Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Nhìn lại kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và định hướng kế hoạch giai đoạn 2021-2025

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 9:03 | 07/12 Lượt xem: 10743


Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng. Từ nguồn lực này, những năm qua kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực được đầu tư và từng bưóc hoàn thiện tạo điều kiện cho phát triển kinh tế cũng như nâng cao mọi mặt đời sống của Nhân dân. Trong giai đoạn đến, đầu tư công sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của tỉnh.   

Đầu tư công tạo sự chuyển biến lớn trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư công thực tế giai đoạn 2016-2021 là 33.557 tỉ đồng, bằng 141% so với giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Vốn đầu tư công được tập trung bố trí đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, cải thiện, tăng cường chất lượng dân sinh, đảm bảo cơ bản và nâng cao các nhu cầu xã hội thiết yếu như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, giảm nghèo và quốc phòng - an ninh, cải thiện môi trường đầu tư...; góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,9%/năm.

Các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh được lập và triển khai thực hiện tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức theo các mục tiêu ưu tiên. Các dự án trong kế hoạch trung hạn được lựa chọn, đầu tư theo định hướng phát triển chung; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ngân sách trong quản lý. Việc quản lý và triển khai thực hiện kế hoạch cơ bản đảm bảo tính toàn diện, thống nhất, phân bổ nguồn vốn đầu tư cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả đầu tư công đã từng bước được cải thiện, đầu tư tập trung; tăng cường sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực.

Trên lĩnh vực giao thông: đã nâng cấp các tuyến đường quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo sự lan tỏa phát triển từ thành thị đến nông thôn, kết nối giữa đồng bằng và miền núi, cũng như giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, xúc tiến đầu tư, phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân như: hoàn thành giai đoạn I đường ven biển từ Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành đến sân bay Chu Lai; nâng cấp và mở rộng tuyến đường ĐT607; đường Quốc lộ 40B (đoạn từ đường vào tuyến cao tốc đến đường tránh thị trấn Tiên Kỳ); nhiều tuyến giao thông quan trọng khác cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: cầu Giao Thủy; nâng cấp các tuyến ĐT605, ĐT608...

Trên lĩnh vực y tế: tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô giường bệnh, phát triển một số kỹ thuật mũi nhọn y tế chuyên sâu; đầu tư nâng cấp và xây dựng các bệnh viện tuyến tỉnh, như Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc; mạng lưới y tế cơ sở, phòng khám đa khoa khu vực,  hệ thống xử lý chất thải y tế các bệnh viện (đạt trên 90% kế hoạch)…

Trên lĩnh vực giáo dục: chủ yếu tập trung cho công tác xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, chú trọng đầu tư các trường chuyên, trường chất lượng cao, như: Trường THPT chất lượng cao Quảng Nam, Trường chuyên Lê Thánh Tông,...Việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học đã nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia và đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 531 trường học đạt chuẩn, tỷ lệ 66,3% và tiếp tục dẫn đầu các tỉnh Duyên hải miền Trung về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, do vậy cần quan tâm tăng nguồn vốn đầu tư trên lĩnh vực này

Trên lĩnh vực nông nghiệp: tập trung đầu tư các dự án thủy lợi, đê, kè phòng chống thiên tai; hạ tầng nghề cá, phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; sửa chữa, nâng cấp 04 hồ chứa nước và xây dựng mới 03 hồ chứa nước làm tăng 750ha diện tích chủ động tưới trên địa bàn tỉnh; đầu tư 02 dự án đê, đập đã đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt cho 1.850ha đất canh. Nâng cấp, sửa chữa 04 tuyến kè biển với tổng chiều dài 2.849,2m và xây dựng 03 tuyến kè sông với chiều dài 2.430m... Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã có hơn 2.500 dự án được đầu tư, trong đó: bê tông hóa đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng trên 830km; 800 km kênh mương được kiên cố phục vụ tưới hơn 2.000ha; hơn 287km đường dây trung áp, hơn 241km đường dây hạ áp; 500 trạm biến áp và hơn 53.00 công tơ; 760 dự án đầu tư về cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư mới và sửa chữa; 62 chợ được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp trên địa bàn các xã,... Các kết quả trên đã từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn của tỉnh.

Ngoài ra, vốn đầu tư công được sử dụng đầu tư tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện của tỉnh những năm qua.

