Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Quảng Nam cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022

Người đăng: dangtin Lượt xem: 23846

Sáng nay 25.7, Tổ công tác số 5 của Chính phủ về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.


Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Chính phủ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: T.D

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh làm việc với đoàn.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 22.7, Quảng Nam đã phân bổ hơn 5.487 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (đạt 93,6%), bao gồm ngân sách trung ương phân bổ 100%, vốn ngân sách địa phương 91,6% (số còn lại chưa phân bổ hơn 373,3 tỷ đồng).

Số liệu của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) đến hết ngày 22.7 khoảng 2.037 tỷ đồng (đạt 33,6%). Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 giải ngân hơn 1.934 tỷ đồng, đạt 34,5% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, đạt 33% so với kế hoạch vốn được giao; kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài giải ngân hơn 102 tỷ đồng (đạt 22,3%). Kết quả giải ngân này đã đạt trên mức trung bình chung của cả nước. Quảng Nam cam kết sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang thừa nhận kết quả giải ngân của địa phương tuy cao hơn so với kết quả giải ngân cùng kỳ và trung bình chung của cả nước, nhưng chưa đạt yêu cầu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Nguyên nhân là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm tác động lớn đến các hoạt động thực hiện của chương trình, dự án, như: công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, huy động nhân công, tiến độ thi công các dự án, lưu thông nguyên vật liệu xây dựng. Giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá thép, xăng dầu và việc thiếu các mỏ đá, mỏ đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng và làm chậm tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ thuộc vào chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, địa phương... Bao gồm: các đơn vị và địa phương thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 và tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán khối lượng. Công tác tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát; công tác chuẩn bị thủ tục dự án mới chậm, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư chưa được tập trung giải quyết; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực.

Các dự án chuyển tiếp gặp vướng mắc về công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá đền bù, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất. Các dự án khởi công mới chậm trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, thương thảo hợp đồng. Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ giải ngân đạt 17,1% (ngân sách trung ương cấp phát 13,9%, tỉnh vay lại 19,8%) do gặp vướng mắc trong thủ tục giải ngân dự án, thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án hoặc đang hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện.

Một số dự án có kế hoạch vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực năm 2022 lớn, tỷ lệ giải ngân thấp chủ yếu do quá trình phê duyệt dự án kéo dài và vướng mắc trong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, chưa có mặt bằng thi công nên không có khối lượng nghiệm thu để thực hiện giải ngân kế hoạch vốn...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu thay đổi nhiều cơ chế, chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng đối tượng dự án được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai dự án, đẩy nhanh giải ngân kế hoạch đầu tư công. Yêu cầu nghiên cứu giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm (cần dự kiến cụ thể từng năm) để các địa phương chủ động lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch từng năm phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị nghiên cứu thay đổi nhiều cơ chế, chính sách để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.D

Quảng Nam cũng kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh và thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm theo từng cấp HĐND; kéo dài kế hoạch đầu tư công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài; bổ sung thêm quy định cho phép được điều chuyển vốn sang dự án khác đối với nguồn vốn năm trước chưa sử dụng hết được phép kéo dài sang năm sau nhưng khi thanh toán, quyết toán dự án còn thừa vốn để nhằm tăng tỷ lệ giải ngân chung.

Chính phủ, các bộ ngành xem xét, thống nhất cho phép điều chỉnh giá vật liệu cho những hợp đồng theo đơn giá cố định và trọn gói bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng; gia hạn, điều chỉnh thời gian thực hiện từng dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2022.

Thông qua nhiều ý kiến trao đổi của địa phương và các thành viên của tổ công tác, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao việc địa phương thể hiện quyết tâm cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Quảng Nam đã đưa ra giải pháp trước mắt, dài hạn, cơ chế tốt có để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân hiện tại không phản ánh được điều gì bởi tỷ lệ có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Quan trọng nhất là kết quả giải ngân cuối cùng trong năm kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Quảng Nam cần tiếp tục bám sát, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Nhanh chóng hoàn thành việc phân bổ hết vốn đầu tư đã được giao. Thực hiện đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân thông qua các cơ chế tăng cường trách nhiệm, giao nhiệm vụ cho từng cá nhân cụ thể gắn tiến độ. Nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên thực hiện công tác tư vấn, phê duyệt, quản lý đầu tư, hoàn chỉnh các hồ sơ chất lượng tốt. Vận dụng linh hoạt giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm, thanh quyết toán ngay khi có khối lượng thi công. Hy vọng với việc tập trung các giải pháp, cơ chế đang vận hành tốt, Quảng Nam sẽ đạt tỷ lệ giải ngân tối đa kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết toàn bộ kiến nghị, yêu cầu của địa phương sẽ được ghi nhận, tổng hợp, trình lên Chính phủ, Quốc hội để xem xét quyết định có thể điều chỉnh hay sửa đổi, bổ sung vào cơ chế, chính sách thực hiện Luật Đầu tư công…

Tác giả: T.D

Nguồn tin: https://baoquangnam.vn/thoi-su-kinh-te/quang-nam-cam-ket-giai-ngan-100-ke-hoach-von-dau-tu-cong-nam-2022-130036.html?

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website