Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Phiên bản di động Phiên bản đầy đủ

TÀI LIỆU KỲ HỌP



TÀI LIỆU PHIÊN HỌP TT HĐND

Tin tức / Thông tin Kinh tế – Xã hội

A+ | A | A-

Để sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa

Người đăng: dangtin Ngày đăng: 15:47 | 08/03 Lượt xem: 3088

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai từ năm 2018 trên toàn quốc đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm bổ sung nguồn lực và cơ chế thực hiện chương trình, để ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đầu năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND (Nghị quyết 07/2021) về cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025.  Qua hơn 05 năm thực hiện Chương trình OCOP, 02 năm thực hiện Nghị quyết 07/2021, cần được đánh giá kết quả đạt được, nhận diện các khó khăn, vướng mắc dần tháo gỡ để sản phẩm OCOP vươn xa hơn.

Những kết quả khả quan bước đầu

Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2018 -2022), sau 02 năm triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 07/2021 của HĐND tỉnh đã được được nhiều kết quả khả quan bước đầu. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 333 sản phẩm OCOP, trong đó có 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (trong đó có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao). 

Riêng trong 02 năm 2021- 2022, toàn tỉnh công nhận 146 sản phẩm OCOP (gồm 112 sản phẩm công nhận 3 sao, 34 sản phẩm công nhận 4 sao); một số địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao 2 năm qua gồm: Tam Kỳ (17 sản phẩm), Quế Sơn (11 sản phẩm), Thăng Bình (11 sản phẩm), Điện Bàn (11 sản phẩm), Hội An (11 sản phẩm). Trong số đó, sản phẩm là thực phẩm chiếm đa số với 106 sản phẩm; đồ uống 15 sản phẩm; thảo dược 07 sản phẩm; Thủ công mỹ nghệ là 15 sản phẩm và các sản phẩm khác... 

Đoàn khảo sát tại Cơ sở sản xuất hiệu bánh Bảo Linh tại phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ.

Trong số 333 sản phẩm OCOP của tỉnh thuộc 260 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia, trong đó hộ kinh doanh chiếm số lượng lớn 126 sản phẩm (48,4%), Hợp tác xã 90 (34,6%), doanh nghiệp và tổ hợp tác 44 (17 %)... Trong 02 năm (2021-2022), đã thu hút 125 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia, trong đó hộ kinh doanh chiếm hơn 50%.

Tiên Phước là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP với 36 sản phẩm, gồm 15 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao. Khảo sát tại Hợp tác xã sản xuất TMDV QNA FARM tại xã Tiên Ngọc, Tiên Phước, Giám đốc HTX bà Phạm Thị Mỵ Nương cho biết, cơ sở hiện có 7 sản phẩm cung cấp trên thị trường, trong đó chủ yếu khai thác từ lợi thế địa phương như sản phẩm chuối, mít, tinh nghệ, tiêu Tiên Phước; trong đó có một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao như: Tinh bột nghệ trắng, Viên hoàn tinh nghệ trắng mật ong...

Là tỉnh lỵ của Quảng Nam - thành phố Tam Kỳ thuận lợi trong tiếp cận và phát triển các sản phẩm OCOP, đến nay Tam Kỳ có 24 sản phẩm được công nhận, trong đó có 10 sản phẩm đạt 04 sao, 15 sản phẩm đạt 03 sao. Khảo sát tại Cơ sở sản xuất hiệu bánh Bảo Linh tại phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ được biết, cơ sở đã đầu tư máy móc sản xuất hiện đại, quy mô sản xuất khoảng 2.500 hộp bánh mỗi ngày cung cấp thị trường toàn quốc, tham gia vào hệ thống cửa hàng lớn như LoteMart, Coopmart, xuất khẩu sang Hàn Quốc, với doanh thu bán hàng đạt 10 tỷ đồng mỗi năm, cơ sở đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động.

Qua khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, từ các chính sách của Nghị quyết 07/2021 cùng với các cơ chế hỗ trợ từ các chương trình, đề án khác đã tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương thực hiện hỗ trợ cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, góp phần khuyến khích, tạo động lực địa phương phát huy thế mạnh, quảng bá, phát triển sản phẩm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Nhiều chủ thể là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; bao bì sản phẩm được nâng cấp, cải tiến theo dướng đúng quy định, bắt mắt, ngày càng đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

