Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Đoàn ĐBQH tỉnh / Chương trình hoạt động

A+ | A | A-

Khuyến nghị nhiều nội dung về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 8:19 | 09/01 Lượt xem: 4067

Chiều ngày 06.01, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tham gia phát biểu, đồng chí Dương Văn Phước – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến nghị bổ sung, hoàn thiện dự án luật.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước phát biểu tại Hội trường

Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, tại khoản 5 Điều 4, dự thảo quy định: “Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước”. Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng quy định này rất cần thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn, giải quyết vấn đề thiếu nghiêm trọng đội ngũ y, bác sỹ tại tuyến cơ sở. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá tác động để quy định này đảm bảo tính khả thi bởi lẽ, việc luân phiên sẽ tác động đến tâm lý, tình cảm, điều kiện làm việc, sinh hoạt của các đối tượng này. Bên cạnh đó, việc đào tạo theo ekip, hình thành các ekip làm việc  khoa học, rất hiệu quả, nếu luân chuyển cũng sẽ tác động nhất định đến chất lượng khám, chữa bệnh vì phá vỡ các ekip này. Vì vậy, cần quy định cụ thể về hình thức luân phiên để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên khoa hóa trong khám, chữa bệnh và cần có chính sách đầu tư chiến lược, lâu dài, trong đó có chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đội ngũ y, bác sỹ về làm việc ở tuyến cơ sở, đảm bảo thực thi hiệu quả chính sách pháp luật về y tế thời gian tới.

Về quyền kiến nghị và bồi thường, đề nghị bổ sung quyền của người bệnh vào khoản 1, Điều 14 với nội dung: “Được yêu cầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề xin lỗi trong trường hợp để xảy ra sai sót về trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh, hoặc về chuyên môn kỹ thuật”. Vì trên thực tế nhiều trường hợp sự cố y khoa xảy ra do lỗi từ người hành nghề, từ cơ sở khám, chữa bệnh, tuy nhiên người bệnh, thân nhân người bệnh không yêu cầu bồi thường mà chỉ cần một lời xin lỗi, vì vậy việc quy định người bệnh có quyền được yêu cầu người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xin lỗi là cần thiết, góp phần giải quyết dứt điểm vụ việc phát sinh, giảm thiểu việc khiếu kiện, tranh tụng phức tạp.

Về thu hồi giấy phép hành nghề, tại điểm c, d, đ khoản 1 dự thảo quy định các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề, như: giấy phép hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền; giấy phép hành nghề có sai sót về thông tin; giấy phép hành nghề cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Như vậy, các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề nêu trên là do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề cấp sai thông tin, cấp chưa đúng thẩm quyền... Trong khi đó, việc cấp mới hoặc cấp lại giấy phép hành nghề theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 và điểm a khoản 4 Điều 31 thì người hành nghề phải nộp phí theo quy định là không hợp lý, gây thiệt thòi cho người hành nghề khi sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Từ đó, đại biểu Phước đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các trường hợp như trên và đề nghị không thu phí khi cấp lại giấy phép hành nghề trong trường hợp bị thu hồi do lỗi sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Tác giả: Văn Phong

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website