Bài 1: Những thành tựu quan trọng góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài
Người đăng:
dangtin
Ngày đăng:
15:26 | 03/11
Lượt xem:
92
TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Tại hội nghị lần thứ 13, Tỉnh ủy đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gắn với Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến đến năm 2025. Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, các chỉ tiêu cơ bản đều hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Bài 1: Những thành tựu quan trọng góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài
Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực
Một trong những kết quả quan trọng qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là chất lượng đào tạo ở các cấp học và hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên đáng kể.
Đối với giáo dục mầm non: các đơn vị đổi mới hoạt động giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tăng lên; Quảng Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi từ tháng 9/2015 và năm 2020, đã được Bộ GD và ĐT công nhận duy trì đạt chuẩn kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đối với giáo dục phổ thông: các cơ sở giáo dục tiểu học triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện đảm bảo nội dung, chương trình dạy học, lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn và tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng hai mặt giáo dục ở cấp học phổ thông được duy trì ổn định và tăng hằng năm; tỉ lệ tốt nghiệp THPT xấp xỉ mặt bằng chung cả nước; học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng đạt tỉ lệ cao. Giáo dục toàn diện đạt được nhiều kết quả khả quan; các hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức; hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống được tích hợp, lồng ghép trong kế hoạch giáo dục các nhà trường. Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2020 và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 năm 2023.
Đối với giáo dục đại học: Trường Đại học Quảng Nam 10 năm qua đã tuyển sinh được 23.501 sinh viên; tỉ lệ sinh viên có việc làm sau đào tạo từ 64% - 84,5%.
Cùng với phát triển giáo dục phổ thông và đại học, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng được được quan tâm. Tỉ lệ lao động qua đào tạo hằng năm luôn đạt kế hoạch đề ra, tăng từ 55% (năm 2017) lên 69% (năm 2022); trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 22,5% (năm 2017) lên 29% (năm 2022). Tổng số học sinh theo học nghề giai đoạn 2013 - 2022 là 322.893 người; trong đó, số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trình độ trung cấp tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh là 15.877 người.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo (Phòng thực hành của Trường Cao đẳng THACO)
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức các loại hình học tập phù hợp nhằm đảm bảo cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời cho người dân để nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, toàn tỉnh có 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 22 trung tâm học tập cộng đồng, 108 trung tâm tin học - ngoại ngữ; 05 trung tâm tư vấn du học; 20 trung tâm giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân
Quảng Nam đã thực hiện công tác quy hoạch hệ thống trường học, cơ sở giáo dục đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu; giữa các loại hình, vùng miền, cấp học; triển khai thực hiện việc sắp xếp lại các trường, điểm trường, lớp học gắn với việc bố trí cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông để đáp ứng với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Quy mô các ngành học, cấp học tiếp tục được mở rộng. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 725 trường mầm non, phổ thông công lập; 02 trường đại học; 01 phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 09 doanh nghiệp, đơn vị có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này tỉnh tuyển sinh trên 40.000 học viên.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác mở rộng mạng lưới, quy mô trường, lớp ngoài công lập, nhất là các trường mầm non theo hướng chuẩn và trên chuẩn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập được bảo đảm bình đẳng về cơ hội đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, tôn vinh như cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục đào tạo công lập. Hiện nay, toàn tỉnh có 69 trường mầm non, phổ thông ngoài công lập, 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (chiếm 71,43%) và 01 trường đại học ngoài công lập; hầu hết các cơ sở này đều tuân thủ pháp luật và phát huy vai trò giáo dục, đào tạo. Nhằm đảm bảo công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, việc phát triển đội ngũ cán bộ giáo dục được chú trọng. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo về quy hoạch, tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo. Tổng biên chế sự nghiệp giáo dục - đào tạo hiện nay là 22.407 biên chế, tăng 1.508 biên chế so với năm 2015; toàn ngành có 09 tiến sĩ, 427 thạc sĩ.
Quan tâm đầu tư để phát triển giáo dục - đào tạo
Một trong những điều kiện quan trọng để đổi mới và phát triển giáo dục - đào tạo là ưu tiên đầu tư nguồn lực cả đầu tư cho con người lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong giai đoạn 2013-2023, tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục - đào tạo khoảng 34.775 tỉ đồng; trong đó: chi cho con người là 25.315 tỉ đồng, chi cho hoạt động dạy học là 4.736 tỉ đồng, chi xây dựng cơ sở vật chất, mụa sắm trang thiết bị là 4.722 tỉ đồng.
Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 04/12/2020 của Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ “Tăng cường cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư trang thiết bị đảm bảo các điều kiện dạy học theo hướng đổi mới. Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chất lượng giáo dục, trường học kiểu mẫu”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 547 trường học đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 75,9%; trong đó, mầm non: 179 trường, tỉ lệ 62,4% (có 79 trường đạt mức 2); tiểu học: 186 trường, tỉ lệ 81,9% (có 85 trường đạt mức 2); THCS 158 trường, tỉ lệ 72,5% (có 131 trường đạt mức 2); trung học phổ thông: 24 trường, tỉ lệ 45,3% (có 02 trường đạt mức 2). Quảng Nam tiếp tục dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Chỉ sau 10 năm thành lập, năm 2022 Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Thánh Tông đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 2 (Nguồn: Báo Quảng Nam)
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung quy hoạch, phát triển, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị để nâng cao năng lực quản lý, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Quảng Nam. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với giáo dục nghề nghiệp để từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Nhìn chung, trong 10 năm qua, các cấp Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đạt những kết quả quan trọng. Hầu hết cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ sự cần thiết, nội dung, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh. Hệ thống trường, lớp mầm non, phổ thông và giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch, sắp xếp, đầu tư phát triển. Hệ thống tổ chức đảng trong ngành giáo dục và đào tạo được xây dựng, củng cố, kiện toàn, phát triển. Mô hình trường, lớp bậc học mầm non tư thục phát triển mạnh; bước đầu hình thành một số trường phổ thông nhiều cấp học tư thục. Chất lượng giáo dục phổ thông, mầm non được giữ vững và từng bước nâng lên, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quán triệt, chỉ đạo thực hiện. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu xã hội. Tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt kết quả cao. Nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giáo dục - đào tạo. Công tác xã hội hóa, khuyến học, khuyến tài đạt nhiều kết quả; công tác xây dựng xã hội học tập được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TU cơ bản đều đạt. Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo :“Giáo dục Quảng Nam phát triển tương đối toàn diện cả về giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, nghề nghiệp... Với mạng lưới, quy mô như hiện nay, Quảng Nam nằm trong tốp 10 cả nước”.
Tác giả:
Nguyễn Nhật Hòa
[Trở về]
Các tin mới:
Các tin khác: