Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Vượt qua thách thức, thích ứng linh hoạt, an toàn để đưa Quảng Nam tiếp tục phát triển

Người đăng: truongban Lượt xem: 55673

Những ngày tháng cuối cùng sắp trôi qua để khép lại năm 2021, một năm đầy khó khăn, thách thức đối với sự phát  triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh vẫn có những gam màu sáng nổi trội, tạo động lực cho Quảng Nam vượt qua thách thức, thích ứng linh hoạt, an toàn để tiếp tục phát triển.

Nhiều khó khăn, thách thức tác động đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển chung của tỉnh

Khi chuẩn bị bước vào năm 2021, dẫu là những dự báo lạc quan nhất cũng phải nhìn nhận rằng trong bối cảnh chung của cả nước, Quảng Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Diễn biến thực tế trong năm cho thấy những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài ảnh hưởng đến kinh tế cả nước, trong đó có tỉnh ta. Nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội với mức độ chưa từng có, thời gian kéo dài, một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch hoặc hoạt động kinh doanh cầm chừng, xuất nhập khẩu ngưng trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất có lao động phải tạm ngừng hoặc làm việc luân phiên, chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào bị gián đoạn gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Chỉ số sử dụng lao động ước tính giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước. 

Cùng với dịch bệnh, thiên tai liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, tính đến nay đã diễn ra 06 đợt thiên tai, làm 03 người chết, 13 người bị thương, ước tính thiệt hại trên các lĩnh vực khoảng 501 tỷ đồng. Ngân sách phải chi hàng trăm tỉ đồng để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân…

Thiên tai, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. So với 17 chỉ tiêu theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra năm 2021, dự kiến đến cuối năm có 10 chỉ tiêu đạt và xấp xỉ đạt, 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dự kiến năm 2021 khoảng 5,1%, chưa đạt kế hoạch năm 2021 đề ra (từ 6,5-7%). Thương mại - dịch vụ chưa hồi phục, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị giảm sâu. Hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19, lượng khách đến tham quan và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch năm 2021 ước đạt 480 tỷ đồng, giảm 55,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 92,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 1.128 tỷ đồng. Tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 444 nghìn lượt khách, giảm 53,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế giảm 96,9%.

Có 700 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 42% cùng kỳ; 173 doanh nghiệp giải thể, giảm 38% cùng kỳ và 287 doanh nghiệp chờ giải thể tăng 88%. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang khó khăn với các khoảng nợ có thể dẫn đên giải thể, phá sản; khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm và thiệt hại khoảng 13.000 tỷ đồng.

Những thành quả nổi bật, đáng phấn khởi

Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh thì vẫn có những gam màu sáng nổi trội. Nhìn tổng quát, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, chúng ta vẫn đạt và vượt 13/17 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đã được HĐND giao là kết quả đáng phấn khởi. Đã thực hiện có hiệu quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 5,1%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng trường cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng chế độ, chính sách; tổ chức an toàn, thành công các kỳ thi và tổ chức năm học mới học sinh được học tập trực tiếp trong môi trường kiểm soát được dịch bệnh; đời sống Nhân dân tiếp tục được chăm lo, cải thiện. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công, an toàn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Điều này thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Trước hết, Quảng Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nghiêm túc quán triệt, quyết liệt triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; kiên trì thực hiện phương châm “5K + vắc xin”, dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Mặc dù xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhập, nhưng nhờ chiến lược thần tốc xét nghiệm, truy vết, sử dụng tối đa công nghệ thông tin hỗ trợ, tỉnh Quảng Nam đã hạn chế thấp nhất nguồn lây.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng đây là mức trưởng khá trong bối cảnh chịu tác dộng hết sức nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, là một trong những tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng khá của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 60.491 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng vẫn luôn giữ mức tăng trưởng ổn định, tăng 3,3,6% so với năm 2020, nhiều mô hình phát triển có giá trị gia tăng cao và các mô hình sản xuất thực phẩm hữu cơ, sạch và mang tính bền vững đang dần được phổ biến và phát triển trên địa bàn tỉnh. Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự đột phá, phục hồi với mức tăng trưởng đạt 7,8% so với cùng kỳ, trong đó: lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% so với dự toán, trong đó ước thực hiện thu nội địa 17.519 tỷ đồng, đạt 109,49% dự toán. Cơ cấu nguồn thu chuyển biến theo hướng tích cực, ít lệ thuộc vào một số sản phẩm chủ lực (số thu từ ô tô chiếm hơn 70% tổng thu nội địa vào năm 2015, giảm xuống dưới 50% trong năm 2021).

