Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Đoàn ĐBQH tỉnh / Chương trình hoạt động

A+ | A | A-

Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 8:37 | 12/05 Lượt xem: 5259

Nhằm tiếp tục thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; sáng ngày 11/5, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm các ông: Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Dương Văn Phước – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, bà Đặng Thị Bảo Trinh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn có buổi tiếp xúc cử tri với cán bộ, công chức dân vận, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố.

Báo cáo khái quát về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Quảng Nam, bà Huỳnh Thị Thùy Dung, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh đã khái quát các nội dung lớn về kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 11-CTr/TU ngày 13/12/2021 về tiếp tục thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở - đây là chương trình chuyên đề đầu tiên thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy Tỉnh ủy quan tâm, chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Bên cạnh kết quả đạt được, việc lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, quán triệt để CBCC, viên chức và người dân chưa được thường xuyên, chú trọng; vận hành và thực hiện quy chế ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức; một bộ phận CBCC, viên chức chưa tận tụy thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc được giao, chưa thể hiện tinh thần gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân, làm thiếu niềm tin trong nhân dân; người đứng đầu một số cấp ủy cơ quan chưa gương mẫu trong thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, dẫn đến tình trạng nghi ngờ, phát sinh đơn thư và thiếu đoàn kết, thống nhất trong nội bộ…

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Mở đầu tham gia ý kiến góp ý tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Phi Hùng cho biết, nội dung phương châm “dân giám sát, dân thụ hưởng” mới được bổ sung trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là nội dung “dân thụ hưởng”. Do đó, đề nghị bổ sung một điều luật (sau Mục 5 chương II) để cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” vào dự thảo Luật; cụ thể, chính quyền cấp xã phải bảo đảm công khai, minh mạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa kiểu người dân phải “xin - cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của Nhân dân. Công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…đối với Nhân dân địa phương. 

“Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị và giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân một cách dứt điểm, kịp thời và hiệu quả. Quy định rõ tinh thần, thái độ tận tình phục vụ Nhân dân, trách nhiệm công vụ của đội ngũ CB,CC cấp xã đối với Nhân dân; Quy định hằng năm tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.” Ông Nguyễn Phi Hùng góp ý.

Đồng thời Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đề nghị bổ sung quy định trong quy hoạch và điều chỉnh các loại quy hoạch tại địa phương cần phải thực hiện công khai, minh bạch và lấy ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư và người dân địa phương… theo các Luật liên quan khác đã quy định. Định kỳ 2 năm/lần, MTTQ cấp xã chủ trì tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt HĐND, UBND cấp bầu.

Quy định về tỷ lệ cử tri tham dự cuộc họp ở thôn, tổ dân phố: Cần quy định rõ, cụ thể trong dự thảo Luật về số lượng cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tối thiểu phải bảo đảm để tiến hành cuộc họp thôn, tổ dân phố.

Việc bổ sung các quy định, mở rộng dân chủ trong nhân dân là rất cần thiết; tuy nhiên Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Dương Thị Thanh Hiền băn khoăn về tính khả thi trong thực hiện quy định, do phát sinh thêm các thủ tục hành chính liên quan; trong khi nhân lực ở cơ sở ngày càng ít đi thì có thể sẽ dẫn đến tính hình thức trong việc thực hiện các bước, quy trình để lấy ý kiến nhân dân.

Ông Dương Văn Chí – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ đề nghị dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm của nhân dân, vì thực tế nhiều cuộc họp, hội nghị mời dân tham gia họp, góp ý nhưng ít tham gia, không đảm bảo tỷ lệ theo quy định. Về hình thức công khai, đại biểu đề nghị cần mở rộng, đa dạng thêm hình thức mạng xã hội theo thời đại công nghệ số. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức vào những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến trước khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định…

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam Lê Văn Dũng cảm ơn các ý kiến góp ý sâu sắc, phản ánh thực tiễn trong quá trình thực hiện các quy định dân chủ ở cơ sở thời gian qua. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến hợp lý, để báo cáo Quốc hội nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo Luật, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân… Sau hội nghị, đề nghị đại biểu tiếp tục nghiên cứu ở nhiều góc độ, tham gia góp ý gửi về Đoàn ĐBQH tỉnh bằng văn bản hoặc các kênh thông tin khác; đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nghiên cứu Hộp thư góp ý Luật trên Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh để cử tri và nhân dân có nhiều kênh thông tin góp ý xây dựng pháp luật.

Tác giả: Vinh Phạm

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website