Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Nhiều ý kiến góp ý Đề án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 13:49 | 27/11 Lượt xem: 1877

Dự thảo Đề án quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 một trong số các nội dung do UBND tỉnh đăng ký trình HĐND tỉnh tại kỳ họp 12 sắp đến đã nhận được nhiều góp ý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Đề xuất 03 nhóm chính sách 

Xuất phát từ thực tế là trình độ, chất lượng đội ngũ CBCCVC thời gian qua được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực… Đồng thời căn cứ chủ trương của Tỉnh ủy tại Nghị quyết 20-NQ/TU về công tác cán bộ, Đề án 10-ĐA/TU ngày 30/3/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ  thực hiện quy trình tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động CBCCVC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Đề án tập trung vào 03 nhóm chính sách chính gồm (i) chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước; (ii) chính sách hỗ trợ CBCCVC luân chuyển, điều động; (iii) chính sách đặc thù đối với giảng viên.

Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước tập trung vào hỗ trợ đào tạo sau đại học và hỗ trợ học chính trị. Theo dự thảo đối với người học Tiến sĩ và tương đương sẽ được hỗ trợ 70% học phí (nếu là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% học phí); 45 triệu đồng/người/khóa sinh hoạt phí; 20 triệu đồng/người/khóa làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp. Đối với người học Thạc sĩ và tương đương sẽ hỗ trợ 70% học phí; 30 triệu đồng/người/khóa sinh hoạt phí; 10 triệu đồng/người/khóa làm và bảo vệ luận án tốt nghiệp (chỉ áp dụng cho người dân tộc thiểu số và công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực y tế đi học bác sĩ chuyên khoa I);

CBCCVC tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa

Về chính sách hỗ trợ đào tạo lý luận chính trị, ngoài hỗ trợ 100% học phí thì các đối tượng được hỗ trợ sinh hoạt phí theo địa điểm học và loại hình lớp học (tập trung, không tập trung) với mức cao nhất  02 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là 01 triệu đồng/người/tháng. Đối với các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được thanh toán 100% học phí.

Chính sách hỗ trợ CBCCVC điều động, luân chuyển được đề xuất cho 04 trường hợp gồm (i) từ huyện miền núi về tỉnh ngược lại; (ii) từ huyện, thị xã, thành phố này sang huyện, thị xã, thành phố khác; (iii) từ huyện về xã và ngược lại, xã thị trấn này, sang xã khác ở huyện miền núi; (iv) từ huyện, thị xã, thành phố về xã và ngược lại; xã phường thị trấn này sang xã, phường khác ở các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng.  Mức hỗ trợ tính theo tháng, cụ thể: 03 triệu/người/tháng đối với trường hợp luân chuyển, điều động từ các huyện miền núi về tỉnh và ngược lại; các trường hợp còn lại 02 triệu/người/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 03 năm (36 tháng).

Về chính sách đặc thù đối với giảng viên, dự thảo đề xuất ngoài mức chi quy định tại Nghị quyết 52/2018/NQ-HĐND hiện hành (cao nhất 02 triệu/người/lượt giảng, thấp nhất 500.000 đồng/người/lượt giảng) đề nghị hỗ trợ thêm 1 lần mức quy định của Nghị quyết 52.
Dự kiến các chính sách này sẽ được thực hiện trong 03 năm từ 2023 đến 2025 với kinh phí ước tính khoảng 26 tỷ đồng và được chi từ nguồn ngân sách cấp tỉnh (trừ các địa phương tự cân đối ngân sách).

Nhiều ý kiến góp ý

Phiên họp UBND tỉnh lấy ý kiến các ngành và phiên họp do cơ quan thẩm tra của HĐND tỉnh tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều ý kiến về Đề án này. Quan điểm chung các đại biểu đều thống nhất cao việc ban hành chính sách nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ CBCCVC của tỉnh có chất lượng và cơ cấu hợp lý, đủ khả năng lãnh đạo để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 như mục tiêu Đề án đặt ra. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ nhiều vấn đề để có chính sách phù hợp, khả thi và đúng quy định.

Trao đổi cụ thể về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, một số đại biểu cho rằng việc chỉ quy định đối tượng và mức hỗ trợ nhưng không đề cập cụ thể về yêu cầu, điều kiện hỗ trợ, không dự kiến được ngành nghề, địa chỉ cần đào tạo; không ràng buộc về thời gian công tác, làm việc sau khi hưởng chính sách hỗ trợ,… là chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính chặt chẽ của một văn bản quy phạm pháp luật. 

Về đối tượng được hỗ trợ, có đại biểu đề nghị cân nhắc khi đề xuất quy định chính sách hỗ trợ học cao cấp, trung cấp lý luận chính trị đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã vì đối tượng này thường xuyên thay đổi. Đồng thời nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đối với CBCC các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh vì cũng thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh; có chính sách khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu, tự đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TU của Tỉnh ủy. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu ban hành chính sách thu hút những người có trình độ cao về công tác tại tỉnh (có thể sử dụng được ngay); có chính sách giữ chân giáo viên miền núi, chính sách thu hút và đào tạo bác sỹ để giải quyết những bức xúc về nhân lực trong 02 lĩnh vực này.

Đối với chính sách hỗ trợ CBCCVC thuộc diện luân chuyển, điều động, một số đại biểu đề nghị có quy định chính sách khác nhau giữa trường hợp luân chuyển và trường hợp điều động vì khác nhau về thời gian, đối tượng, tiêu chuẩn điều kiện. Nghiên cứu quy định hỗ trợ 01 lần thay vì hỗ trợ hằng tháng; tập trung chính sách hỗ trợ đối với đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số được luân chuyển, điều động. Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị xác định rõ thẩm quyền ban hành chính sách để tuân thủ đúng quy định Trung ương; tuân thủ quy trình, thủ tục trong ban hành chính sách nhất là thủ tục lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương và quy trình đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động./.

Tác giả: Thanh Thanh

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website