Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Tiên Phước

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 14:30 | 25/11 Lượt xem: 2253

Huyện Tiên Phước được thiên nhiên ưu đãi với nhiều phong cảnh đẹp, điều kiện tự nhiên lý tưởng. Nơi hội đủ những yếu tố của xứ sở sinh thái miệt vườn, mang đặc trưng, sắc thái riêng của vùng trung du xứ Quảng, với: nhà cổ, nhà vườn sinh thái, làng nghề truyền thống và những di tích, danh thắng hết sức độc đáo mà ít nơi nào có được. 

Phát huy lợi thế đó, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan ở tỉnh đi thực địa, khảo sát đánh giá hiện trạng  gần 100  di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, di tích kiến trúc nghệ thuật, nhà cổ ở các xã, thị trấn. Đã xác định được hệ thống các di tích danh thắng đề xuất trùng tu tôn tạo, có phương án bảo vệ, chống xuống cấp ở các di tích chưa xếp hạng; đề xuất danh mục di tích lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các cấp. Qua đó, huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan ở tỉnh lập hồ sơ đề nghị và đã được UBND tỉnh, Bộ Văn hóa - thể Thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng nhiều di tích. Đến nay, trên địa bàn huyện Tiên Phước vinh dự có 04 di tích cấp Quốc gia: Căn cứ Tỉnh ủy (Tiên Sơn), Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Cảnh), không gian Làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh), Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc (Tiên Thọ) và có 16 di tích cấp tỉnh: Lò Chén Phú Lâm (Tiên Sơn), Chiến thắng Núi Ngang (Tiên Sơn), Nền trường tân học Phú Lâm (Tiên Sơn), Mộ Trần Huỳnh (Tiên Thọ), Công binh xưởng QB 150 (Tiên Cảnh), Nhà cổ Huỳnh Anh (Tiên Cảnh), Mộ Lê Vĩnh Huy (Tiên Cảnh), Mộ Lê Vĩnh Khanh (Tiên Cảnh), Nơi thành lập chi bộ Thạnh Bình – Chi bộ Đảng đầu tiên (Tiên Cảnh), Danh thắng Lò Thung (Tiên Cảnh); Chứng tích vụ thảm sát Đồng Trại (Tiên Cẩm), Chứng tích vụ thảm sát Gò Vàng (Tiên Sơn), Nghĩa Trũng Tiên Phú Tây (Tiên Mỹ); Đình Làng Hội An (Tiên Châu), Chứng tích khu căn cứ Huyện ủy Tiên Phước (1961 -1963) (Tiên Lãnh), Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm (10-3) và có 7 di tích, 10 danh thắng, 12 nhà cổ, mộ cổ được khảo sát và đưa vào danh mục bảo vệ.

Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng - Căn cứ Tỉnh ủy - Không gian Làng cổ Lộc Yên - Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Cây Cốc
    
Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo, sưu tầm, biên soạn các công trình lịch sử địa phương, tổ chức thi tìm hiểu lịch sử địa phương, di tích, danh lam thắng cảnh bằng hình thức sân khấu hóa lồng ghép trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương để giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn huyện đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền bảo vệ và phát huy các giá trị di tích được chú trọng; các hoạt động ký cam kết chăm sóc di tích; tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, bảo tồn; in ấn phát hành các ấn phẩm tuyên truyền… bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong giáo dục truyền thống cách mạng, quảng bá phát triển du lịch. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay công tác quảng bá các điểm đến tại Tiên Phước được chú trọng, gắn phát triển du lịch với phát huy di tích. Hiện nay, huyện đã có 2 website “Du lịch Tiên Phước” và “Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên”, thông qua các fanpage, trang facebooker, youtuber hình ảnh về Tiên Phước được nhiều người biết đến. 

