Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Văn hóa – đời sống

A+ | A | A-

Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực miền núi: Nhiều địa phương triển khai chậm

Người đăng: dangtin Lượt xem: 5216

Thời gian qua, tiến độ sắp xếp, ổn định dân cư tại những vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai ở các huyện miền núi trong tỉnh diễn ra khá chậm. Trong khi đó, mùa bão lũ đang đến gần, nhiều hộ dân lại canh cánh nỗi lo sạt lở và ngập lụt.

Tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... luôn đe dọa các khu dân cư ở miền núi trong mùa mưa bão. Ảnh: PV
Tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... luôn đe dọa các khu dân cư ở miền núi trong mùa mưa bão. Ảnh: PV

Tiến độ di dời dân chậm

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, thực hiện Nghị quyết số 23 (ngày 22/7/2021) của HĐND tỉnh về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2023 UBND tỉnh tiếp tục giao cho 9 huyện miền núi hơn 140 tỷ đồng để triển khai công tác này.

Trong tổng số tiền vừa nêu, nguồn kinh phí giao năm 2023 hơn 130 tỷ đồng (Nam Trà My 40 tỷ đồng, Bắc Trà My 20 tỷ đồng, Tây Giang 18 tỷ đồng, Nam Giang 15 tỷ đồng, Phước Sơn 12 tỷ đồng, Tiên Phước 9 tỷ đồng, Hiệp Đức 7,5 tỷ đồng, Đông Giang 6,7 tỷ đồng, Nông Sơn 1,9 tỷ đồng) và nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang hơn 10 tỷ đồng (Nam Trà My hơn 1,6 tỷ đồng, Tây Giang 1,5 tỷ đồng, Nam Giang 1,5 tỷ đồng, Đông Giang 1,5 tỷ đồng, Phước Sơn 1,5 tỷ đồng, Bắc Trà My 1,5 tỷ đồng, Hiệp Đức 500 triệu đồng, Tiên Phước 500 triệu đồng).

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, kế hoạch đặt ra của năm 2023 là chính quyền 9 huyện miền núi nêu trên tiến hành sắp xếp, di dời tổng cộng 1.329 hộ dân, trong đó, Nam Trà My 480 hộ, Bắc Trà My 216 hộ, Tây Giang 172 hộ, Nam Giang 151 hộ, Phước Sơn 96 hộ, Tiên Phước 89 hộ, Đông Giang 70 hộ, Hiệp Đức 36 hộ, Nông Sơn 19 hộ. Đồng thời, tổ chức di dời, chỉnh trang tại chỗ 1 hộ tại Đông Giang.

Kết quả tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay tiến độ sắp xếp, ổn định dân cư ở nhiều huyện miền núi diễn ra khá chậm. Tính đến ngày 30/6, mới chỉ thực hiện sắp xếp, di dời chỗ ở đối với 398 hộ dân, đạt tỷ lệ gần 30%.

Trong đó, số hộ di dời khẩn cấp do thiên tai là 347 hộ, di dời ra khỏi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ 2 hộ, di dời ở vùng đặc biệt khó khăn 49 hộ. Cạnh đó, tiến hành di dời, chỉnh trang tại chỗ 1 hộ ở Đông Giang.

Trong số 398 hộ đã sắp xếp, di dời nêu trên, có 221 hộ theo diện xen ghép và 177 hộ theo diện tập trung. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nam Trà My đã sắp xếp, di dời 168/480 hộ, Nam Giang 132/151 hộ, Bắc Trà My 47/216 hộ, Đông Giang 30/70 hộ, Phước Sơn 18/96 hộ, Hiệp Đức 3/36 hộ. Các huyện Tây Giang, Tiên Phước, Nông Sơn chưa thực hiện được hộ nào.

Theo số liệu Sở NN&PTNT, tổng số vốn thực hiện hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư tại 9 huyện miền núi tính đến hết ngày 30/6/2023 là gần 41,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn năm 2023 thực hiện được hơn 34,6 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 26,62% so với số vốn UBND tỉnh đã giao) và nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện được hơn 6,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 66,4% so với số vốn UBND tỉnh đã giao)…

Đâu là nguyên nhân?

Lãnh đạo Sở NN&PTNT nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân vốn hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư theo cơ chế Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh ở 9 huyện miền núi trong 6 tháng đầu năm 2023 quá thấp, mới chỉ đạt 29,49% so với tổng nguồn vốn UBND tỉnh đã giao. Nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức triển khai cơ chế ở một số địa phương chưa quyết liệt.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện phê duyệt phương án trước ngày 15/3 nhưng nhiều huyện phê duyệt phương án sau thời điểm nói trên nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc đầu tư các khu tái định cư tập trung để bố trí dân cư ở không ít địa phương chưa đảm bảo tiến độ.

Đáng chú ý, một số huyện khó khăn về quỹ đất bố trí sắp xếp dân cư, đề nghị xây dựng khu tái định cư tập trung nhưng không có vốn thực hiện như Đông Giang, Tiên Phước...

Theo ông Trương Xuân Tý, quỹ đất bố trí dân cư miền núi ngày càng hạn chế do điều kiện địa hình phức tạp, độ dốc lớn. Đặc biệt, biến đổi khí hậu gia tăng nên hiện tượng sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp, dẫn đến việc lựa chọn địa điểm để bố trí dân cư đảm bảo ổn định lâu dài, an toàn trong mùa mưa bão là rất khó khăn.

Ông Trương Xuân Tý kiến nghị UBND tỉnh thời gian tới tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các huyện miền núi đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp dân cư. Cấp huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm với tinh thần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cấp xã bám sát cơ sở để hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Vấn đề đáng quan tâm là, các ngành liên quan cần rà soát, đánh giá khả năng giải ngân vốn năm 2023 của các huyện miền núi, có phương án điều chuyển vốn cho những huyện có nhu cầu. Đặc biệt, các địa phương chủ động bố trí lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn để san ủi mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng nhằm sớm thực hiện sắp xếp dân cư, nhất là ở những vùng thiên tai để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân…

Tác giả: Nguyễn Sự

Nguồn tin: baoquangnam.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website