Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Cử tri – đại biểu / Diễn đàn của đại biểu

A+ | A | A-

Góp ý dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Người đăng: Administrator Account Lượt xem: 44

Tham dự và góp ý vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại cuộc họp trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì vào chiều 30.8.2024, từ thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam – Phan Thái Bình đã có những góp ý cụ thể về nội dung dự thảo Nghị định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo.

Nhiều thay đổi quan trọng

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ TN&MT cho biết các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện hành (NĐ 91/2017; NĐ 04/2022) đã góp phần tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đất đai. 

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn tồn tại, hạn chế như: tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế. Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, trong đó có các quy định để tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai. Tại Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã bổ sung nhiều quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện để quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; một số hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đã không còn phù hợp đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi.

Từ những lý do trên, việc ban hành Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Theo dự thảo, Nghị định quy định cụ thể 22 hành vi vi phạm hành chính về đất đai, trong đó kế thừa nhiều hành vi theo quy định của các Nghị định trước đây, có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Đất đai năm 2024. Nhiều điều khoản được hoàn thiện theo hướng tăng mức xử phạt để tăng tính răn đe và ngăn chặn hành vi vi phạm; quy định cụ thể trường hợp “hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định của Nghị định này”; hoàn thiện quy định về hình thức xử phạt bổ sung theo hướng chuyển quy định thu hồi đất từ biện pháp khắc phục hậu quả về hình thức xử phạt bổ sung,..

Phải đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính  

Báo cáo cụ thể về đề xuất “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định này”, Bộ TN&MT cho biết có 05 lý do liên quan đề xuất này.

Thứ nhất, việc bổ sung quy định này nhằm cắt đứt các vi phạm đã tồn tại trong lịch sử trước khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành, nhiều trường hợp người đang sử dụng đất không phải là người vi phạm vì vậy việc xử lý là rất khó khăn, phức tạp. Hai là phù hợp với tinh thần Luật Đất đai 2013, 2024 (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp có vi phạm pháp luật trước ngày 01/7/2014, trong đó có các trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp). Lý do thứ ba là để phù hợp với Điều 236 Bộ Luật Dân sự. Thứ tư là do thời hiệu xử phạt đã hết, trường hợp vẫn áp dụng biện pháp xử lý – tức biện pháp khắc phục hậu quả thì phải phát sinh rất nhiều thủ tục đi kèm (lập biên bản, xác định thời điểm sử dụng, ra quyết định xử phạt,..) xong rồi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Năm là các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp phải thực hiện xử lý đối với các vi phạm này (buộc khôi phục lại trình trạng ban đầu, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp) theo các quy định pháp luật khác thì không phải thực hiện.

Tại Hội nghị, các bộ, ngành và một số địa phương đã trao đổi, góp ý các đề xuất của Bộ TN&MT về dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo Bộ Tư pháp, việc Bộ TN&MT đề xuất “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì không xử lý theo quy định tại Nghị định này” là chưa đảm bảo quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính “Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh”.

dsc00223.jpg
Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam phát biểu tại cuộc họp

Tham gia góp ý về nội dung này, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình, đề xuất nêu trên của Bộ TN&MT từ quá trình thi hành Nghị định 91/2017/NĐ-CP là phù hợp thực tiễn; tuy nhiên đề xuất này cũng cần phù hợp, đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính như quan điểm của Bộ Tư pháp. Do vậy, để vừa phù hợp thực tiễn, vừa tuân thủ Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể nghiên cứu điều chỉnh khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị định theo hướng “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà chưa có văn bản xử lý vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì xem như không vi phạm”. 

Góp ý Điều 7 dự thảo Nghị định “Xác định diện tích đất vi phạm và tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị “bổ sung quy định về xác định, phân định diện tích vi phạm trong trường hợp nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính” để tạo thuận lợi trong thực hiện. Bởi thực tế đã phát sinh trường hợp nhiều người cùng thực hiện hành vi (ví dụ lấn đất, chiếm đất) nhưng trong quá trình xử lý các đối tượng vi phạm cho rằng cùng sử dụng chung, cùng hưởng lợi (không phân chia diện tích vi phạm/từng người) nhưng khi xử lý thì lúng túng giữa “xử phạt mỗi người đối với hành vi lấn chiếm tổng diện tích” hay “phân chia diện tích lấn, chiếm đối với từng người để xử phạt”.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao các Bộ tiếp tục phối hợp hoàn thiện dự thảo Nghị định đảm bảo tuân thủ Luật Đất đai 2024, Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời tiếp thu hợp lý các góp ý của chính quyền địa phương đã phản ánh, góp ý tại hội nghị./.

Tác giả: Thanh Thanh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website