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, thực tế thì công tác quản lý, phát huy di tích, danh thắng trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần được quan tâm khắc phục, như: Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục giá trị lịch sử đối với di tích, danh thắng chưa thường xuyên; việc dựng bia và cắm mốc bảo quản cho di tích sau khi được công nhận chưa được thực hiện kịp thời; phần lớn các di tích, danh thắng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác khoanh vùng bảo vệ di tích, danh thắng có mặt còn hạn chế; một số di tích bị xuống cấp, xâm lấn (Lò chén Phú Lâm, Nghĩa trủng Tiên Phú Tây…) nhưng chưa được trùng tu, xử lý kịp thời; nhiều di tích chưa được bảo vệ, khai thác phát huy giá trị xứng tầm di tích; công tác quản lý, trùng tu các nhà cổ gặp nhiều khó khăn…

Di tích Nghĩa trủng Tiên Phú Tây – Tiên Mỹ

Để khai thác tiềm năng và phát huy giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Tiên Phước trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu về “Vùng đất, con người, truyền thống lịch sử - văn hóa Tiên Phước” và xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà trong thời gian đến theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra, thiết nghĩ cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần sớm hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể của huyện, nhất là quy hoạch các di tích trên địa bàn huyện gắn với du lịch và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện một cách hiệu quả nhất.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng; các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn theo hướng thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, qua các fanpage, trang facebooker, youtuber, báo chí trung ương, địa phương, trang điện tử huyện. Chú trọng việc đưa các di tích, danh thắng vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương và là địa chỉ đỏ để các thế hệ trẻ huyện nhà đến thăm, viếng thường xuyên hằng năm.

Thứ ba, khẩn trương ban hành Quy chế quản lý đối với từng di tích, danh thắng trên địa bàn và thành lập Ban/Tổ quản lý bảo vệ các di tích theo đúng quy định. Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện theo quy định, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích theo tinh thần Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND ngày 02/5/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Quy chế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc cắm mốc ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích, danh thắng theo quy định.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức khảo sát và triển khai cắm mốc giới trên thực địa đối với di tích, danh thắng và lập hồ sơ đề nghị công nhân các di tích, danh thắng đủ điều kiện. Tập trung các nguồn lực để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; tranh thủ tối đa nguồn kinh phí và sự hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh trong đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích. Tham mưu bố trí hợp lý ngân sách huyện và xã cho công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức, cá nhân, người con xa quê hương để phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, cần đề nghị trung ương, tỉnh có giải pháp căn cơ về sở hữu các di tích nhất là các nhà cổ để đầu tư, bảo dưỡng, quản lý và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, cần tập trung giải pháp cụ thể để khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng trên địa bàn huyện, bản sắc văn hóa thuần Việt của người Tiên Phước. 

Thứ năm, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cho cán bộ văn hóa và cán bộ Ban Quản lý di tích từ huyện đến các xã, thị trấn. 

Thứ sáu, triển khai nhanh, có hiệu quả Đề án xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa Làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, lấy không gian làng cổ Lộc Yên, Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Di tích cấp Quốc gia làm điểm nhấn. Có các giải pháp cụ thể để “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm năng thành lợi ích vật chất”; chú trọng xây dựng được các sản phẩm du lịch nổi bật nhằm tạo ra sự khác biệt, tăng tính hấp dẫn để thu hút du khách, như: Du lịch trải nghiệm văn hóa lịch sử, du lịch “về nguồn”, du lịch tâm linh. Qua đó  góp phần quan trọng phát triển kinh tế tăng thu nhập cho huyện trên lĩnh vực du lịch. 

Thứ bảy, tập trung kêu gọi, xúc tiến đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng các tour, tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh độc đáo của huyện, nhất là tập trung các điều kiện để tổ chức thành công Hội làng Lộc Yên và khai trương du lịch huyện Tiên Phước trong đầu năm 2023. 

Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, sự chung tay ủng hộ đầu tư của các doanh nghiệp, các đơn vị, các tổ chức cá nhân trên mọi miền Tổ quốc, tương lai không xa, xứ Tiên - sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn, thơ mộng của du khách trong, ngoài nước và trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái làng quê, du lịch lịch sử - văn hóa của tỉnh Quảng Nam.

Tác giả: Nguyễn Minh Xinh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website