Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 8:20 | 27/07 Lượt xem: 5915

Giám sát đầu tư ngân sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi là vấn đề khó. Và việc có nhiều cơ quan quản lý các chính sách, mỗi chính sách lại có nguồn vốn, cơ chế vận hành khác nhau đã dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp trong quản lý, điều hành, làm cho hiệu quả đầu tư chưa đạt mục tiêu đề ra. Do vậy, cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của cơ quan dân cử trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Hiệu quả đầu tư chưa đạt mục tiêu đề ra

Kỹ năng thẩm tra, giám sát ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số do Hội đồng Dân tộc tổ chức trong hai ngày 21 - 22.7. Theo các đại biểu, miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện có nhiều chính sách đang thực hiện, với nhiều chương trình, dự án khác nhau, làm cho nguồn lực đầu tư của Nhà nước bị phân tán, dàn trải, manh mún. Việc có nhiều cơ quan quản lý các chính sách và mỗi chính sách lại có nguồn vốn, cơ chế vận hành khác nhau đã tạo nên sự chồng chéo, trùng lặp trong quản lý điều hành, làm cho hiệu quả đầu tư chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan dân cử, đại biểu dân cử phải giám sát chặt chẽ hơn nữa việc tổ chức thực hiện chính sách đầu tư cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời có các biện pháp tăng cường năng lực, kỹ năng giám sát cho các đại biểu dân cử.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử người dân tộc thiểu số

Chia sẻ tại Hội nghị tập huấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, PGS. TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh, trọng tâm giám sát ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi là giám sát việc phân bổ ngân sách, phân bổ nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua chương trình, mục tiêu, qua ngân sách đầu tư phát triển. Giám sát quá trình chấp hành ngân sách như kiểm soát chi, giải ngân, sử dụng ngân sách và thanh toán. Giám sát quy trình và căn cứ phê chuẩn quyết toán ngân sách đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia…

Thời gian qua, các cơ quan dân cử đã chú trọng và chủ động giám sát việc thực hiện nhằm bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy hiệu quả cao nhất, đem lại nhiều lợi ích nhất cho địa phương và đồng bào các dân tộc. Mới đây, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc kiểm tra sử dụng ngân sách phát triển vùng dân tộc. Cụ thể, tính đến tháng 7.2022, Hà Nội đã bố trí 983 tỷ đồng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kế hoạch số 253/KH-UBND để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030. Theo đánh giá ban đầu, nguồn vốn sự nghiệp đầu tư cho Chương trình còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, vì vậy việc thành lập Đoàn kiểm tra là cần thiết để xem xét bố trí kế hoạch vốn năm 2023.

Nâng cao kỹ năng giám sát đầu tư ngân sách

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra, việc thảo luận, giám sát dự toán, báo cáo thực hiện ngân sách nói chung, ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, đầu tư ngân sách chưa sâu, chưa quyết liệt, chưa xác định đầy đủ trách nhiệm trong quản lý điều hành và sử dụng ngân sách. Hạn chế này đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng quyết định và giám sát ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Đặng Văn Thanh, các đại biểu dân cử cần dành công sức, trí tuệ và thời gian để giám sát lĩnh vực này. Nâng cao hơn nữa năng lực, hiểu biết về nghiệp vụ và thực tiễn. Sử dụng có hiệu quả các báo cáo của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Quan điểm đưa ra trên cơ sở nhìn nhận toàn cục, tổng thể, tránh cục bộ và phiến diện. Các đại biểu có thể sử dụng ý kiến tư vấn, phân tích của chuyên gia trong các vấn đề cụ thể, mang tính chuyên môn sâu. Từ ý kiến chuyên gia, các đại biểu sẽ có thêm thông tin và nhận định đa chiều, qua đó củng cố lập luận, bổ sung lý lẽ và là căn cứ khoa học để hình thành ý kiến, quan điểm.

Một số đại biểu cho biết thêm, khi giám sát về ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần nghiên cứu kỹ các Báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát, đối chiếu với dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Đối chiếu kết quả thực hiện của cả nước, bộ, ngành, địa phương chịu sự giám sát dự toán ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, so sánh kết quả đạt được qua các năm để thấy được khả năng hoàn thành dự toán, sự tiến bộ trong công tác quản lý. Tìm hiểu rõ các vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế dẫn đến khó hoàn thành được dự toán, giải ngân để có đánh giá phù hợp và đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Giám sát ngân sách nhà nước luôn là vấn đề khó, trong đó có giám sát đầu tư ngân sách nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả giám sát của cơ quan dân cử phải góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng ban hành, tổ chức thực hiện chính sách đối với khu vực này của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Tác giả: Anh Thảo

Nguồn tin: https://daibieunhandan.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website