Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cần phát huy vai trò chủ thể người dân

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 15:59 | 31/08 Lượt xem: 4361

Làm rõ khả năng đảm bảo nguồn lực ngân sách tỉnh, tăng trách nhiệm địa phương trong đối ứng nguồn vốn thực hiện và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng là 03 nhóm vấn đề chính được đa số đại biểu đề nghị tại cuộc họp UBND tỉnh góp ý về nội dung Đề án “Hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2026” tổ chức vào chiều 26.8.2022. Theo kế hoạch, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh nội dung này tại kỳ họp chuyên đề tháng 10.2022 tới đây.

Tập trung hỗ trợ 12 điểm du lịch

Cuộc họp chiều 26.8.2022 được lũy kế là cuộc họp lần thứ năm để bàn thảo về nội dung Đề án “Hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2026”. Đề án này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh “khởi động” vào cuối năm 2020 và vì nhiều lý do khác nhau nên chưa thể trình HĐND tỉnh như dự kiến là trong năm 2021. Đến nay, qua các lần khảo sát thực tế và làm việc với các ngành, địa phương, trên tinh thần hỗ trợ đầu tư  có trọng tâm, theo 06 tiêu chí bắt buộc và 07 tiêu chí ưu tiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hỗ trợ 12 điểm du lịch cộng đồng tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Đơn cử một số điểm như: Làng rau Trà Quế, Làng mộc Kim Bồng (Hội An); Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ); Làng du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải (Núi Thành); Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước),.. So với các lần dự thảo trước thì số điểm đề xuất hỗ trợ ít hơn và mang tính tập trung, ưu tiên những nơi có tiềm năng, điều kiện phát triển du lịch cộng đồng.

Về nội dung hỗ trợ, Đề án tập trung 02 nội dung chính và khoảng 30 nội dung hỗ trợ chi tiết. Trong đó, hỗ trợ từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển tập trung các hạng mục như: lập quy hoạch chi tiết; đầu tư mới hoặc nâng cấp hạ tầng (hệ thống đường giao thông từ các trục đường chính (QL, ĐT, ĐH) đến các điểm du lịch; hệ thống đường nội bộ tại các điểm du lịch; nhà đón tiếp và trưng bày; bãi đỗ xe, bến thuyền du lịch; công trình vệ sinh; cấp thoát nước; cấp điện; internet), mức hỗ trợ không quá 11,8 tỷ đồng/1 điểm du lịch.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp sẽ hỗ trợ 05 nội dung lớn như: hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng; công tác quảng bá, xúc tiến; công tác bảo vệ môi trường. Và thống kê trong số 05 nội dung lớn nên trên sẽ có khoảng 20 nội dung chi tiết được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án này là 137.450 triệu đồng (trong đó ngân sách tỉnh 113.575 triệu đồng, chiếm 82,6%); cơ cấu nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ được đề nghị là tỉnh đảm bảo 100% cho các địa phương miền núi (cả chi đầu tư và sự nghiệp); đối với các huyện đồng bằng tỉnh đảm bảo 100% kinh phí sự nghiệp và 50% kinh phí chi đầu tư.

Cần phát huy vai trò chủ thể của người dân

Tham gia góp ý nội dung Đề án và dự thảo nghị quyết các đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong nỗ lực xây dựng Đề án để trình HĐND tỉnh sớm có nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực, tính khả thi, hiệu quả, bền vững trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Đại biểu Sở Tài chính đề nghị nghiên cứu điều chỉnh quy định về cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm tỷ lệ nguồn vốn ngân sách tỉnh thực hiện đề án để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực hiện có; đồng thời tăng trách nhiệm của địa phương trong bố trí vốn đối ứng thực hiện chính sách. Báo cáo về khả năng đảm bảo nguồn vốn chi đầu tư phát triển để thực hiện đề án như dự kiến (khoảng 80,8 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025) đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện vì hiện tại khả năng cân đối nguồn vốn là rất khó.

Góp ý chi tiết về nội dung, định mức hỗ trợ, một số đại biểu cho rằng du lịch cộng đồng là loại hình du lịch khai thác nguồn tài nguyên sẵn có với sự tham gia của cộng đồng dân cư - những người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, với cách đặt vấn đề như đề án (hỗ trợ quá nhiều nội dung chi tiết) thì vai trò chủ thể của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng chưa thể hiện được. Đại biểu kiến nghị tiết giảm những quy định mà người dân có thể tự thực hiện được như hỗ trợ internet, mua sắm thùng rác, xây dựng quy chế quản lý,… thay vào đó tập trung hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng điểm du lịch, hỗ trợ cho xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng.

Về cách làm, đại biểu kiến nghị nên chăng thực hiện điểm ở một số địa phương để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai thực hiện ở tất cả các điểm như Đề án. Bên cạnh đó, vấn đề kết nối, hình thành các tuor, tuyến trong khai thác, phát huy các điểm du lịch cộng đồng cũng cần được tính toán kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Cho ý kiến về định hướng tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung Đề án Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý về nội dung chính sách. Đối với vấn đề khả năng đảm bảo nguồn lực thực hiện Đề án, Phó Chủ tịch giao các cơ quan liên quan thực hiện theo tinh thần các thông báo trước đây của UBND tỉnh, quan điểm nhất quán là tỉnh sẽ hỗ trợ 100% các điểm du lịch cộng đồng khu vực miền núi bởi khu vực này hiện rất khó khăn; đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản tham mưu cụ thể để trình HĐND tỉnh./.

Tác giả: Thanh Thanh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website