Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Đầu năm 2023 sẽ hoàn thành các văn bản hướng dẫn thi hành

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 17:06 | 20/12 Lượt xem: 1837

Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt:
Đầu năm 2023 sẽ hoàn thành các văn bản hướng dẫn thi hành
Tại phiên giải trình "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt" của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sáng qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cam kết, đầu năm 2023 sẽ hoàn thành công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường để năm 2025 không chỉ là năm Luật có hiệu lực thi hành mà còn phải là năm Luật thực sự đi vào cuộc sống.


Đầu tư nhà máy xử lý rác thải, doanh nghiệp tương đối vất vả

Qua khảo sát, tổng hợp báo cáo trước khi tổ chức Phiên giải trình, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, như: ban hành, tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm bớt nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chỉ rõ, còn có một số hạn chế trong công tác này, trong đó đáng lưu ý là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa ban hành hoặc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền. Đặc biệt, quy định của pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn bất cập, thiếu các cơ chế cụ thể để khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp tư nhân yên tâm và có động lực để tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Hồ Long

Là đơn vị trực tiếp thực hiện quy trình, thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam Nguyễn Đình Trọng chỉ rõ, việc đầu tư dự án nhà máy này chịu điều chỉnh bởi nhiều luật chứ không phải chỉ có Luật Bảo vệ môi trường. Sự chồng chéo quy định giữa các luật, văn bản hướng dẫn chi tiết khiến doanh nghiệp khá vất vả. Vậy doanh nghiệp khi đầu tư nhà máy xử lý chất thải phải tiến hành đấu thầu quyền sử dụng đất, đấu giá giá điện nếu dự án có phát thải điện không? - ông Nguyễn Đình Trọng đặt câu hỏi. 

Từ quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chỉ rõ, Điều 110 của Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ việc miễn giảm tiền sử dụng đất, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc này. Chính phủ đã ban hành một số Nghị định hướng dẫn, trong đó quy định danh mục các dự án ưu tiên áp dụng. Chiếu theo quy định tại Điều 110 Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Quang Huân khẳng định, dự án nhà máy xử lý rác thải không phải đấu thầu quyền sử dụng đất.

Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường cũng chỉ quy định đấu thầu công nghệ, nhà đầu tư, giá thành dịch vụ xử lý rác. “Nhưng hiện nay, một số địa phương vẫn tiến hành đấu thầu quyền sử dụng đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường - với tư cách bộ chủ quản cần báo cáo đã ban hành hướng dẫn như thế nào cho địa phương để thực hiện đấu thầu với các dự án nhà máy xử lý rác thải đúng quy định của các luật liên quan?”, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích thực hiện và đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, thậm chí đã được quy định trong luật từ năm 2004. Hiện nay, việc xử lý rác được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm bởi thực tế cũng cho thấy hoạt động đầu tư này mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Do vậy, không có việc buộc doanh nghiệp phải đấu thầu quyền sử dụng đất, đấu giá giá điện, đòi hỏi các địa phương phải quy hoạch, có quỹ đất dành cho xây dựng nhà máy xử lý rác. “Việc lựa chọn nhà đầu tư chỉ dựa trên khía cạnh lựa chọn năng lực quản trị, công nghệ, giá xử lý rác. Các nhà đầu tư khi vào thực hiện không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm môi trường an toàn thì nhà đầu tư mới sẽ vào”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cùng tham gia giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc thừa nhận, hiện nay địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau, đúng như đại diện doanh nghiệp phản ánh, có nơi yêu cầu đấu giá quyền sử dụng đất, hay như với dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện cũng xem xét lựa chọn trên tiêu chuẩn giá điện. “Ở đây cần đi đúng bản chất của hoạt động này, là hoạt động xử lý rác thải thì phải căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ, tài chính, không coi giá điện là tiêu chuẩn cốt lõi, chỉ nên coi là yếu tố gia tăng của dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Phải thực hiện cho được các cam kết tại Phiên giải trình

Quan tâm đến tính thống nhất trong quản lý xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác này chưa đạt kỳ vọng là do chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành được xây dựng bởi nhiều bộ, ngành, gây ra chồng chéo trong quá trình vận dụng, không quy được trách nhiệm, khó khắc phục được hạn chế. Trước thực tế này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi đặt câu hỏi, có cần thống nhất quản lý về xử lý rác thải, cũng như xử lý chất thải rắn sinh hoạt không? Nếu cần thống nhất quản lý thì sẽ phải sửa đổi chính sách, văn bản pháp luật nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những việc nào Bộ Tài nguyên và Môi trường nỗ lực thực hiện được sẽ chủ động triển khai, vì Bộ quan niệm “không phải thời điểm điều khoản có hiệu lực thi hành mới bắt đầu triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn triển khai”. Việc xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường sẽ phải hoàn thành trong năm 2022, văn bản nào chưa ban hành sẽ phải ban hành hết. “Nói cách khác, trong hai năm 2023, 2024 sẽ không còn ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, thay vào đó là tổ chức triển khai, năm 2025 là năm chính sách pháp luật phải đi vào cuộc sống. Bộ sẽ có những văn bản để gắn trách nhiệm của địa phương với chúng tôi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chọn đúng và trúng vấn đề luôn được đông đảo cử tri, người dân quan tâm là thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt để tiến hành Phiên giải trình. Thực tế, ngay thành phố Hà Nội cũng có những thời kỳ rất căng thẳng về vận chuyển, xử lý rác thải, và nhìn chung trong các đô thị hiện nay, vấn đề thu gom rác thải vẫn là thách thức. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành nỗ lực thực hiện đúng thời hạn các cam kết được đưa ra tại Phiên giải trình này, nhằm bảo đảm tạo khung pháp lý cơ bản và đầy đủ, góp phần thúc đẩy hoạt động xử lý chất thải nói chung, cũng như xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng.

Tác giả: https://daibieunhandan.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website