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tốt góp phần từng bước thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16 tiêu chí/xã, tăng 4,46 tiêu chí so với năm 2015 và tăng 13,35 tiêu chí so với năm 2010. Có 118 xã/194 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt tỷ lệ 60,8%, vượt 2 xã so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đã đề ra. Có 04 địa phương (Điện Bàn, Phú Ninh, Tam Kỳ, Hội An) hoàn thành nhiệm vụ Nông thôn mới tiếp tục duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí mới. Huyện Duy Xuyên có 100% số xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt 9/9 tiêu chí cấp huyện. Có 06 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến cuối năm 2021, có thêm 04 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã Nông thôn mới nâng cao lên 10 xã.

Thích ứng linh hoạt, an toàn để đưa Quảng Nam tiếp tục phát triển

Bước vào năm 2022, từ tình hình thực tế năm qua, theo đánh giá tổng quan có thể thấy nền kinh tế vẫn chưa thể thoát hẳn ra khỏi giai đoạn trì trệ. Dự kiến những khó khăn, thách thức trong năm 2021 (nhất là tình hình dịch bệnh) vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong sau. Trong kịch bản lạc quan nhất, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, song tốc độ vẫn chậm; lĩnh vực nông nghiệp vẫn ổn đinh nhưng khó có tạo chuyển biến căn bản, vượt trội so với năm trước; khu vực dịch vụ sẽ chuyển biến tích cực hơn, nhưng chưa có khả năng tạo đột phá cho tăng trưởng chung. Khu vực nông thôn, miền núi tuy được quan tâm đầu tư nhưng do địa bàn rộng, tỉ lệ hộ nghèo cao nên chưa thể bắt kịp ngay với đà phát triển chung của tỉnh. Trên bình diện toàn tỉnh, việc giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo, đảm bảo căn bản an sinh xã hội vẫn là một thách thức không nhỏ.


Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những
nhiệm vụ cần quan tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo.


Để vượt qua thách thức tiếp tục đưa Quảng Nam phát triển, trong thời gian đến ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân thì việc đề ra các giải pháp khả thi, phù hợp và hiệu quả là điều hết sức quan trọng.

Thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo điều kiện để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đà tăng trưởng; nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Như đã nói, trong một tương lai gần chưa thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ của dịch bệnh Covid-19 và năm 2021 chắc chắn là không thể. Do vậy, cần có các giải pháp phù hợp thích ứng mới để vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế; thực hiện tốt Nghị quyết số 128 của Chính phủ; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò người dân là trung tâm, là chù thể, là “chiến sỹ”; vai trò doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong sản xuất an toàn, ngày càng chủ động trong ứng phó linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh. Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; y tế là trụ cột; cách ly, xét nghiệm là then chốt; vắc xin và thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết. Kiên trì thực hiện tốt dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống xã hội. Đây là một giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, ngoài yếu tố tiêu cực thì cũng góp phần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và đây là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế.

Để từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá cân xây dựng và thực hiện tốt phương án phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 phù hợp với trạng thái “bình thường mới”; rà soát, đánh giá, tổng kết hiệu quả việc triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Đề xuất các giải pháp mới để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. Phát triên nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới, nông thôn văn minh gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong một tầm nhìn xa hơn, để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh cần đẩy mạnh việc thực hiện ba nhiệm vụ đột phá. Mục tiêu hướng đến là đảm bảo Quảng Nam có một kết cấu hạ tầng đồng bộ cả về hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, kinh  tế và hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực cũng được xác định là một điểm đột phá quan trọng giúp Quảng Nam vượt lên. Giải pháp cần thực hiện là tổ chức thực hiện tốt qui hoạch phát triển nguồn nhân lực. Vừa chú trọng đào tạo nghề, đào tạo lao động nông thôn phục vụ cho yêu cầu trước mắt, vừa quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài. Đột phá thứ ba là cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và phát triển doanh nghiệp./.

Tác giả: Nguyễn Nhật Hòa

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