Một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Mặc dù việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm khắc phục:

Công tác lập kế hoạch còn lúng túng, điều chỉnh nhiều lần; công tác chuẩn bị đầu tư chưa được chuẩn bị và thực hiện đầy đủ. Quá trình lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư chưa được thực hiện triệt để, vẫn dựa nhiều vào các chỉ tiêu định tính, thiếu các tiêu chí mang tính định lượng để đánh giá, sắp xếp. Việc hoàn thiện thủ tục của các dự án đầu tư công, đặc biệt là công tác lập danh mục, triển khai các dự án khởi công mới hằng năm tốn nhiều thời gian.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đạt tỷ lệ thấp, dẫn đến cắt giảm, điều chuyển các nguồn vốn dự án và nguồn vốn không sử dụng hết; vốn kéo dài từ năm kế hoạch sang năm sau kế hoạch còn lớn, ảnh hưởng đến giải ngân; một số dự án có sử dụng nguồn ngân sách Trung ương không sử dụng hết bị thu hồi. Nợ xây dựng cơ bản tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn, cần phải bố trí nguồn vốn của kế hoạch năm sau để xử lý, tạo ra áp lực đối với ngân sách các cấp.

Công tác đấu thầu một số nơi chưa thật sự nghiêm túc, thiếu sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng. Một số dự án hoàn thành dỡ dang, chậm bàn giao, quyết toán, dẫn đến tình trạng kéo dài tiến độ, hiệu quả chưa cao, gây lãng phí nguồn lực trong đầu tư.

Công tác giải quyết thủ tục hành chính nhiều nơi còn chậm, tạo rào cản, gây khó khăn cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp trong việc tận dụng lợi thế và cơ hội tại thời điểm triển khai dự án, ảnh hưởng đến công tác giải ngân và hiệu quả thực hiện dự án. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan tham gia vào quản lý đầu tư công, đặc biệt là khâu thẩm tra, thẩm định dự án vẫn chưa thực hiện tốt; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Tình trạng đầu tư dàn trãi, không cân đối giữa các ngành, lĩnh vực tuy được hạn chế nhưng vẫn còn tồn tại. Đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn chiếm tỉ trọng quá lớn trong tổng vốn đầu tư (gần 1/3 tổng nguồn vốn), trong khi đó đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế vẫn còn khiêm tốn (khoảng 5,4%). Ngoài ra, một số dự án giao thông được đầu tư với quy mô lớn nhưng chưa cấp thiết dẫn đến hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng thấp. Ngược lại, nhiều dự án cấp thiết của ngành giáo dục, y tế lại chưa được quan tâm đúng mức.

Những định hướng đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Với vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện  ngân sách có hạn, đòi hỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần được tiếp tục đổi mới, xây dựng một cách hợp lý, đảm bảo tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ đã được nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, nâng cao hiệu quả đầu tư công ngay từ khâu lập kế hoạch đến khâu thực hiện, phát huy tối đa các bài học kinh nghiệm tốt, nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước với các giải pháp, bước đi vững chắc, phù hợp.

Trước hết, phải đảm bảo công bằng giữa các địa phương, giữa các vùng trên địa bàn tỉnh; việc phân bổ kế hoạch đầu tư công phải dựa trên đặc điểm về tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế xã hội và xem xét nhu cầu đầu tư của từng địa phương. Tập trung rà soát, nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ đầu tư đối với từng vùng, miền trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án, đảm bảo rút ngắn tối đa khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi. Tiếp tục phát triển vùng Đông thành vùng động lực để phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh; đồng thời, thúc đẩy phát triển vùng Tây của tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng đô thị tại một số trung tâm hành chính, xây dựng nông thôn mới, nhất là các huyện miền núi. Phân bổ vốn hợp lý cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các ngành và các cấp chính quyền địa phương. Khắc phục tối đa tình trạng đầu tư phân tán, dàn trãi, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của các ngành và địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công; chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên, các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện. Tập trung ưu tiên phân bổ vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án thuộc chương trình MTQG, chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, dự án kết nối, có tác động liên vùng; đảm bảo tỷ lệ cân đối vốn ngân sách nhà nước bao gồm vốn đầu tư và vốn chi thường xuyên chi cho giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường theo quy định.

Đồng thời, cần đảm bảo cân đối, hòa hòa giữa các ngành, lĩnh vực; giữa tăng trưởng kinh tế trước mắt và các mục tiêu cho tương lai xa hơn (các dự án đầu tư cho y tế, giáo dục).

Tăng cường vai trò của HĐND các cấp trong việc quyết định, giám sát các dự án đầu tư để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website