Việc phân bổ, bố trí nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP cơ bản đảm bảo theo dự toán kinh phí nghị quyết đề ra. Theo báo cáo của Sở Tài chính, mỗi năm tỉnh bố trí tối thiểu 10 tỷ để thực hiện Nghị quyết, kết quả qua 02 năm thực hiện kinh phí thực hiện khối các huyện là 16,698 tỷ đồng; khối các sở ngành thuộc tỉnh là 3,168 tỷ đồng. Ngoài phần ngân sách tỉnh bổ sung, một số huyện, thị xã, thành phố đã lồng ghép nguồn kinh phí cấp huyện để bố trí thực hiện nghị quyết, đáng chú ý một số địa phương quan tâm, bố trí nguồn kinh phí lớn như: Bắc Trà My (790 triệu đồng), Nam Trà My (469 triệu đồng), Tiên Phước (212 triệu đồng), Tam Kỳ (225 triệu đồng)... Ngoài ra, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 11,353 tỷ đồng cho các HTX có sản phẩm OCOP đầu tư, nâng cấp, xây dựng nhà xưởng và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh.

Để sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa

Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP toàn tỉnh tăng nhanh, đến nay đã có 333 sản phẩm, song sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường ít. Theo thống kê, hiện chỉ có 58 sản phẩm đạt 4 sao, không có sản phẩm 5 sao. Trong số đó, nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cùng loại (như dầu phộng, dầu mè, nước mắm, gạo nếp...) với chất lượng, mẫu mã tương tự nhau, làm cho sản phẩm OCOP trở nên đơn điệu, không mang ý tưởng mới, thiếu tính sáng tạo. 

Đồng thời, công tác quảng bá, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả thấp. Nhiều sản phẩm OCOP trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trùng lắp với sản phẩm đã thành thương hiệu nổi tiếng của địa phương khác nên không cạnh tranh, mở rộng thị trường được (nước mắm, gạo nếp, dầu ăn...).

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định chưa được quan tâm đúng mức; một số sản phẩm mang tính mùa vụ, chưa có nguồn nguyên liệu ổn định nên khi thị trường có nhu cầu cao thì không đáp ứng được số lượng và chất lượng. Khảo sát tại Hợp tác xã Nhàu BestOne, tại phường An Phú, chủ cơ sở Bùi Thị Tuyết Nhung cho biết nhu cầu thị trường đang cần nhiều hơn, có những đơn hàng lớn nhưng chưa thực hiện được, một phần do vùng nguyên liệu còn ít. 

Nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu các địa phương, việc phân bổ chưa khoa học, còn mang tính cào bằng qua các năm. Điển hình như thành phố Tam Kỳ nhu cầu phát triển sản phẩm OCOP rất lớn, đến nay đã 28 sản phẩm và nhu cầu đăng ký sản phẩm mới còn nhiều, tuy nhiên kinh phí tỉnh cấp là 400 triệu đồng mỗi năm. Cũng được phân bổ mức kinh phí này, song huyện Nam Giang chỉ có 01 sản phẩm OCOP, tỷ lệ giải ngân thấp, năm 2022 chỉ đạt 3,75%. 

Việc phân lô sản xuất để theo dõi, quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh chưa được chú trọng. Tình hình ứng dụng và đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất khép kín chưa nhiều, hình thức sản xuất bán thủ công, thủ công vẫn còn khá phổ biến nên có lúc chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm OCOP chưa cao. Ngoài ra, thủ tục đánh giá, công bố sản phẩm lại khá phức tạp, qua nhiều khâu; Công tác kiểm tra, giám sát quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm OCOP chưa được thực hiện thường xuyên...cũng là vấn đề cần được quan tâm, chỉ đạo để sản phẩm OCOP ngày càng chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát tại Hợp tác xã sản xuất TMDV QNA FARM tại xã Tiên Ngọc, Tiên Phước.

Để sản phẩm OCOP của tỉnh có thể vươn xa, cạnh tranh được trên thị trường trong và ngoài nước, ngoài việc phải khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu, trong thời gian đến cần quan tâm một số vấn đề sau:

- Tập trung nâng cao chất lượng, trong đó quan tâm việc kiểm định chất lượng thường xuyên tránh tình trạng sau khi đánh giá đạt chuẩn chất lượng lại giảm sút. Công tác đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cũng cần đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, kiên quyết loại bỏ những sản phẩm không còn duy trì các tiêu chuẩn đã đạt được.

- Quan tâm công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. 

- Thay đổi phương thức hỗ trợ từ ngân sách theo cách bình quân hiện nay mà lựa chọn một số sản phẩm có thế mạnh, mang tính đặc trưng của tỉnh để đầu tư nâng cao chất lượng, số lượng nhằm tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tác giả: Vinh Phạm

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên và khát vọng dân chủ


Liên kết web

select

Liên kết Website