Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam

Người đăng: dangtin Lượt xem: 26805

Sáng nay, 27.7.2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Quốc hội đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025; các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường tham dự và phát biểu tại buổi làm việc. 


Quang cảnh buổi làm việc

Kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề


Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã thông tin những nét chính trong khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025,.. Với việc ban hành 14 Nghị quyết, 3 Kết luận chuyên đề, đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc; tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo và sự nêu gương, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, tạo chuyển biến đồng bộ, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực tỉnh Quảng Nam đã đạt những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. 

Năm 2021 là năm chịu tác động bất lợi của dịch Covid nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam đạt 5,04%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 102.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 23.773 tỷ đồng, đạt 123% so với dự toán; điều tiết về ngân sách Trung ương trên 2.126 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2022 kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 22%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,4%; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 2.390 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.681 tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán Trung ương giao, tăng 43,6% so với cùng kỳ. Dự báo khả năng thu ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn thành dự toán năm và có khả năng vượt kế hoạch đề ra.

Với đặc thù là tỉnh có số đối tượng người có công, đối tượng chính sách chiếm tỷ lệ 23% dân số (với 65.477 liệt sĩ, 30.782 thương, bệnh binh và các đối tượng chính sách khác, có 15.332 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) tỉnh luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công. Ngoài việc kịp thời thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách khác cải thiện, nâng cao mức sống người có công.

Báo cáo về tiến độ thực hiện Nghị quyết 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho biết ngay sau khi có Nghị quyết 43 tỉnh đã có kế hoạch thực hiện, tiến hành rà soát xác định danh mục dự án dự kiến đầu tư từ Chương trình. Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn thực hiện các dự án, HĐND tỉnh cũng đã kịp thời tổ chức kỳ họp, quyết định chủ trương đầu tư các dự án theo thẩm quyền.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Đoàn công tác và các cơ quan giải quyết nhiều vấn đề.

Cụ thể tỉnh đề nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ về cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án đã được thống nhất chủ trương như: Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang; Khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Làng Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng. Để phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông – Tây, Quảng Nam đề nghị Trung ương sớm quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 14B đoạn qua tỉnh Quảng Nam (42km) để đồng bộ với thành phố Đà Nẵng; tuyến Quốc lộ 14G đoạn qua tỉnh Quảng Nam; Quốc lộ 14D và nâng cấp một số tuyến quốc lộ khác như: 14H, 40B, 24C...

Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh; tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng đô thị Tam Kỳ với quy mô diện tích và dân số như hiện nay thì đến năm 2030 vẫn không đạt tiêu chí về diện tích và dân số; vì vậy, đề nghị Trung ương cho chủ trương thực hiện sáp nhập một số đơn vị cấp huyện liên vùng với thành phố Tam Kỳ để xây dựng đô thị Tam Kỳ đảm bảo tiêu chí đô thị loại I theo quy định.

Tỉnh cũng đề nghị các cơ quan Trung ương khi xây dựng mới các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN cần nghiên cứu, đánh giá phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động các nguồn thu vào NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới để giao dự toán thu, tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp, tạo điều kiện cho địa phương hoàn thành chỉ tiêu thu, đảm bảo ổn định nhiệm vụ chi; điều chỉnh tỷ lệ nguồn vượt thu của địa phương theo hướng trích 50% cho công tác cải cách tiền lương, 50% cho công tác đầu tư phát triển của địa phương.

Cùng với đó, tỉnh đề nghị có cơ chế xét tuyển hoặc thi tuyển riêng dành cho cán bộ là người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ ổn định, lâu dài cho khu vực miền núi; tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho cán bộ làm việc tại khu vực này để thu hút, động viên cán bộ yên tâm công tác...

Hoàn thành đúng tiến độ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030

Phát biểu kết luận buổi làm việc Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Quảng Nam đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách người có công, là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất và có nhiều mô hình, cách làm hay thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa. 

Đánh giá cao những thành tựu nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quy mô kinh tế của tỉnh tuy đã ngày càng mở rộng nhưng cũng vẫn còn khiêm tốn; hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo năng lực sản xuất mới còn hạn chế; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp (mới đạt 40%); tốc độ đô thị hóa còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng; thu ngân sách đạt và vượt dự toán nhưng chưa thực sự bền vững; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, chuyển đổi số còn ở mức trung bình so với cả nước...

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong quý IV/2022 theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về công tác quy hoạch và hướng dẫn của Chính phủ. Thông tin về định hướng điều chỉnh quy định về tiêu chí đô thị, tiêu chí đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh chủ động xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Tam Kỳ phù hợp thực tế và định hướng phát triển, quy hoạch tổng thể trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ghi nhận các kiến nghị của địa phương về các dự án đầu tư, nâng cấp một số tuyến quốc lộ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các kiến nghị này đều hết sức quan trọng, đây đều là các tuyến giao thông trọng điểm, có tính chất kết nối hành lang kinh tế đông - tây, tạo động lực cho sự phát triển, do đó cần nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn theo phương châm Trung ương và địa phương cùng làm. 

Đối với kiến nghị về điều chỉnh tỷ lệ nguồn vượt thu của địa phương, điều chỉnh tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương năm 2023 và giai đoạn 2023-2025; xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở công an xã,… Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu có giải pháp phù hợp, tăng hỗ trợ có mục tiêu để tỉnh có nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý trong thời gian đến tỉnh cần nỗ lực bứt phá để tương xứng với tiềm năng của tỉnh, tiếp tục rà soát chương trình hành động Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết đại hội Đảng bộ, Trung ương để quyết liệt thực hiện, rà soát điều chỉnh bổ sung kịp thời. Đề nghị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp... các cơ quan của tỉnh cần tham gia góp ý có chất lượng vào các dự thảo nghị quyết hướng dẫn giám sát và Đề án tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Quốc hội đối với hoạt động HĐND các cấp tạo thêm cơ sở pháp lý để HĐND thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao./.

Tác giả: Thanh Hiền

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